Việt Nam sẽ bùng nổ nhu cầu về điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo
Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 08:44, 08/09/2020
Công nghệ không thể thiếu trong chuyển đổi số
Trong bối cảnh nhiều DN bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, hướng đi cho các DN cần thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng ĐTĐM và AI để giải quyết bài toán tồn tại và phát triển. Năm 2020 được các chuyên gia công nghệ dự đoán là năm của công nghệ điện toán đám mây bởi phần lớn khối lượng dữ liệu, công việc của các DN, đơn vị, tổ chức được chuyển từ không gian truyền thống sang nền tảng điện toán đám mây. Các dữ liệu, thông tin dưới các dạng hình ảnh, video, thư điện tử (e-mail), ghi âm, tài liệu… thay vì lưu giữ trong máy tính cá nhân đơn lẻ hay các thiết bị lưu trữ truyền thống được chuyển thành dữ liệu số để lưu giữ trên không gian chung của ĐTĐM (Cloud)
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, chia sẻ: Trong khoảng 2 - 3 năm tới, điện toán đám mây sẽ thực sự bùng nổ và trở thành một nhân tố quan trọng cho việc phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam. ĐTĐM không đơn thuần chỉ là trung tâm dữ liệu mà còn là trung tâm của điều hành, vận hành của các tổ chức và nhất là của các DN. Việc sử dụng ĐTĐM gắn với công nghệ AI mang đến những giải pháp nâng cao năng lực và tiềm năng trong phát triển kinh doanh. Chuyển đổi số là yếu tố sống còn của DN còn sử dụng ĐTĐM và AI mang đến cơ hội phát triển cho DN.
ĐTĐM và AI là xu hướng công nghệ toàn cầu mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đối với Việt Nam, đặc biệt đối với những DN tiên phong trong hai lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, sử dụng ĐTĐM cho AI và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh hiện đang là giải pháp mang tính xu hướng trên thế giới và cả Việt Nam. Tuy nhiên, các DN hiện vẫn chưa hoàn toàn làm chủ được các tri thức về AI cũng như ĐTĐM.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến 2025, định hướng 2030, với 03 mục tiêu chính: Hướng tới Chính phủ số, đến năm 2025, nước ta có 100% cơ sở dữ liệu quốc gia được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc, Việt Nam thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI); Về Kinh tế số, Việt Nam hướng tới nhóm 50 nước dẫn đầu về CNTT (IDI), kinh tế số chiếm 20% GDP và Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; Về Xã hội số, Việt Nam hướng đến mục tiêu trên 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử; Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh và nước ta thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI).
Tất cả những mục tiêu này nhằm xây dựng một Việt Nam số, đi đầu trong nhóm các nước xây dựng quốc gia số. Chính quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ này của Việt Nam sẽ tạo ra một lượng dữ liệu số rất lớn đồng thời những dữ liệu này cần phải phân loại, xử lý, phân tích và lưu trữ. Đây là tiền đề cho bùng nổ nhu cầu trong nước về điện toán đám mây và AI.
Tại Hội thảo trực tuyến về AI & Cloud do Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức mới đây với chủ đề: "Lợi ích khi áp dụng ĐTĐM cho AI và phục hồi kinh doanh", ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám đốc Công ty VNG-Cloud, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ĐTĐM Việt Nam cho biết: "Việt Nam hiện đang trong giai đoạn tốt nhất để cho thấy sự bùng nổ về AI và ĐTĐM do hội tụ 3 yếu tố cơ bản. Thứ nhất là số lượng dữ liệu mà Việt Nam đang có đủ để dùng dữ liệu phân tích xu thế sẽ diễn ra trong tương lai. Thứ hai là mức độ sẵn sàng của ĐTĐM có thể cung cấp được khả năng tính toán, xử lý dữ liệu dựa trên những mô hình được lập trình. Thứ ba là sự sẵn sàng của nguồn nhân lực trong lĩnh vực AI đã được xây dựng trong thời gian qua từ cả những tập đoàn lớn ở nước ngoài và của Việt Nam".
Lợi ích đong đếm được từ AI
Công nghệ chính là vũ khí sắc bén của Việt Nam trong cuộc chiến quyết liệt và hiệu quả trước đại dịch COVID-19. Song hành cùng những bước đi chiến lược của chính phủ nhằm ngăn chặn đại dịch, Internet đã trở thành kênh truyền tải thông tin hữu hiệu của ngành y tế trong việc hỗ trợ người dân tiếp cận được các dịch vụ trực tuyến, giúp trường học tiếp tục chương trình giảng dạy từ xa, đồng thời giúp các DN có thể tiếp tục hoạt động. Hiện nay, khi Việt Nam đang bắt đầu quá trình phục hồi kinh tế thì công nghệ và kinh tế số sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng.
Ông Trần Minh Khôi, Giám đốc AI của Viettel IDC, cho rằng: Chúng ta đang chứng kiến thời khắc cuộc cách mạng 4.0 và làn sóng chuyển đổi số đang diễn ra một cách rất là mạnh mẽ trên toàn cầu và cả trên đất nước Việt Nam. Theo rất nhiều chuyên gia trên thế giới, đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số đi sớm hơn hàng chục năm. Quá trình chuyển đổi số này là một trong những động lực giúp cho các DN có thể làm cuộc cách mạng mới, thay đổi hoạt động của DN, từ nhân viên, nhân sự cho tới quá trình tổ chức lại dữ liệu và cả quá trình kinh doanh, hoạt động của DN.
Chúng ta thấy một xu hướng hiện nay là làm việc tại nhà, cloud server, cloud stores... diễn ra một cách rất mạnh mẽ trong nhiều DN ở tất cả những ngành nghề chứ không riêng các công ty công nghệ. Trong hoàn cảnh đó, thị trường liên quan đến giải pháp công nghệ AI trên toàn cầu từ nay đến năm 2025 có nhiều dự đoán tích cực. Trong mảng sản phẩm này thì ba dòng chính có mức tăng trưởng rất mạnh, tối thiểu từ 21 % cho đến lên đến 37 % hằng năm.
Dòng thứ nhất là AI Software Application (là các ứng dụng dựa trên nền tảng công nghệ AI) và AI Software platform (nền tảng để các ứng dụng AI khai thác). Đây là mảng phát triển với tốc độ nhanh nhất lên 37%/năm. Thứ hai là phần liên quan đến Data enginnering, AI enablement (nghiên cứu dữ liệu, cấu trúc hạ tầng IT, ứng dụng, dịch vụ dữ liệu...) và Business analytics insights (cải tiến nghiệp vụ doanh nghiệp và nhận diện thương hiệu). Cuối cùng là thiết bị phần cứng. Để hỗ trợ cho hai mảng trên thì việc phát triển phần cứng liên quan đến chíp xử lý AI, hệ thống server, stores, GPU... cũng có mức tăng trưởng 2 con số từ 21% đến 23%/năm.
Tại thị trường Việt Nam, chúng ta chỉ phát triển dòng sản phẩm là Business Analytics và AI Software Applycations là chính. Riêng mảng AI Software Applycations có mức tăng trưởng cao nhất 33% - 35 %/năm với giá trị có thể đạt 120 triệu USD vào năm 2025. Business Analytics insights cũng có mức tăng trưởng 24 %/năm, đạt giá trị doanh thu 160 - 180 triệu USD vào năm 2025. "Qua quá trình chúng tôi nghiên cứu về thị trường có thể xác định được những mảng công nghệ đóng vai trò quyết định trong lĩnh vực chuyển đổi số bao gồm: ĐTĐM, AI và phân tích dữ liệu (Analytics). Đây là những công nghệ nền tảng quan trọng nhất, bắt buộc phải có trong quá trình chuyển đổi số của các tổ chức, DN", ông Trần Minh Khôi khẳng định .
Việt Nam ngày nay đang phát triển dựa trên nền tảng vững chắc hơn bao giờ hết. Với hơn 62 triệu người dùng trực tuyến, nền kinh tế số của Việt Nam đang trở thành một trong những nền kinh tế số tiên tiến bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Trong vòng 05 năm vừa qua, kinh tế số Việt Nam đã tăng trưởng gần 40% mỗi năm, đạt giá trị 12 tỷ USD vào năm 2019 – tương đương 5% GDP quốc gia. Bên cạnh đó, Việt Nam còn sở hữu nguồn lực dân số trẻ, năng động, có khát vọng khởi nghiệp kinh doanh cháy bỏng.
Điều này được phản ánh khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025" ngày 03/06/2020. Quyết định nêu rõ nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số từ chuyển đổi nhận thức và phát triển hạ tầng số cho đến hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số.
Tuy vậy, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu linh hoạt và giàu tính cạnh tranh ngày nay, Việt Nam nên tiếp tục ưu tiên các sáng kiến số trong kế hoạch phát triển hậu COVID-19 với mục tiêu phát triển nền kinh tế số đạt mức dự báo 33 tỷ USD vào năm 2025.
Trọng tâm đầu tiên, Việt Nam nên xem xét cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho thế kỷ 21, đặc biệt nên tăng cường áp dụng công nghệ điện toán đám mây.
Không chỉ Chính phủ, các ngành công nghiệp trọng điểm mà từng DN nhỏ đều cần phải chuyển đổi số khẩn trương hơn và chìa khóa cho bài toán trên chính là ĐTĐM. Công nghệ ĐTĐM sẽ mang lại khả năng truy cập sử dụng các công cụ số, năng lực điện toán số cho mọi loại hình DN, cho phép chính phủ và các cơ quan chức năng có thể quản lý và vận hành lượng dữ liệu khổng lồ một cách an toàn, đồng thời thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ cao như AI và học máy (machine learning).
Hạ tầng số mạnh mẽ, ổn định trên nền công nghệ ĐTĐM là yếu tố quan trọng thiết yếu trong quá trình phục hồi kinh tế của bất kỳ quốc gia hiện đại nào. Theo một nghiên cứu từ tập đoàn tư vấn Boston, việc ứng dụng điện toán đám mây có thể gia tăng 30 tỷ USD vào GDP của Singapore và Indonesia cũng như tạo ra hàng chục ngàn việc làm. Việt Nam hoàn toàn có thể được hưởng lợi từ những tác động tích cực tương tự bằng cách khuyến khích các tổ chức áp dụng các dịch vụ mới nhất về điện toán đám mây công.
Việc ứng dụng ĐTĐM đang đem lại thay đổi tại Việt Nam. Bên cạnh các DN ĐTĐM toàn cầu, các dịch vụ và ứng dụng trên nền ĐTĐM Việt Nam cũng đang phát triển đa dạng và phong phú, tiêu biểu như các sản phẩm của 4 DN ĐTĐM (Viettel IDC (tiêu biểu với: Hệ thống bán hàng tự động Automation, máy tính ảo Cloud PC); VCCorp (tiêu biểu với: Bizfly Cloud server, BizFly Anti Ddos, IMS: hệ thống hỗ trợ xuất bản, quản trị nội dung trên báo điện tử); CMC (tiêu biểu với Multicloud/ CMC Cloud Make in Vietnam, CMC Cloud Camera, CMC IoT Platform); VNG Cloud (tiêu biểu với: Hệ thống Cloud Camera CloudCam) là thành viên Câu lạc bộ ĐTĐM và Trung tâm dữ liệu Việt Nam (VNCDC) đã được Bộ TT&TT lựa chọn làm nòng cốt trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, dẫn đầu các tiến bộ công nghệ, cải thiện cơ sở hạ tầng và cung cấp sản phẩm, dịch vụ.
Đối với DN nói chung, các dịch vụ ĐTĐM giúp tăng hiệu suất làm việc, cắt giảm chi phí và chủ động xây dựng kế hoạch. Đối với chính phủ, việc vận hành các dịch vụ trực tuyến sẽ hiệu quả, tinh giản và đáng tin cậy hơn. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và khởi nghiệp, công nghệ giúp tăng khả năng phát triển và vận hành một cách nhanh chóng.
Cả Chính phủ và DN cần có cách tiếp cận AI phù hợp
Căn cứ vào số liệu mức độ sử dụng CNTT và ĐTĐM của Việt Nam và thế giới, chúng ta có thể thấy mức độ ứng dụng AI ở Việt Nam chỉ đang ở mức bắt đầu và khá khiêm tốn so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Ông Vũ Minh Trí cho rằng bất kỳ tổ chức, DN nào ứng dụng AI cũng phải suy nghĩ về mục tiêu, ngân sách. "DN phải bỏ ra chi phí đang kể để phát triển và ứng dụng AI từ những dữ liệu của DN và dữ liệu bên ngoài. Vậy nên bất cứ DN nào muốn ứng dụng AI một cách nghiêm túc đều phải tính đến bài toán hiệu quả đầu tư (ROI). Mục tiêu cuối cùng của DN khi sử dụng AI phải là tăng hiệu quả và hiệu suất chứ không nên để làm màu".
Điểm xuất phát để sử dụng AI chắc chắn sẽ phải chuyển đổi số vì AI dựa trên dữ liệu. Có hai hướng tiếp cận ứng dụng AI là ứng dụng theo hướng từ dưới đi lên và hướng mục tiêu.
Theo hướng từ dưới lên, thì mỗi một DN có dữ liệu khác nhau và mỗi dữ liệu nằm trong cơ sở dữ liệu (CSDL) khác nhau phải tìm cách kết nối dữ liệu lại và xây dựng kho dữ liệu lớn, tốn nhiều tiền. Thời gian xây dựng thì mất vài năm, tốn hàng chục triệu USD và chưa phát huy AI được ngay. Cách tiếp cận này dành cho DN lớn.
Cách tiếp cận thứ hai làm theo hướng mục tiêu là DN phải hiểu khách hàng, xem ứng dụng AI cần dữ liệu nào, lấy các CSDL kết hợp, xử lý và cho ra mô hình AI, rồi chạy qua các dịch vụ ĐTĐM có sẵn để đạt kết quả. Các DN nhỏ và vừa có nhu cầu ứng dụng AI nên chọn ứng dụng, mô hình có sẵn, chỉ cần nhập dữ liệu của mình vào là sẽ có kết quả mong muốn. Do đó chỉ mất khoảng 1 tuần là có được mô hình AI và đưa vào vận hành.
"Ở VNG Cloud, chúng tôi phát triển những AI để biến những camera bình thường thành những camera thông minh, có thể nhận diện được vật thể, loại phương tiện giao thông, biển số xe, gương mặt... Các AI này được cung cấp ở dạng đóng gói sẵn trên cloud (AI as a service) và có thể được ứng dụng trong rất nhiều lãnh vực khác nhau như đếm và phân loại phương tiện giao thông, quản lý đậu xe ở trung tâm thành phố, camera an ninh cho siêu thị, cơ quan, trường học; chấm công, nhận diện khách VIP,... Các AI này giúp các DN cắt giảm chi phí, tăng cường an ninh, tăng tính hiệu quả trong hoạt động và phục vụ khách hàng tốt hơn", ông Vũ Minh Trí chia sẻ.
Việt Nam nên kiến tạo môi trường chính sách và pháp lý nhằm khuyến khích đầu tư và tăng trưởng công nghệ số, mở ra cơ hội cho các DN Việt đi ra biển lớn. Điều này đồng nghĩa với việc khuyến khích doanh nghiệp trong nước hợp tác với các đối tác quốc tế và trao đổi các thông lệ thực tiễn tốt nhất về việc sử dụng các ứng dụng công nghệ điện toán đám mây.
Cho phép chia sẻ dữ liệu được bảo mật xuyên biên giới cũng sẽ tạo điều kiện cho việc chia sẻ kiến thức, chuyên môn và các công cụ góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam. Các sáng kiến quốc tế như Khung pháp lý về Bảo mật Xuyên biên giới của APEC (APEC's Cross-Border Privacy Framework) được thiết kế nhằm đảm bảo an toàn cho dữ liệu trong khi vẫn giữ được lợi ích chung cho nền thương mại mở trong thời đại số. Việt Nam nên ứng dụng các tiêu chuẩn có tính toàn cầu như vậy. Ngược lại, nghiên cứu từ ECIPE đã chỉ ra rằng việc hạn chế dòng dữ liệu sẽ tiêu tốn 1,7% GDP của Việt Nam, tại thời điểm Việt Nam cần thúc đẩy tăng trưởng hơn bao giờ hết.
AI là một lĩnh vực rất mới, đang phát triển rất nhanh nên không phải chỉ ở Việt Nam mà cả các nước phát triển trên thế giới, hành lang pháp lý hiện tại đang không theo kịp sự phát triển của AI. Từ việc sử dụng dữ liệu như thế nào cho đúng, lưu trữ bảo mật các dữ liệu trong quá trình tính toán ra sao cho đến việc kiểm soát các thuật toán về học máy, AI như thế nào sẽ là những điểm chính mà hành lang pháp lý cần qui định rõ. Các cơ quan nhà nước nên phối hợp với DN, các nhà khoa học và học hỏi từ các nước phát triển để hoàn thiện hơn hành lang pháp lý của Việt Nam cho vấn đề này.
Việt Nam được cả thế giới ca ngợi vì những phản ứng nhanh nhạy trước dịch bệnh COVID-19, thì cũng hoàn toàn có cơ hội để vươn mình trở thành một Việt Nam hùng cường thông qua ứng dụng công nghệ số. Xây dựng nền kinh tế số của thế kỷ 21 cho thập kỷ hậu COVID-19 sẽ mang đến nhiều cơ hội cho người dân Việt Nam, củng cố uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 9+10 tháng 8/2020)