Hành trình 25 năm Việt Nam gia nhập AIPA
Hội nhập - Ngày đăng : 09:18, 08/09/2020
Nhìn lại lịch sử
Sau giải phóng miền Nam, nước nhà thống nhất, đáp ứng xu thế hội nhập tất yếu của thời đại, tháng 4/1979, Quốc hội Việt Nam đã gia nhập Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU); năm 1991 gia nhập Liên minh Nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ (APF); và việc chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Liên Nghị viện ASEAN (AIPO) vào năm 1995 đã đánh dấu từng bước hội nhập quốc tế của Quốc hội Việt Nam.
Đầu những năm 1990, tình hình khu vực Đông Nam Á có nhiều chuyển biến tích cực, xu thế đối thoại hòa bình nhằm xây dựng khu vực ổn định, hợp tác và phát triển tăng lên. Với tư cách là khách mời của nước chủ nhà Indonesia, lần đầu tiên, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Văn Tửu dẫn đầu đã đi dự kỳ họp Đại hội đồng AIPO 13, tổ chức tại Jakarta, Indonesia, từ ngày 21 đến 26/9/1992.
Đặc biệt, từ 1-10/2/1993, Đoàn đại biểu AIPO gồm 13 đại biểu do Chủ tịch Hạ viện Malaysia Tan Sri Dato Mahamed Zahir dẫn đầu đã thăm chính thức Việt Nam. Chuyến thăm đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam và AIPO, thể hiện thiện chí của các nước thành viên AIPO mong muốn phát triển quan hệ với Quốc hội Việt Nam.
Với tư cách quan sát viên, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Quốc hội Đặng Quân Thụy và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trần Văn Phác dẫn đầu đã dự kỳ họp Đại hội đồng AIPO 14 ở Kuala Lumpur, Malaysia từ ngày 19 đến 26/9/1993 và kỳ họp Đại hội đồng AIPO 15 ở Manila, Philippines từ ngày 19 – 24/9/1994.
Được sự đồng thuận của các nghị viện thành viên AIPO ngày 7/9/1995, Chủ tịch Quốc hội Singapore, đồng thời là Chủ tịch AIPO 16 Tan Soo Khoon đã thăm chính thức Việt Nam, trực tiếp trao thư cho Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh, mời Quốc hội Việt Nam gia nhập AIPO. Sự kiện này đã thể hiện sự trân trọng của AIPO đối với Quốc hội Việt Nam.
Tháng 9/1995, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh dẫn đầu đã thăm chính thức Singapore và dự Lễ kết nạp Quốc hội Việt Nam trở thành thành viên thứ 6 của AIPO tại kỳ họp Đại hội đồng AIPO 16, diễn ra từ ngày 18-23/9/1995. Như vậy, sau gần 20 năm kể từ khi thành lập, lần đầu tiên AIPO kết nạp thành viên mới
Cùng với Chủ tịch Quốc hội 5 nước thành viên AIPO, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh đã ký văn kiện chính thức xác nhận Quốc hội Việt Nam là thành viên AIPO. Sau đó, Lễ rước Quốc kỳ Việt Nam từ vị trí các nước quan sát viên sang vị trí các nước thành viên chính thức được tiến hành trong tiếng nhạc hào hùng cùng với sự chứng kiến của hàng trăm đại biểu, các hãng thông tấn báo chí trong nước và quốc tế. Sự kiện có ý nghĩa lịch sử này đánh dấu bước phát triển mới trong quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện các nước Đông Nam Á.
Dấu ấn Việt Nam tại AIPA
Trải qua 25 năm gia nhập và phát triển của AIPO và sau này là AIPA, Quốc hội Việt Nam luôn thể hiện trách nhiệm, chủ động và tích cực trong quá trình đóng góp xây dựng AIPO, nay là Liên minh Nghị viện ASEAN (AIPA) không ngừng lớn mạnh.
Tại diễn đàn, Quốc hội Việt Nam đã góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước trong và ngoài khu vực. Thông qua kênh ngoại giao Nghị viện, chúng ta có dịp gặp gỡ, trao đổi, đối thoại, vận động nghị sĩ các nước ASEAN phấn đấu xây dựng Cộng đồng ASEAN. Trong khuôn khổ AIPO/AIPA, Việt Nam có cơ hội đối thoại với các đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Nghị viện châu Âu… về những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.
Không chỉ vậy, Quốc hội Việt Nam cũng tích cực ủng hộ, giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên mới trong tiến trình gia nhập AIPA và phối hợp tổ chức thành công các kỳ họp Đại hội đồng ở các nước này.
Hoạt động tại diễn đàn, Quốc hội Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến thúc đẩy đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động của AIPA. Tại kỳ họp Đại hội đồng AIPO 19 ở Kuala Lumpur, Quốc hội Việt Nam đã cùng với Malaysia đưa ra sáng kiến tổ chức Hội nghị Nữ nghị sĩ AIPO (WAIPO), được Đại hội đồng hoan nghênh. Việt Nam cũng đưa ra một số đề xuất như thể chế hóa việc trao đổi qua lại thường xuyên giữa AIPA và ASEAN; giảm số lượng và lựa chọn các chủ đề thảo luận tại các phiên họp Đại hội đồng và các Ủy ban, tránh dàn trải các vấn đề; tổ chức Hội nghị Tổng thư ký các nước thành viên AIPO đồng thời với kỳ họp Đại hội đồng để trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ thông tin giữa các nước thành viên.
Trong khuôn khổ AIPO/AIPA, Quốc hội Việt Nam còn đưa ra các sáng kiến và tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề tại Việt Nam được các đại biểu đánh giá cao như: Hội nghị chuyên đề về vai trò của cơ quan lập pháp trước cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ (năm 1999), Hội nghị về các vấn đề tổ chức và khen thưởng (năm 2002), Hội nghị về hợp tác lập pháp trong phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em (năm 2006), Hội nghị về vai trò của nữ nghị sĩ trong quá trình xây dựng pháp luật (năm 2009), Hội nghị về hậu khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới và phát triển bền vững (năm 2010), Hội nghị lần thứ 1 (năm 1999) và lần thứ 7 (năm 2010) của Ủy ban điều tra thực trạng nhằm đấu tranh chống hiểm họa ma túy…
Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam đã ghi dấu ấn sâu đậm bằng việc hai lần tổ chức thành công kỳ họp Đại hội đồng AIPO 23 (từ ngày 8-13/9/2002) và Đại hội đồng AIPA 31 (từ ngày 19-25/9/2010).
Với AIPO 23, trên cương vị Chủ tịch AIPO nhiệm kỳ 2001-2002, Quốc hội Việt Nam đã điều hành mọi hoạt động và tổ chức thành công kỳ họp Ðại hội đồng tại Hà Nội, đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển của AIPO. Ðại hội đồng AIPO 23 Hà Nội đã để lại một "dấu ấn Việt Nam" đậm nét trong lòng bạn bè quốc tế. Ðó không chỉ bởi những nét đẹp của văn hóa, lòng mến khách và sự tổ chức chu đáo mang đậm phong cách Việt Nam, mà còn bởi nội dung chính trị, kinh tế, xã hội mà hội nghị đã đề cập. Trong tổng số 33 Nghị quyết được thông qua tại kỳ họp, có 20 Nghị quyết do Việt Nam đề xuất và điều quan trọng là những ý tưởng của Việt Nam đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là các sang kiến như như sử dụng quỹ dư của AIPO vào các hoạt động thiết thực; trao giải thưởng cho những người có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp AIPO…
Tại kỳ họp Đại hội đồng AIPA 31 (từ ngày 20-24/9/2010), Quốc hội Việt Nam đưa ra chủ đề "Đoàn kết các dân tộc vì sự phát triển bền vững của Cộng đồng ASEAN" được các thành viên AIPA đánh giá rất cao. Tinh thần chung của kỳ họp theo như đánh giá của Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng là: Đoàn kết, hữu nghị, hợp tác vì một cộng đồng ASEAN ngày càng phát triển bền vững, phồn vinh và thịnh vượng; nâng cao vai trò, vị thế của AIPA; sự phối hợp ASEAN-AIPA, làm cho ASEAN và AIPA ngày càng gần gũi với nhân dân. Đại hội đồng AIPA 31 đã thông qua 22 Nghị quyết về hàng loạt vấn đề chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội của khu vực được quan tâm hàng đầu tại thời điểm đó. Với việc tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA 31, Quốc hội Việt Nam đã làm tròn trách nhiệm của mình trên cương vị Chủ tịch Đại hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trong nhiệm kỳ 2009-2010, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Việt Nam đối với AIPA và những nỗ lực của Việt Nam hội nhập vào khu vực.
Sẵn sàng cho AIPA 41
Theo cơ chế luân phiên, Quốc hội Việt Nam vinh dự lần thứ 3 tiếp nhận chức Chủ tịch AIPA nhiệm kỳ 2019-2020 và sẽ tổ chức kỳ họp Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 theo hình thức trực tuyến từ ngày 8-10/9/2020 tại Hà Nội.
Năm 2020, việc Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch AIPA được đánh giá là vô cùng quan trọng khi đây là dịp để đánh lại chặng đường 5 năm phát triển kể từ năm 2015, khi Cộng đồng ASEAN chính thức được hình thành, và rút ra những kinh nghiệm trong 5 năm tiếp theo. Năm 2020 cũng là năm rất đặc biệt đối với Việt Nam khi đồng thời đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch AIPA.
Với ý nghĩa đó, Quốc hội Việt Nam trong Năm Chủ tịch AIPA 2020 đã tiếp tục thúc đẩy đổi mới hoạt động của AIPA, nâng cao vị thế và vai trò của AIPA trong xây dựng Cộng đồng ASEAN. Thông qua các hoạt động trong khuôn khổ AIPA, Việt Nam tiếp tục tăng cường hợp tác giữa AIPA với ASEAN, các tổ chức quốc tế và các cơ chế hợp tác đa phương khác để thúc đẩy triển khai các cam kết, kế hoạch đề ra trong xây dựng Cộng đồng ASEAN-Tầm nhìn 2025.
Kể từ khi đảm nhận trọng trách Chủ tịch AIPA nhiệm kỳ 2019-2020, Quốc hội Việt Nam đã tích cực, khẩn trương chuẩn bị và sẵn sàng tổ chức các hoạt động hội nghị trong khuôn khổ Năm Chủ tịch AIPA, đặc biệt là chuẩn bị cho Kỳ họp Đại hội đồng AIPA 41. Ngay từ đầu năm, Quốc hội Việt Nam đã nỗ lực hết mình để đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch AIPA. Nhiều hoạt động trong năm đáng chú ý như Phiên đối thoại trực tuyến giữa Lãnh đạo các nước ASEAN và Lãnh đạo AIPA trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 (ngày 26/6/2020); Hội nghị trực tuyến Hội đồng tư vấn AIPA về hiểm họa ma túy lần thứ 3 (AIPACODD 3) (ngày 29/6/2020); Hội nghị trực tuyến "Đối tác Nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững" (AIPA-ECC) (cuối tháng 7/2020). Đây là sáng kiến của Quốc hội Việt Nam trong năm làm Chủ tịch AIPA nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác nghị viện trong việc triển khai thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững nói chung, về hợp tác giáo dục và văn hóa nói riêng trong AIPA… Các hội nghị trên đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ họp Đại hội đồng AIPA 41 đã cơ bản hoàn tất.
Nhìn lại chặng đường 25 năm qua, có thể thấy rõ những đóng góp của Quốc hội Việt Nam trong AIPA có ý nghĩa quan trọng đối với việc củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước ASEAN; khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.