Lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Huawei - ngành công nghệ Hàn Quốc bị ảnh hưởng
Kinh tế số - Ngày đăng : 09:39, 11/09/2020
Các công ty công nghệ Hàn Quốc đang chuẩn bị cho việc doanh số bán hàng có thể sụt giảm trong quý IV, vì Hoa Kỳ chuẩn bị loại bỏ gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc ra khỏi các nguồn cung cấp chip khác nhau kể từ 8/9.
Ngành công nghiệp bán dẫn và màn hình đang trong tình trạng báo động do lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ cấm trực tiếp cung cấp chip nhớ, màn hình cho TV, điện thoại thông minh và các bộ phận liên quan đến 5G được thiết kế bằng công nghệ của Mỹ cho Huawei mà không có sự chấp thuận của Hoa Kỳ.
Một chuyên gia trong ngành này cho biết: "Không thể sản xuất chip không sử dụng công nghệ của Mỹ, mặc dù rất khó để xác định chính xác đâu là công nghệ do Mỹ sản xuất.
Samsung Electronics và SK hynix, các nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, được cho là đã nộp đơn lên chính phủ Mỹ để xin giấy phép cung cấp chip cho Huawei để giảm thiểu tác động của lệnh trừng phạt.
Huawei là một trong năm khách hàng lớn nhất của Samsung, với doanh thu khoảng 7,3 nghìn tỷ won (6,16 tỷ USD) vào năm ngoái. Theo Eugene Securities, doanh số bán hàng năm 2019 của SK hynix cho Huawei là khoảng 3 nghìn tỷ won.
Samsung bán cho Huawei chip nhớ của điện thoại thông minh, cảm biến hình ảnh và IC cho màn hình.
Nhiều quan chức ngành nhận định, với tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Huawei và chính quyền Trump, khả năng được Mỹ chấp thuận cung cấp chip là rất thấp.
Samsung Electronics và SK hynix đều chính thức từ chối bình luận về vấn đề này.
Rhee Soo-mi, một luật sư của Arnold & Porter, cho biết Mỹ có nhiều khả năng sẽ không chấp thuận yêu cầu của các nhà sản xuất chip Hàn Quốc, trong một cuộc hội thảo trực tuyến do Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc tổ chức hôm 10/9.
"Lập trường cơ bản của chính phủ Mỹ là không cấp bất kỳ giấy phép nào cho phép bán linh kiện bán dẫn cho Huawei," Rhee nhấn mạnh. "Hình thức trừng phạt mới này khiến việc cấp phép trở nên khó khăn hơn".
Các nhà sản xuất chip buộc phải tiết lộ khối lượng lô hàng và nơi các lô hàng được chuyển đến.
"Các đơn xin giấy phép xuất khẩu có thể được cấp trong 90 ngày theo luật, nhưng do sự phức tạp của vấn đề, điều đó có thể mất từ 8 tháng đến một năm," vị luật sư này chia sẻ.
Nếu các công ty bị phát hiện vi phạm lệnh trừng phạt, có thể bị phạt tù tới 20 năm hoặc phạt 1 triệu USD cho mỗi vi phạm.
Bà Rhee khuyến cáo: "Các công ty sẽ phải kiểm tra kỹ lưỡng xem các lô hàng xuất khẩu của họ bị ràng buộc ở đâu. Bất kỳ liên kết gián tiếp nào với Huawei đều có thể bị trừng phạt."
Một quan chức ngành nhận định: "Lệnh trừng phạt có thể bị coi là tiêu cực vì các nhà sản xuất chip Hàn Quốc đang mất đi một khách hàng lớn trong ngắn hạn. Nhưng về lâu dài, họ sẽ có thể tìm được khách hàng mới cho sản phẩm bộ nhớ của mình vì chip nhớ có thể được sử dụng phổ biến."
Đây là lần đầu tiên những hạn chế của Hoa Kỳ đối với Huawei sẽ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp màn hình.
Samsung Display và LG Display, cả hai đều cung cấp tấm nền màn hình điện thoại thông minh cho Huawei, đều sẽ bị tác động bởi lệnh trừng phạt của Mỹ.
LG Display vừa mới bắt đầu cung cấp tấm nền OLED cho Huawei, sẽ phải tạm ngừng hoạt động này vào tuần tới.
"Nếu Huawei ngừng sản xuất điện thoại thông minh, các nhà cung cấp Trung Quốc khác như Oppo, Vivo và Xiaomi sẽ chiếm lĩnh thị trường. Vì vậy, các nhà sản xuất màn hình có khả năng tăng doanh số bán hàng cho các nhà cung cấp đó," một quan chức trong ngành nhận định.
Có một số lo ngại rằng các linh kiện điện tử khác như tụ điện gốm nhiều lớp, cần thiết trong thiết bị điện tử sử dụng chip, có thể bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ về lâu dài.
Lệnh trừng phạt, có hiệu lực từ 8/9, sẽ không ảnh hưởng ngay đến hoạt động kinh doanh quý III của các công ty Hàn Quốc, nhưng doanh thu quý IV giảm nhẹ sẽ là không thể tránh khỏi trừ khi họ tìm được khách hàng mới.
Nhà nghiên cứu thị trường TrendForce dự báo giá DRAM sẽ tiếp tục giảm khoảng 10% trong quý IV năm nay.