Phát triển nguồn lao động tại châu Phi đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0
Diễn đàn - Ngày đăng : 21:25, 03/09/2020
Cuộc CMCN lần thứ 4 (4IR) là nền tảng để nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức; làm thay đổi cơ bản khái niệm đổi mới công nghệ, trang thiết bị trong các dây chuyền sản xuất.
4IR có ý nghĩa rõ ràng và quan trọng đối với ngành giáo dục, thị trường việc làm và tương lai của công việc tại các nước châu Phi. Trong thập kỷ qua, tỷ lệ dân số dưới 20 tuổi của châu lục này đã tăng hơn 25% và được dự đoán là nhóm độ tuổi lớn nhất của châu lục vào năm 2070.
Khi châu Phi đối mặt với 4IR, thế hệ trẻ sẽ là một trong những tài sản quan trọng nhất. Do đó, các nước châu Phi cần phải nhanh chóng cải tổ hệ thống giáo dục của mình để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc CMCN sắp tới. Trong khi tự động hóa có thể khiến chi phí đào tạo kỹ năng tăng cao và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng thu nhập, nó cũng có thể làm tăng năng suất và tạo ra các ngành nghề mới. Vì vậy, 4IR chính là cơ hội duy nhất để các quốc gia châu Phi đi tắt đón đầu, vượt qua các rào cản để phát triển với sự trợ giúp của công nghệ.
4IR ảnh hưởng đến các kỹ năng trên thị trường lao động như thế nào?
Trên khắp thế giới, nhu cầu đang phát triển theo hướng tập trung vào các kỹ năng xã hội, hành vi và các kỹ năng nhận thức sáng tạo. Tại châu Phi, nhu cầu về kỹ sư phần mềm, chuyên gia tiếp thị, nhà văn và cố vấn tài chính đang tăng lên, trong khi nhu cầu về kỹ thuật viên cơ khí, trợ lý hành chính và kế toán đang giảm.
Việc phát triển các kỹ năng như vậy cần bắt đầu từ giai đoạn thơ ấu. Bên cạnh việc tăng cường giáo dục, các nước châu Phi cần tăng cường đầu tư vào các hoạt động dinh dưỡng, sức khỏe và bảo vệ xã hội cho trẻ em. Đáng buồn thay, tỷ lệ trẻ em thấp còi dưới 5 tuổi tại châu Phi chiếm 1/3 thế giới và con số này vẫn đang tăng lên. Nếu có chế độ dinh dưỡng tốt hơn, đặc biệt là trong 1.000 ngày đầu từ khi thụ thai đến hai tuổi, thì lợi ích sâu rộng mang lại cho nền kinh tế cũng như nhân đạo là rất lớn.
Đối với giới trẻ, giáo dục đại học hiện đóng vai trò rất quan trọng để chuẩn bị sẵn sàng và thích nghi với thị trường việc làm không ngừng thay đổi trong suốt quá trình nghề nghiệp của họ. Ví dụ, các nghiên cứu ở Kenya và Tanzania, được trích dẫn bởi Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), cho thấy các kỹ năng nhận thức sáng tạo có liên quan chặt chẽ đến mức lương khởi điểm tốt hơn, mức độ hài lòng trong công việc và mức lương theo thời gian cao hơn.
Tuy nhiên, trên toàn châu Phi, chưa đến 4% dân số có bằng đại học. Hơn nữa, giáo dục tại châu Phi hiện vẫn tập trung vào khoa học xã hội và nhân văn, và tụt hậu trong các lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) vốn rất quan trọng trong 4IR.
Do đó, ngày càng có sự chênh lệch giữa nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và các kỹ năng được cung cấp bởi các hệ thống giáo dục tại châu Phi.
Những nỗ lực của chính phủ và các bên liên quan
Các quốc gia châu Phi có thể thu hẹp khoảng cách này càng sớm thì họ càng có cơ hội gặt hái được những lợi ích từ những công nghệ mới. Một số quốc gia đã và đang đạt được các bước tiến đáng kể theo hướng này. Ai Cập đã triển khai "lớp học tương tác", trang bị 1,5 triệu máy tính bảng được tải sẵn một bách khoa toàn thư điện tử mà học sinh, sinh viên có thể truy cập từ mạng trường học và trung tâm thanh thiếu niên. Khoảng 2.500 trường học ở Ai Cập đã có truy cập Internet tốc độ cao, và các lớp học "thông minh" sử dụng năng lượng mặt trời mới đang được triển khai ở các vùng sâu, vùng xa với sự trợ giúp của các công nghệ di động tiên tiến.
Về phần mình, Ngân hàng AfDB đã khởi động chương trình "Mã hóa cho công việc" như một phần của chiến lược Việc làm cho giới trẻ ở châu Phi nhằm cung cấp các kỹ năng số cần thiết cho thế hệ trẻ. Một trong những nội dung của chương trình này (hướng tới đối tượng thanh niên từ 15 - 35 tuổi) là cung cấp cho các trường đại học và các trung tâm đào tạo máy tính và các thiết bị khác; cung cấp các chương trình đào tạo theo nhu cầu với sự hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu; trang bị cho thanh niên các kỹ năng mềm và kỹ năng giao tiếp cá nhân cần thiết cũng như tạo ra các cơ hội việc làm trực tiếp.
Mặc dù mức tăng trưởng kinh tế ở châu Phi trước cuộc khủng hoảng Covid-19 khá cao, nhưng chưa bao trùm; nghèo đói và bất bình đẳng vẫn ở mức cao trong khu vực. Và mặc dù châu lục này đã đạt được mức tăng lớn về số lượng trường học, nhưng lại tụt hậu so với các khu vực khác trên thế giới về một số chỉ tiêu, bao gồm số năm giáo dục trung bình và chất lượng trường học. Tỷ lệ học sinh trung học bỏ học ở châu Phi vẫn vượt quá 30%, cao hơn gấp đôi so với mức trung bình toàn cầu là 13%.
Để bắt kịp các khu vực khác trên thế giới, các quốc gia châu Phi phải xây dựng các chiến lược quốc gia về giáo dục và phát triển kỹ năng, không chỉ tập trung vào thanh niên mà còn tập trung vào nhóm lao động trưởng thành, nhóm lao động phi chính thức và nhóm những người dễ bị tổn thương khác. Các nhà tuyển dụng châu Phi thường cho rằng người lao động không được đào tạo và trang bị kỹ năng đầy đủ là một hạn chế lớn đối với sự phát triển của các doanh nghiệp.
Tương tự, nghiên cứu của AfDB phát hiện ra rằng gần một nửa thanh niên có việc làm tại châu Phi cho rằng kỹ năng của họ không phù hợp với công việc và 2/3 có trình độ học vấn quá thấp hoặc kém, dẫn đến mức lương thấp và không hài lòng với công việc. Chỉ bằng cách giải quyết những bất cập về giáo dục và kỹ năng, các nước châu Phi mới có thể xây dựng được một lực lượng lao động linh hoạt và thích ứng sẵn sàng cho 4IR. Để làm như vậy đòi hỏi một triết lý giáo dục mới, tập trung vào phát triển các kỹ năng mềm trong khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng cơ bản và kỹ thuật số. Ngoài ra, để giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, phải có cơ chế khuyến khích đi học và tới trường ở các vùng sâu vùng xa, ít nhất là đối với bậc tiểu học.