Những cơ hội đầu tư mới tại ASEAN
Truyền thông - Ngày đăng : 16:31, 15/09/2020
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế trong ASEAN với việc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP của khối ASEAN-5 (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore) sẽ có mức tăng trưởng chỉ -0,6% vào năm 2020.
Tuy nhiên, có những cơ hội đầu tư mới xuất hiện trong một số lĩnh vực kể từ khi dịch bệnh bùng phát bao gồm lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục và viễn thông. Ngoài ra, các hiệp định thương mại tự do mà một số nước Đông Nam Á ký kết với những quốc gia phát triển cũng tạo ra lợi thế xuất khẩu của ngành sản xuất Đông Nam Á.
Tăng tốc chuyển dịch chuỗi cung ứng
Khi các nhà máy bắt đầu đóng cửa ở Trung Quốc do dịch Covid-19, một số công ty đa quốc gia đã lên kế hoạch chuyển một phần cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc sang các nước ASEAN, nhằm đối phó với việc sụt giảm sản xuất và giảm thiểu rủi ro từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Xu hướng này càng gia tăng sau khi dịch Covid-19 làm tê liệt các chuỗi cung ứng thế giới, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp (DN) toàn cầu. Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc Jorg Wuttke đánh giá dịch COVID-19 đã khiến nhiều DN nhận thức được sự cần thiết phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Các DN Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đang tích cực tăng cường sự hiện diện của họ ở Đông Nam Á. Nhật Bản đã công bố chương trình trợ cấp 220 triệu USD để khuyến khích các nhà sản xuất trong nước chuyển cơ sở sản xuất ở nước ngoài tới Đông Nam Á và Chính sách Hướng Nam Mới của Đài Loan cũng đang hướng tới điều tương tự.
Thúc đẩy đầu tư trong bối cảnh "số hóa" ASEAN
Đại dịch đã định hình lại bối cảnh số hóa của ASEAN, buộc nhiều chính phủ và DN trong khu vực phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số.
Với hơn 400 triệu người dùng Internet trong khu vực, số hóa tại ASEAN mang đến nhiều cơ hội tiềm năng cho các nhà đầu tư. Công nghệ sẽ đóng vai trò hàng đầu trong ASEAN, không chỉ cải thiện khả năng chống chịu với các thảm họa như COVID-19 mà còn để tăng cường sự cất cánh của các dịch vụ, công cụ và giải pháp kỹ thuật số.
Giáo dục trực tuyến và khám chữa bệnh từ xa (telemedecine) là những ví dụ về các lĩnh vực mới đã phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn giãn cách xã hội, trong khi đó nhu cầu về các nền tảng và dịch vụ phần mềm truyền thông/làm việc từ xa và hội nghị trực tuyến như Microsoft Teams, Zoom và Skype,… cũng tăng vọt.
Viễn thông và 5G
Hình thức làm việc từ xa có thể sẽ tiếp tục được duy trì ở ASEAN, với hầu hết các DN cho phép một nửa lực lượng lao động làm việc tại nhà, trong khi phần còn lại làm việc tại văn phòng.
Sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào kết nối khi làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch đã khiến các nước ASEAN cần phải cải thiện cơ sở hạ tầng viễn thông hiện có. Đây sẽ là một ngành đòi hỏi đầu tư nước ngoài lớn. Ví dụ, mạng 5G có thể chuyển đổi cách thức làm việc từ xa trong khu vực ASEAN bởi nó cung cấp tốc độ Internet nhanh gấp 50 lần so với 4G. ASEAN dự kiến sẽ cần các khoản đầu tư từ 11 - 18 tỷ USD để triển khai mạng 5G trong khu vực, với mục tiêu đạt khoảng 200 triệu thuê bao vào năm 2025.
Singapore hiện đang dẫn đầu về phát triển 5G tại ASEAN với việc triển khai mạng 5G vào năm 2020 và dự kiến đến năm 2025 sẽ phủ sóng 5G toàn quốc. Các quốc gia theo sát là Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Philippines.
Khám chữa bệnh từ xa
Việc tích hợp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) vào chăm sóc sức khỏe sẽ đẩy nhanh sự chuyển đổi của lĩnh vực này. Ví dụ, việc sử dụng các ứng dụng chăm sóc sức khỏe có thể chuyển đổi cách các bệnh viện và bác sĩ lưu trữ hồ sơ, thu thập và chia sẻ dữ liệu bệnh nhân.
Dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa (Telehealth) sẽ trở thành phổ biến trong khu vực sau đại dịch Covid-19. Công ty Doctor Anywhere có trụ sở tại Singapore đã huy động được 27 triệu USD trong vòng đầu tư mạo hiểm do Square Peg, EDBI và IHH cầm trịch để mở rộng thị trường hoạt động của mình, trong khi ứng dụng chăm sóc sức khỏe Alodokter có trụ sở tại Indonesia đã ghi nhận hơn 30 triệu người dùng hoạt động kể từ tháng 3 năm 2020 (cao hơn 1,5 lần so với lưu lượng truy cập trước COVID-19).
Singapore sẽ tiếp tục là một điểm đến hấp dẫn cho các công ty khởi nghiệp về công nghệ sức khỏe do khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ và sự hỗ trợ của chính phủ, trong khi thị trường tiêu dùng rộng lớn của Indonesia có thể sinh lợi cho các nhà đầu tư.
Những cơ hội cho giáo dục trực tuyến
Ngành giáo dục của ASEAN đang chuyển đổi nền giáo dục để đáp ứng yêu cầu của các DN về sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng, đặc biệt là tiếng Anh.
Tuy nhiên, với hơn 100 triệu sinh viên sử dụng các lớp học trực tuyến, các chính phủ đang gặp phải nhiều khó khăn để triển khai hình thức học tập này do cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) giữa các quốc gia khá khác nhau.
Trong khi hơn 80% dân số Singapore, Brunei và Malaysia có quyền truy cập Internet, thì tỷ lệ này ở Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam là 50 - 70%. Con số này thậm chí còn thấp hơn ở Campuchia, Lào và Myanmar.
Bất chấp "khoảng cách số" này, hầu hết các quốc gia thành viên ASEAN đã và đang đẩy mạnh học trực tuyến, chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục đại học. Một lĩnh vực ưu tiên của Kế hoạch Công tác ASEAN về Giáo dục 2016-2020 - nhằm tăng cường giáo dục đại học của khu vực - là cải thiện khả năng tiếp cận và sử dụng các sáng kiến học tập kỹ thuật số ở các quốc gia thành viên, mở ra cơ hội đầu tư lớn cho các nhà cung cấp các công nghệ giáo dục mới.
Thương mại điện tử (TMĐT)
Đại dịch đã làm thay đổi hành vi, thái độ và thói quen mua hàng của người tiêu dùng. Lưu lượng truy cập trên các nền tảng TMĐT tử đã tăng đột biến trong thời gian đại dịch. TMĐT trước đây đã được nhiều nhà bán lẻ và nhà sản xuất ở ASEAN coi là một "lựa chọn" thay vì là một "phương thức kinh doanh". Các ứng dụng mua sắm phổ biến nhất trên thế giới, như Shopee và Lazada, đã tăng hơn 60% lượt tải xuống hàng tuần tại Thái Lan trong những tuần đầu tiên bị thực hiện giãn cách xã hội.
Indonesia, Việt Nam và Singapore đã chứng kiến lưu lượng truy cập tăng hơn 10% trên các ứng dụng như Shopee, Lazada, Tokopedia và ShopBack, v.v..
Trong một báo cáo do Google, Temasek Holdings và Bain & Co. thực hiện, nền kinh tế Internet của khu vực được định giá 100 tỷ USD vào năm 2019. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 300 tỷ USD vào năm 2025. Trong khi đó, Indonesia, thị trường lớn nhất ASEAN, được dự báo sẽ có nền kinh tế Internet đạt gần 130 tỷ USD vào năm 2025. Mức tăng trưởng lớn khác theo dự đoán sẽ đến từ Thái Lan và Việt Nam, với nền kinh tế Internet dự báo lần lượt đạt 50 tỷ USD và 43 tỷ USD.