Việt Nam luôn coi ADB là đối tác phát triển quan trọng

Truyền thông - Ngày đăng : 16:52, 18/09/2020

Thủ tướng đề nghị, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đã đàm phán, ký kết trong danh mục 2020-2021 nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam chiều này 17/9.

Chúc mừng ông Andrew Jeffries được bổ nhiệm làm Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hy vọng ông sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác Việt Nam-ADB; khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn coi ADB là đối tác thân thiết, gắn bó, đối tác phát triển quan trọng. Nhiều công trình, dự án của ADB đã đóng góp quan trọng, hỗ trợ to lớn cho phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) Việt Nam.

Việt Nam luôn coi ADB là đối tác phát triển quan trọng - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam. Ảnh: VGP

Đến nay, ADB đã tài trợ cho Việt Nam các khoản vay với tổng số gần 17 tỷ USD, đã giải ngân 14 tỷ USD (đạt 83,1% số đã ký).

Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ, hợp tác hiệu quả với ADB trong suốt thời gian qua. Chính phủ Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển KTXH 10 năm và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới (2021-2025 tới) trong khi ADB cũng đang xây dựng chiến lược đối tác quốc gia 5 -10 năm tới. Ông mong muốn làm sao chiến lược của ADB phù hợp với chiến lược phát triển của Việt Nam, một quốc gia năng động trong khu vực.

ADB đang thay đổi cách tiếp cận để hành động phù hợp hơn, hướng đến khối kinh tế tư nhân, tạo môi trường thuận lợi thu hút nhiều đầu tư tư nhân hơn cho quá trình phát triển.

Giám đốc Andrew Jeffries chúc mừng kết quả trong phòng chống đại dịch COVID-19 và phục hồi phát triển KTXH của Việt Nam. ADB có những hành động hỗ trợ nhanh chóng cho khu vực, trong đó có Việt Nam, để ứng phó với dịch COVID-19.

ADB luôn sẵn sàng gặp gỡ, trao đổi với các đối tác Việt Nam để tìm giải pháp, cách thức hỗ trợ hiệu quả nhất. Ông cho rằng, thời điểm này, Việt Nam đã bắt đầu thoát khỏi đại dịch COVID-19 và mong rằng, trong nhiệm kỳ của mình sẽ hỗ trợ Việt Nam tốt hơn.

Cảm ơn ý kiến của ông Andrew Jeffries, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh. Việt Nam đã chủ trương thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch đồng thời với đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Do đó, 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới tăng trưởng dương.

Cho biết về một số định hướng của Việt Nam trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ 3 nội dung: Tập trung thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để góp phần sớm phục hồi và phát triển KTXH trong trạng thái bình thường mới.

Việt Nam luôn coi ADB là đối tác phát triển quan trọng - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi tiếp. Ảnh: VGP

Về đề xuất ba khoản vay hỗ trợ ngân sách của ADB cho Việt Nam trị giá khoảng 900 triệu USD, Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét và sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nhân dịp này, Thủ tướng đánh giá cao ADB tăng gấp 3 lần quy mô gói hỗ trợ khẩn cấp, lên tới 20 tỷ USD cho các quốc gia thành viên trên toàn cầu ứng phó với tác động của dịch COVID-19. Đây là nguồn lực hỗ trợ rất cần thiết, kịp thời, trong đó có Việt Nam.

Đề nghị ADB phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đã đàm phán, ký kết

Về định hướng hợp tác Việt Nam-ADB, Thủ tướng nêu rõ, ADB là đối tác truyền thống của Việt Nam, do đó mong ADB sẽ phối hợp, hợp tác tốt hơn nữa.

Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị ADB hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chiến lược và Kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021-2025 và phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng và triển khai Chiến lược Đối tác quốc gia cho giai đoạn mới (2021-2025).

Tỷ lệ giải ngân các chương trình dự án ADB trong 8 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 36% và theo kế hoạch từ nay đến cuối năm vẫn còn hơn 900 triệu USD cần phải giải ngân theo kế hoạch. Thủ tướng đề nghị ADB phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đã đàm phán, ký kết trong danh mục 2020-2021 nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên huy động vốn ODA, vay ưu đãi, trong đó có nguồn vốn vay của ADB, phù hợp Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 sắp được Quốc hội thông qua và Định hướng thu hút ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài giai đoạn 2021-2025 với chủ trương ưu tiên cho các dự án lớn, thúc đẩy phát triển bền vững nhưng quan trọng nhất vẫn là hiệu quả của dự án.

Thủ tướng đề nghị ADB tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị tốt các dự án có chất lượng thực sự hiệu quả, cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn lực đầu tư phát triển.

ADB cam kết sẽ phối hợp với Việt Nam triển khai hiệu quả các dự án đầu tư công hiệu quả

Mới đây, tại buổi họp báo do ADB tổ chức tại Hà Nội, nói về vấn đề giải ngân đầu tư công, Giám đốc quốc gia của ADB Andrew Jeffries khẳng định, ADB là đối tác cho vay lâu dài của Việt Nam, trong đó phần lớn sử dụng trong việc đầu tư công. 

Trong bối cảnh dịch bệnh, sự đi xuống của kinh tế toàn cầu khiến đầu tư tư nhân bị giảm mạnh, Chính phủ Việt Nam đã có giải pháp thúc đẩy đầu tư công, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Vẫn còn nhiều thách thức khi tiến độ giải ngân bị ảnh hưởng do các khâu triển khai dự án như đánh giá tác động, giải phóng mặt bằng, một số việc gặp khó khăn hơn khi có dịch bệnh,… nhưng tiến độ giải ngân năm nay vẫn cao hơn so với một số năm vừa qua.

"ADB cam kết sẽ phối hợp với các đối tác Việt Nam để triển khai hiệu quả hơn các dự án đầu tư công trong tương lai", Giám đốc quốc gia của ADB Andrew Jeffries cho biết.

Các chuyên gia của ADB phân tích, triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn vẫn rất tích cực. Việc Việt Nam tham gia một số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương sẽ giúp nền kinh tế của đất nước phục hồi. Việt Nam cũng có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển hiện nay của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn. 

Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế tương tự khác và triển vọng của nền kinh tế trong trung và dài hạn vẫn tích cực.

PV