Nhiều ấn phẩm đặc biệt nhân 100 năm ngày sinh Tô Hoài
Truyền thông - Ngày đăng : 19:25, 25/09/2020
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Bùi Tuấn Nghĩa, Giám đốc NXB Kim Đồng cho biết: NXB đã đầu tư công phu cho loạt ấn phẩm đặc biệt nhân dịp kỷ niệm này.
Một trong những dấu ấn của loạt ấn phẩm là bộ "Tuyển tập văn học thiếu nhi" (4 tập); Đặc biệt là bộ "Dế Mèn" với nhiều hình thức thể hiện khác nhau đã được đồng loạt ra mắt bạn đọc. Có thể nói, chưa một tác phẩm nào ở Việt Nam được khai thác và phát huy giá trị một cách phong phú nhất như thế. Điều đó minh chứng cho giá trị và sức sống mãnh liệt của tác phẩm trong lòng bạn đọc.
Tại buổi Tọa đàm, nhà thơ Vũ Quần Phương - người bạn tri kỷ của nhà văn Tô Hoài cũng đã chia sẻ những kỷ niệm thật sâu sắc của "những năm tháng không thể quên" giữa nhà thơ và Tô Hoài với các văn nghệ sĩ của Việt Nam cùng thế hệ. Qua những câu chuyện bình dị đó, chúng ta thấy rõ hơn về một nhà văn giản dị, suốt đời cống hiến cho nền văn học nước nhà.
Với 94 năm tuổi đời và hơn 70 năm tuổi nghề, với một số lượng tác phẩm đồ sộ, gần 200 đầu sách trải rộng trên nhiều mảng đề tài, có thể nói, Tô Hoài là nhà văn của nhiều thời, nhiều tầng lớp, nhiều độ tuổi khác nhau.
Nhà văn Tô Hoài cũng chính là người tiên phong khai đường mở lối và xác lập một vị thế vững chắc cho nền văn học thiếu nhi Việt Nam. Ông là một trong những thành viên tham gia sáng lập NXB Kim Đồng, người lấy tên của vị anh hùng thiếu niên Kim Đồng đặt cho NXB thiếu nhi đầu tiên của Việt Nam.
Nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài, NXB Kim Đồng ra mắt nhiều ấn phẩm mới đặc biệt và các hoạt động ý nghĩa dành cho độc giả.
Nhiều ấn phẩm đặc biệt kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài
Với 21 ấn phẩm cả ra mắt lần đầu và tái bản hình thức mới, loạt sách kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài của NXB Kim Đồng mang đến cho độc giả một góc nhìn toàn diện và mới mẻ về những tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn Tô Hoài.
Đầu tiên, phải kể đến hai ấn phẩm "Dế Mèn phiêu lưu ký" được thiết kế, in ấn công phu, với số lượng in hạn chế 500 bản, đánh số từ TH 001 đến TH 500 dành cho độc giả muốn sưu tầm sách:
"Dế Mèn phiêu lưu ký" song ngữ, minh họa của họa sĩ Ngô Mạnh Lân - Họa sĩ đầu tiên vẽ minh họa Dế Mèn phiêu lưu ký năm 1959 khi ông đang học họa sĩ, đạo diễn phim hoạt hình tại Trường Đại học Điện ảnh quốc gia Liên Xô. Sau đó, họa sĩ Ngô Mạnh Lân cũng vẽ minh họa Dế Mèn phiêu lưu ký hai lần nữa năm 1972 và năm 1989. Độc giả ấn tượng với những hình ảnh sinh động, trong sáng mà khoáng đạt về chú Dế Mèn hiệp nghĩa, về những phong cảnh thiên nhiên sống động trong tác phẩm của họa sĩ Ngô Mạnh Lân.
Tiếp theo là ấn bản kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài tập hợp đầy đủ cả ba phiên bản minh họa Dế Mèn của họa sĩ Ngô Mạnh Lân. Sách được in song ngữ, trên giấy Nouvel cao cấp, bìa cứng trang trọng. Sách được dịch giả Đặng Thế Bính dịch. Đây ấn bản được đánh giá là bản dịch "Dế Mèn phiêu lưu ký" thành công nhất từ trước tới nay. Nhiều bản dịch ở các ngôn ngữ khác đã dựa vào bản dịch tiếng Anh này. Nhờ đó, "Dế Mèn phiêu lưu ký" đã chu du được rất nhiều nước trên thế giới.
Còn bộ ấn bản "Dế Mèn phiêu lưu ký" bản viết tay của nhà văn Tô Hoài, minh họa của họa sĩ Tạ Huy Long được mệnh danh là "họa sĩ Dế Mèn" với 4 phiên bản minh họa "Dế Mèn phiêu lưu ký" khác nhau. Mỗi ấn bản Dế Mèn của họa sĩ Tạ Huy Long lại mang đến cho độc giả một góc nhìn mới về thế giới Dế Mèn. Ấn bản này được làm bìa cứng bọc vải, bìa áo bọc ngoài ép nhũ, ruột in trên giấy Nouvel cao cấp.
Cũng trong đợt này, ấn phẩm "Dế Mèn phiêu lưu ký" do nữ họa sĩ trẻ Đậu Đũa minh họa cũng ra mắt công chúng. Thuộc thế hệ 9X, Đậu Đũa cũng là nữ họa sĩ đầu tiên vẽ "Dế Mèn phiêu lưu ký". Bằng con mắt của người trẻ thời hiện đại, minh họa của Đậu Đũa khác biệt với tạo hình Dế Mèn của các thế hệ họa sĩ đi trước.
Còn với họa sĩ trẻ Linh Rab, bằng tình yêu Dế Mèn, đã cho ra đời một cuốn truyện tranh hiện đại chuyển thể từ "Dế Mèn phiêu lưu ký" có tên "Cuộc phiêu lưu của Dế Út: Phần mở đầu".
Lần đầu tiên, độc giả Việt Nam cũng sẽ được tiếp cận với hai ấn bản "Dế Mèn phiêu lưu ký" đã từng xuất bản tại Thụy Điển và Nhật Bản do họa sĩ Ngô Xuân Khôi và Thành Chương minh họa.
Ngoài các ấn bản "Dế Mèn phiêu lưu ký" trên, độc giả cũng sẽ gặp lại Dế Mèn bản tranh truyện comic của họa sĩ Trương Qua; bản song ngữ Việt - Anh, bản dịch của Đặng Thế Bính, minh họa của Thành Chương; bản "Dế Mèn phiêu lưu ký" minh họa lần đầu năm 1959 của họa sĩ Ngô Mạnh Lân, cùng ba ấn bản "Dế Mèn phiêu lưu ký" khác của họa sĩ Tạ Huy Long.
Trong dịp này, bộ "Tuyển tập văn học viết cho thiếu nhi" của nhà văn Tô Hoài gồm 4 cuốn cũng sẽ ra mắt công chúng. Bộ ấn phẩm này được coi là tuyển tập đầy đủ nhất các tác phẩm viết cho thiếu nhi của nhà văn Tô Hoài. Một vài tác phẩm chỉ xuất hiện trên tờ Truyền bá từ những năm 1941−1942… nay mới sưu tầm được và đưa vào Tuyển tập.
"Truyện đồng thoại Tô Hoài" minh họa của họa sĩ Vũ Xuân Hoàn và ấn bản tiếng Anh "A Mouse Wedding" lần đầu ra mắt độc giả, cũng là bộ đôi sách ấn tượng trong loạt ấn phẩm này.
"Chuyện cũ Hà Nội" (gồm hai phần) được tái bản hình thức mới. Với sự gắn bó, am hiểu sâu sắc về Hà Nội, bằng những nét ký họa tinh tế, sắc sảo, nhà văn Tô Hoài đã vẽ được "cái thần thái cả một thành phố nghìn tuổi đang đô thị hóa gấp gáp trở thành nửa Tây nửa ta, nửa cũ nửa mới, nửa sang nửa quê.
Một ấn phẩm không thể không nhắc đến trong loạt ấn phẩm kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài là cuốn "Tự truyện". Tập hồi ký gắn với bao nỗi vui buồn và ước mơ của tuổi thơ, bao kỉ niệm về những người bạn văn, đời văn của ông, từ Cỏ dại; Mùa hạ đến, mùa xuân đi; Những người thợ cửi; Đi làm; Hải Phòng; Một quãng đường; 1947; và Ông già ở Arga.
Tô Hoài là một trong những tên tuổi lớn của văn học hiện đại Việt Nam. Ông tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27/9/1920 tại quê ngoại là làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông cũ (nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội).
Tô Hoài đã đạt nhiều giải thưởng sáng tác như Giải Nhất của Hội Văn nghệ Việt Nam (1956, Truyện Tây Bắc); Giải A - Giải thưởng Hội Văn nghệ Hà Nội (1970, tiểu thuyết Quê nhà); Giải thưởng của Hội Nhà văn Á - Phi (1970, tiểu thuyết Miền Tây); Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (đợt 1, năm 1996) và Giải thưởng Bùi Xuân Phái -Vì tình yêu Hà Nội (năm 2010).
Tác phẩm của Tô Hoài đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và giới thiệu tại nhiều quốc gia như Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ba Lan, Séc, Đức, Bungari, Cu Ba, Mông Cổ, Nhật Bản..., trong đó Dế Mèn phiêu lưu ký đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng trên thế giới.