6 lĩnh vực công nghệ Việt Nam đẩy mạnh hợp tác với WEF
Diễn đàn - Ngày đăng : 14:04, 31/08/2020
Trung tâm là đầu mối quốc gia trong việc hợp tác với WEF và nằm trong mạng lưới Trung tâm CMCN 4.0 của WEF trên toàn cầu để nghiên cứu, thử nghiệm và xây dựng các khung chính sách cho các công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc CMCN 4.0. Trung tâm có thể sử dụng nghiên cứu các nước để thí điểm ở Việt Nam cũng như quảng bá công nghệ của Việt Nam ra thế giới.
Trung tâm CMCN 4.0 (Centre for the Fourth Industrial Revolution) của WEF (C4IR) được thành lập tại San Francisco, Hoa Kỳ vào tháng 4/2017. Trung tâm là một tổ chức kết nối cộng đồng quốc tế theo hình thức đối thoại đa bên và hợp tác cụ thể về cơ hội và thách thức từ các ngành công nghệ cao, vận hành theo mô hình công - tư, nghiên cứu 09 lĩnh vực CMCN 4.0, bao gồm: Trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy; Internet kết nối vạn vật (IoT); Chuỗi khối và công nghệ sổ cái phân tán; Tự động hóa và giao thông đô thị; Thiết bị không người lái và hàng không tương lai; Thương mại số; CMCN 4.0 về địa chất; Y tế chính xác và quản trị dữ liệu.
Theo WEF, các công nghệ mới chắc chắn có cả giá trị và rủi ro. Mức độ tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào chất lượng của các cơ chế quản lý - các chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn và khuyến khích định hình sự phát triển và triển khai công nghệ. Các quy định chính phải ổn định, có khả năng tương tác, có thể dự báo và đủ minh bạch để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, công ty, nhà khoa học và công chúng, nhưng cũng phải đủ nhanh để thích ứng trước những tiến bộ nhanh chóng của công nghệ.
Chính sách quản lý các công nghệ mới nổi hiện đang mang tính chắp vá: Một số lĩnh vực được quản lý chặt chẽ, một số lĩnh vực khác hầu như không. Thông thường, các cơ chế để các nhà hoạch định chính sách tương tác với những nhà nghiên cứu hầu như là chưa có.
Theo đó, cần có một không gian toàn cầu, tin cậy nơi các công ty công nghệ hàng đầu, các công ty khởi nghiệp năng động, các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức quốc tế, các cơ quan quản lý, các tổ chức kinh doanh, học viện và xã hội dân sự có thể hợp tác để phát triển các chuẩn mực chính sách linh hoạt và quan hệ đối tác cần thiết tiềm năng to lớn của khoa học và công nghệ. Hợp tác này được kỳ vọng mang lại tốc độ tăng trưởng nhanh, tạo ra tác động tích cực, bền vững cho tất cả mọi người.
Trung tâm sẽ phát triển, thí điểm và mở rộng quy mô các công cụ quản trị nhanh chóng, lấy con người làm trung tâm để các nhà hoạch định chính sách, nhà lập pháp và cơ quan quản lý trên toàn thế giới áp dụng nhằm giải quyết những thách thức liên quan đến các công nghệ mới.
Theo Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT, Dự án nghiên cứu hợp tác của Việt Nam với WEF sẽ thử nghiệm các khung chính sách, mô hình thực nghiệm và cách thức quản trị đối với công nghệ mới, các công cụ quản trị để giải quyết các thách thức cụ thể liên quan đến CMCN 4.0.
Dự kiến, các lĩnh vực công nghệ mới sẽ được nghiên cứu trong phạm vi hợp tác giữa WEF và Việt Nam gồm: (1) AI và học máy; (2) Thiết bị bay không người lái và hàng không tương lai; (3) Chuỗi khối và các ứng dụng; (4) IoT; (5) Thiết bị tự hành và di động; (6) Dữ liệu và quản trị dữ liệu. Đây là cơ hội cho các DN công nghệ số Việt Nam nắm bắt, đi cùng với cộng đồng thế giới trong triển khai ứng dụng công nghệ mới.
AI và học máy
Tác động của AI có thể thấy được ngay trong ngôi nhà của mỗi chúng ta, trong các doanh nghiệp (DN). Robot là hiện thân của AI, giúp điều khiển ô tô, tích trữ kho hàng và chăm sóc người già, trẻ nhỏ. Những tiến bộ nhanh chóng trong học máy hứa hẹn giải quyết một số vấn đề cấp bách nhất mà xã hội đang phải đối mặt, nhưng cũng đặt ra những thách thức như các thuật toán "hộp đen" (black box), sử dụng dữ liệu phi đạo đức và khả năng chuyển việc.
Khi các triển khai AI có quy mô và phạm vi ngày càng gia tăng, cần có sự hợp tác của nhiều bên liên quan để tối ưu hóa trách nhiệm giải trình, tính minh bạch, quyền riêng tư và tính khách quan để tạo niềm tin. Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này là để xây dựng các công cụ ra quyết định cho hội đồng quản trị công ty, các quy định để chính phủ sử dụng AI và các tiêu chuẩn AI dành cho trẻ em.
Thiết bị không người lái và hàng không tương lai
Các hệ thống máy bay không người lái đang chiếm lĩnh không gian và mở ra cơ hội cho nhiều bên tham gia vào ngành hàng không.
Máy bay không người lái đã hỗ trợ tăng năng suất cây trồng, khiến những công việc nguy hiểm trở nên an toàn hơn và trợ giúp những người dân ở vùng xa. Các hệ thống máy bay không người lái được thí điểm có tiềm năng cách mạng hóa cách vận chuyển hàng hóa và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội theo cách hoàn toàn mới.
Mặc dù máy bay không người lái có tiềm năng chuyển đổi mô hình kinh doanh và giải quyết các thách thức xã hội trên toàn cầu, các chính phủ đang nỗ lực để bảo đảm an toàn và niềm tin của cộng đồng.
Việc cho phép hàng triệu máy bay có và không người lái bay đồng thời cũng sẽ yêu cầu việc quản lý không phận theo cách mới, cơ sở hạ tầng vật lý cũng như các chính sách về quyền riêng tư và quyền sở hữu dữ liệu. Việc thiết lập cơ sở và nền tảng chính sách phù hợp cho sự hợp tác trong ngành, cả thông qua các quy định và các tiêu chuẩn theo hướng ngành, sẽ thúc đẩy việc sử dụng, mở ra mô hình kinh doanh mới khi công nghệ và cơ sở hạ tầng chín muồi.
Chuỗi khối và các ứng dụng
Chuỗi khối (blockchain), một công nghệ tương đối mới cho phép lưu trữ, chuyển giao thông tin phi tập trung và an toàn, đã được khai thác trong hầu hết các lĩnh vực, từ tài chính, năng lượng đến vận chuyển và truyền thông.
Việc hợp tác về nội dung này sẽ thúc đẩy các nguyên tắc quản trị thực tiễn để hỗ trợ cơ sở hạ tầng nền tảng và các ứng dụng được xây dựng dựa trên công nghệ sổ cái phân tán.
Internet kết nối vạn vật (IoT)
Dự kiến đến năm 2020, số lượng thiết bị IoT sẽ vượt quá 20 tỷ thiết bị, do những tiến bộ công nghệ, chi phí tính toán, lưu trữ và kết nối đang giảm đáng kể.
Khi các công nghệ IoT tiếp tục ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của cuộc sống hàng, việc nghiên cứu xây dựng các chính sách về quyền sở hữu dữ liệu, độ chính xác, bảo vệ quyền riêng tư đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Thiết bị tự hành và di động
Tự động hóa là một phần quan trọng của các nền kinh tế và là một yếu tố dễ bị tổn thương, khi khi xu hướng xe tự hành, kết nối, điện khí hóa và chia sẻ ngày càng cao. Việc hợp tác về nội dung này nhằm tận dụng các cơ hội do số hóa và các tiến bộ công nghệ khác mang lại để cải thiện giao thông vận tải ở các thành phố, vùng ngoại ô và khu vực nông thôn.
Quản trị dữ liệu
Dữ liệu là ôxy tiếp sức cho ngọn lửa của cuộc CMCN 4.0. Khối lượng dữ liệu toàn cầu được dự báo tăng gấp đôi từ 2018 - 2022 và sau đó tăng gấp đôi một lần nữa từ năm 2022 - 2025.
Lượng dữ liệu ngày càng gia tăng được thúc đẩy bởi sự phát triển nhanh chóng của các thiết bị IoT và những đột phá về phương tiện tự hành, công nghệ máy bay không người lái... Dữ liệu cũng được khai thác thông qua học máy để làm cho AI trở nên khả thi và cung cấp năng lượng cho những tiến bộ trong y học chính xác, chẩn đoán và phân tích dự báo được ứng dụng trong các ngành.
Để xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ đó, các DN cần có các chính sách dữ liệu rõ ràng, thực tế hơn, trong khi các nhà hoạch định chính sách cần các công cụ tốt hơn để xây dựng các quy định mới cho dữ liệu, nhưng bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân. Hợp tác về nội dung này sẽ tập trung vào việc tối đa hóa việc sử dụng dữ liệu một cách nhân đạo, có lợi, đồng thời tìm cách phát triển các giải pháp thiết thực sử dụng cách tiếp cận đa bên để hoạch định chính sách.
Trung tâm và mạng lưới C4IR của WEF đang thể hiện vai trò lớn trong cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra trên thế giới với sự tham gia của nhiều tập đoàn đa quốc gia, các DN khởi nghiệp vừa và nhỏ và các quốc gia trên thế giới, trong đó có hầu hết các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Bản, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, Các Tiểu vương quốc Ả rập, Ả rập Xê-út…