Vĩnh Phúc kiên định mục tiêu tăng trưởng

Kinh tế - Ngày đăng : 10:55, 07/09/2020

Nhờ sự lãnh đạo toàn diện, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của Đảng; sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sáng tạo của chính quyền và sự đồng thuận, ủng hộ của doanh nghiệp và nhân dân, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Vĩnh Phúc đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.


Vĩnh Phúc kiên định mục tiêu tăng trưởng - Ảnh 1.

Quyết liệt chỉ đạo, điều hành thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép"

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều đổi mới, sáng tạo để có những bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội. Nhất là trước đại dịch Covid-19, Vĩnh Phúc quyết liệt chỉ đạo, điều hành thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" với 3 trụ cột quan trọng của chiến lược tăng trưởng mà Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đặt ra là: phát triển kinh tế gắn với phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường; giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội; nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân.

Nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc đã sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện. 23/23 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; thu ngân sách đạt trên 35.000 tỷ đồng; thu nội địa đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng, là một trong những tỉnh đứng đầu miền bắc về thu nội địa; thu hút được 3,12 tỷ USD vốn đầu tư từ các dự án FDI và 60 nghìn tỷ đồng từ các dự án DDI; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; các ngành công nghiệp với hàm lượng giá trị công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn có tốc độ tăng trưởng hằng năm cao (từ 30-54% tùy từng lĩnh vực); Thu hút đầu tư tăng mạnh; triển khai thêm 3 khu công nghiệp lớn là SUMITOMO (250 ha), Bá Thiện 2 (247ha), Đồng Sóc (75 ha) và thu hút được các nhà đầu tư lớn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan; Triển khai đồng bộ các khu du lịch lớn như: Tam Đảo 1, Đại Lải, Vĩnh Tường. Xây dựng hạ tầng giao thông hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khu cụm công nghiệp, các tuyến đường kết nối Vĩnh Phúc đi Hà Nội, Việt Trì, Thái Nguyên, Bắc Ninh và kết nối giữa các trung tâm huyện với thành phố Vĩnh Yên. 

Tỉnh đã xây dựng 2 bệnh viện với quy mô lớn, hiện đại của tỉnh là Bệnh viện Đa khoa, Bệnh viện Sản – Nhi, 5 Bệnh viện tuyến huyện và thành phố và 137/137 trạm y tế xã đạt chuẩn. Xây dựng hơn 1.000 phòng học mầm non, hoàn thiện và nâng cấp hàng trăm trường tiểu học, trung học cơ sở; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm, đạt nhiều kết quả trong các lĩnh vực văn, hóa, xã hội, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong lĩnh vực bảo vệ môi trường...

Vĩnh Phúc kiên định mục tiêu tăng trưởng - Ảnh 2.

Đồng chí Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, để đạt được các mục tiêu trên, BCH Đảng bộ tỉnh mà trước hết là Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trên tất cả các mặt, như: 

(1) Đổi mới về mặt nhận thức, Đảng lãnh đạo toàn diện, sâu sát đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhất là những vấn đề lớn, trọng tâm thông qua chỉ thị, nghị quyết, các chủ trương, định hướng, song tuyệt đối không bao biện làm thay, không "lấn sân" hay quyết định các công việc cụ thể của chính quyền hay của các cơ quan, đơn vị. 

(2) Đổi mới trong cách thức ban hành nghị quyết, trên cơ sở bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ trong các nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI để lựa chọn những vấn đề lớn, trọng tâm, tạo điểm nhấn, động lực cho các lĩnh vực khác và cho cả hệ thống chính trị, sau đó bàn bạc, thống nhất ban hành các nghị quyết, chỉ thị để tập trung lãnh đạo. Nhiệm kỳ 2015-2020, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành 6 nghị quyết chuyên đề về các lĩnh vực: cải thiện môi trường đầu tư, y tế, đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, phát triển đội ngũ trí thức và trọng dụng nhân tài, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân. Hằng tháng, hằng quý đều lựa chọn các vấn đề nóng, bức xúc trong nhân dân đưa ra thảo luận và ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. 

(3) Đổi mới trong cách thức lãnh đạo tổ chức thực hiện: Căn cứ vào các chỉ thị, nghị quyết được cấp ủy ban hành; chính quyền có trách nhiệm phát huy tính chủ động, sáng tạo, cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách, giải pháp để thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ đã được pháp luật quy định; sau đó, cả hệ thống chính trị của tỉnh vào cuộc tuyên truyền, vận động, thuyết phục cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu, đồng thuận, ủng hộ. Phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; tăng cường kiểm tra, giám sát, cũng như nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu để đạt mục tiêu. 

(4) Đổi mới thông qua công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ: Xác định rõ, cán bộ là "khâu then chốt của nhiệm vụ then chốt", Tỉnh ủy đã chú trọng sàng lọc, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; kiên quyết, nghiêm minh trong thi hành kỷ luật, cho nghỉ hoặc chuyển công tác khác với cán bộ hạn chế về năng lực, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; mạnh dạn đề bạt cán bộ có năng lực. Đồng thời, quan tâm đến nâng cao chất lượng các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; coi chi bộ là hạt nhân lãnh đạo toàn diện các mặt công tác.

Vĩnh Phúc kiên định mục tiêu tăng trưởng - Ảnh 3.

Ngay từ đầu năm 2020, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai mạnh mẽ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã bùng phát lan rộng ra nhiều nước trên thế giới, trong đó Vĩnh Phúc là một trong số các địa phương đầu tiên của cả nước có ca bệnh đầu tiên. 

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; ban hành nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đồng bộ, kịp thời, mạnh mẽ nhằm ứng phó và ngăn chặn dịch, đã có 12/12 ca bệnh được chữa khỏi và tính từ ngày 4/4/2020 đến nay trên địa bàn tỉnh không ghi nhận ca mắc COVID-19. Thành công bước đầu trong phòng, chống dịch của Vĩnh Phúc được Trung ương ghi nhận, nhân dân cả nước đánh giá cao về sự chủ động và sự vào cuộc kịp thời, quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện.

Chính quyền đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng đã triển khai các cơ chế, chính sách của Chính phủ về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Tổ chức nhiều hội nghị, nhiều buổi làm việc với các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, doanh nhân nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh với tinh thần chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, quyết tâm khắc phục khó khăn thực hiện các nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực để duy trì sản xuất kinh doanh. 

Nhiều tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp nguồn lực tài chính, thời gian, công sức, kinh nghiệm và những sáng kiến thiết thực thể hiện trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng... Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh nên tình hình kinh tế của tỉnh 6 tháng đầu năm 2020 tuy có suy giảm so với cùng kỳ năm 2019 nhưng các nhiệm vụ bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, các hoạt động văn hóa xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vẫn được bảo đảm.

Đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 35,44 nghìn tỷ đồng, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2019, trong 3 ngành sản xuất thì chỉ duy nhất ngành nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,02% so với cùng kỳ năm 2019, còn lại ngành công nghiệp xây dựng 5,24%, các ngành dịch vụ ước giảm 4,04%. Ngay sau hội nghị đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020, ngày 20/6/2020, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị bàn các giải pháp thúc đẩy kinh tế - xã hội năm 2020, thành phần gồm toàn bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương, người đứng đầu các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội tham dự, thảo luận và đề xuất các giải pháp cấp bách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội năm 2020. Mà theo như Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Duy Thành thì đây là cuộc họp chưa có tiền lệ, được coi như một hội nghị Diên Hồng của tỉnh từ khi tái lập đến nay.

Sau khi họp bàn, đề xuất các giải pháp khắc phục, tỉnh thống nhất mục tiêu nhất quán và kiên định là tiếp tục duy trì, bảo đảm thực hiện tốt việc phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm, đặc biệt là dịch COVID-19; bảo đảm công tác an sinh xã hội, ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra.

Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là tiếp tục duy trì sức căng chống dịch COVID-19 như giai đoạn đầu "chống dịch như chống giặc"; không để bất kỳ tổ chức, cá nhân nào thờ ơ, thỏa mãn hay chùng xuống, đứng ngoài hay lợi dụng việc chống dịch để thực hiện các mưu cầu lợi ích cá nhân. Đặc biệt, sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực để tháo gỡ các điểm nghẽn nhằm kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tăng trưởng phát triển. Trong đó, tập trung cao độ để kịp thời giải quyết:

Một là, nhanh chóng tìm ra biện pháp tháo gỡ điểm nghẽn trong đầu tư công. Cụ thể là đẩy nhanh tiến độ phê duyệt và thẩm định dự án ở các sở; kiên quyết cho thu hồi các dự án chậm triển khai; kiểm điểm trách nhiệm của các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án; xây dựng phương án bổ sung nguồn lực cho những nơi có thể hấp thụ vốn...

Hai là, tháo gỡ điểm nghẽn trong thu hút vốn đầu tư toàn xã hội. Trong đó chú trọng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các khu cụm công nghiệp, khu đô thị; đẩy nhanh tiến độ đấu giá các khu đất đấu giá, đất phát triển kinh tế xã hội; kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai...

Ba là, đẩy mạnh thu ngân sách, giải quyết dứt điểm các khoản chi đã có trong kế hoạch, chi chuyển nguồn..., bằng việc yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát toàn bộ các nguồn thu, quản lý chặt đối tượng; thu hết các khoản nợ tồn đọng; giải quyết dứt điểm các khó khăn vướng mắc về thuế...

Bốn là, làm tốt công tác cán bộ. Bên cạnh việc thường xuyên rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực chuyên môn, tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra - kiểm tra công vụ; đẩy mạnh kiểm soát trách nhiệm thực thi; kiên quyết xử lý những trường hợp cố tình chây ỳ, thờ ơ, vô cảm với công việc. Sẵn sàng điều chuyển những vị trí không đảm đương được công việc được giao...

Để khẳng định quyết tâm hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ được giao, sau khi họp bàn và thống nhất các giải pháp cấp bách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đến hết năm 2020 và những năm tiếp theo, đại diện 9/9 huyện, thành phố trong tỉnh đều ký cam kết với tỉnh về việc sẽ sớm triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra.

Trên cơ sở các chỉ tiêu đã cam kết, Bí thư và Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm cùng tập thể đề ra các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Coi đây là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ trong quá trình đánh giá, sử dụng cán bộ của tỉnh.

Với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép", Vĩnh Phúc đang nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tiếp tục ưu tiên cao nhất cho phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân nhằm đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 ở mức cao nhất.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 9+10 tháng 8/2020)

Duy Phạm