Dạy học trực tuyến - xu thế của thời đại
Truyền thông - Ngày đăng : 15:16, 03/09/2020
Hình thức dạy học trực tuyến là yêu cầu tất yếu
Ở Việt Nam, dạy học trực tuyến còn là điều mới mẻ và mọi thứ vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu. Lần đầu tiên việc dạy học qua internet, trên truyền hình được triển khai trên phạm vi toàn quốc ở bậc học phổ thông, với hướng dẫn bài bản, cụ thể của Bộ GD&ĐT là khi học sinh tạm dừng đến trường vì dịch bệnh.
Sự chuyển hướng này giúp học sinh không dừng việc học trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội và chương trình học hoàn thành trước 15/7; đồng thời cho thấy thực hiện dạy học trực tuyến khó, nhưng không phải không làm được, và việc công nhận chính thống hình thức dạy học này trở thành yêu cầu tất yếu.
Nhận thức được điều đó, đầu tháng 8 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã công bố xin ý kiến rộng rãi dự thảo Thông tư ban hành quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên.
Dự thảo đưa ra 3 hình thức tổ chức dạy học trực tuyến, gồm: Dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp; dạy học trực tuyến thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp; dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn quá trình dạy học trực tiếp.
Cùng với đó, nhiều nội dung khác về dạy học trực tuyến cũng được quy định như: tổ chức hoạt động dạy học trực tuyến; quản lý và lưu trữ hồ sơ; hạ tầng kỹ thuật và học liệu dạy học; quyền và nhiệm vụ của giáo viên, nhân viên, học sinh; trách nhiệm của Sở/Phòng GD&ĐT và cơ sở giáo dục phổ thông trong việc tổ chức dạy học trực tuyến…
Khi ban hành, đây sẽ là cơ sở pháp lý đầu tiên cho dạy học trực tuyến ở bậc học phổ thông. Tuy nhiên, khi dạy học trực tuyến được công nhận, trở thành hình thức dạy học chính thống trong các nhà trường, thì không ít vấn đề khúc mắc liên quan đến nội dung này của các nhà trường, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh cần được tháo gỡ, giải đáp.
Để việc dạy học trực tuyến đạt hiệu quả
Rất nhiều câu hỏi và ý kiến được đưa ra như: Làm thế nào để thu hút sự tham gia hỗ trợ của cha mẹ học sinh trong dạy học trực tuyến? Làm thế nào để việc dạy học trực tuyến không trở thành hình thức hoặc gây áp lực với giáo viên khi điều kiện và nhu cầu chưa sẵn sàng? Và làm thế nào để thực hiện kiểm tra bài, đánh giá học sinh trong dạy học trực tuyến?
Theo TS Tôn Quang Cường - Chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội,Nhà trường cần cung cấp lịch học và các yêu cầu học tập online cho phụ huynh để cùng phối hợp kiểm tra, giám sát và hỗ trợ quá trình học tập của học sinh. Ở cấp tiểu học, việc phối hợp với cha mẹ học sinh để hỗ trợ triển khai dạy học trực tuyến là rất cần thiết. Giáo viên cần chủ động xây dựng kế hoạch học tập, thông báo và đề nghi sự hỗ trợ của cha mẹ. Thậm chí, có thể đề nghị phụ huynh ngồi học cùng với học sinh trong 1 số trường hợp.
Mặt khác, giáo viên phải thường xuyên kết nối, thông báo về quá trình học tập của học sinh và tạo sự đồng thuận, chia sẻ trong việc thúc đẩy ý thức tự giác, chủ động của học sinh. Ngoài ra, Ban giám hiệu nhà trường cần xây dựng bộ công cụ quản lý và triển khai dạy học như: Hệ thống quản lý học tập và giảng bài trực tuyến; thống nhất thời khóa biểu dạy học các môn; tái cấu trúc việc dạy học môn học thành 3 phần (phần giảng bài online, phần hướng dẫn giải đáp củng cố, phần kiểm tra đánh giá theo dõi học sinh).
Và theo dự thảo Thông tư, phải đáp ứng các điều kiện tối thiểu mới triển khai dạy học trực tuyến theo các mức độ, phải đảm bảo chất lượng, không tạo áp lực với giáo viên và học sinh. Căn cứ vào điều kiện thực tế, nhà trường và địa phương mới quyết định việc triển khai dạy học trực tuyến phù hợp – TS Tôn Quang Cường nhấn mạnh.
Về phía tổ chuyên môn, cần có sự trao đổi và thống nhất khi xây dựng các bài giảng phục vụ cho dạy học online: lựa chọn nội dung cốt lõi nhất trong chương trình; tái cấu trúc lại nội dung môn học; thiết kế, lồng ghép nội dung trong các tình huống, vấn đề… để hỗ trợ học sinh thảo luận, thực hành; giảm các nội dung mang tính bổ trợ; số hóa tối đa nội dung trong SGK bằng các công cụ công nghệ khác nhau; lập kế hoạch phân công cụ thể cho giáo viên, bám sát tiến trình học tập của từng lớp; phân công giáo viên khai thác các nguồn học liệu mở, xây dựng bổ sung học liệu số cho môn học; phân công giáo viên hỗ trợ lẫn nhau khi giảng bài online; tiếp tục tập huấn sử dụng các công cụ hỗ trợ dạy học online theo nguyên tắc dạy học kết hợp, lớp học đảo ngược và dạy học cá nhân hóa; cung cấp nội dung, tài liệu học tập cho học sinh trước khi đến lớp học online…
Khi dạy học trực tiếp trên lớp thì sự tương tác giữa giáo viên và học sinh được phát huy hiệu quả hơn; còn hoạt động dạy học thông qua phần mềm ứng dụng trên Internet, giáo viên chủ yếu thực hiện bài giảng một chiều, học sinh tiếp nhận qua mạng, qua các phương tiện, sự tương tác chủ yếu thông qua hệ thống câu hỏi, bài tập sau đó chứ không trực tiếp. Vì vậy, giáo viên cần đổi mới phương pháp dạy học, tìm kiếm thêm các phần mềm thú vị trong giờ dạy đó như các phần mềm điểm danh, kiểm tra đánh giá, học liệu hay, động viên, cho điểm học sinh... Các nội dung và công cụ kiểm tra, đánh giá đều được triển khai trên các hệ thống, giải pháp công nghệ cho sẵn. Do đó, giáo viên cần nắm vững thành thục các thao tác thiết kế và triển khai hoạt động này.
Khi thiết kế các câu hỏi kiểm tra, đánh giá trong dạy học trực tuyến, giáo viên có thể căn cứ vào mục tiêu của môn học, các mức độ thực hiện nhiệm vụ học tập, các tiêu chí đánh giá và khả năng trình bày kết quả thực hiện của học sinh. Trên cơ sở đó, giáo viên lựa chọn các công cụ đánh giá phù hợp (Quiz; test; bài kiểm tra nộp trên hệ thống; các nhận xét, bình luận, đánh giá trên diễn đàn…).
Một trong những điểm rất quan trọng tạo nên tính hiệu quả và sự thành công trong kiểm tra, đánh giá online là cần phải cung cấp thông tin phản hồi nhanh chóng cho người học. Giáo viên có thể sử dụng một số giải pháp, nền tảng đánh giá trực tuyến để tích hợp vào trong quá trình dạy học, đan xen giữa các hoạt động học tập của học sinh hơn là chỉ chú ý giao bài tập về nhà trên hệ thống này. Mặt khác, khuyến khích giáo viên thiết kế các nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá theo tiếp cận thực hiện tạo ra sản phẩm. Trong quá trình này, giáo viên có thể hỗ trợ, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh. Kết hợp với đánh giá sản phẩm cuối cùng của học sinh, giáo viên có thể đưa ra những nhận định về năng lực học sinh một cách khách quan, công bằng, chính xác.
Một hướng tiếp cận trong kiểm tra, đánh giá khá thú vị hiện nay là: chuyển từ giáo viên đánh giá sang học sinh tự đánh giá, cùng đánh giá, đánh giá lẫn nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập. Công nghệ giáo dục hiện nay có thể hỗ trợ kiểm tra, đánh giá năng lực theo các tiêu chí thực hiện, đưa ra được những phân tích, dự báo, hướng phát triển năng lực cho học sinh trong quá trình học tập.
Để việc dạy và học trực tuyến thành công, đạt hiệu quả vẫn cần sự thống nhất, đồng thuận cao và sự phối hợp giữa nhà trường, giáo viên với phụ huynh. Vì bên cạnh giáo dục truyền thống, mô hình giáo dục trực tuyến chắc chắn là xu thế tất yếu nhằm đáp ứng được yêu cầu của thời đại công nghệ số.