RCEP là động lực phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19

Hội nhập - Ngày đăng : 05:58, 29/08/2020

Tiếp theo Hội nghị Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa kỳ lần thứ 10 được tổ chức vào cuối tháng 6/2020, ngày 27/8/2020, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế RCEP lần thứ 8 đã được tổ chức tại Hà Nội nhằm thảo luận và thúc đẩy đàm phán RCEP, hướng tới khả năng ký kết Hiệp định vào cuối năm 2020 theo chỉ đạo của các nhà Lãnh đạo RCEP.

Với vai trò là nước Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam đã và đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN trong việc duy trì vai trò dẫn dắt của ASEAN và hợp tác chặt chẽ với 6 nước đối tác để thúc đẩy sớm kết thúc hoàn toàn đàm phán Hiệp định RCEP, nhanh chóng hoàn tất việc rà soát pháp lý lời văn để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định vào tháng 11/2020 tại Hà Nội.

RCEP là động lực phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. (Nguồn: Bộ Công thương)

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao nỗ lực của các nhà đàm phán Hiệp định RCEP đã đạt được từ đầu năm đến nay. Các cuộc họp, thảo luận chuyên sâu theo hình thức trực tuyến của các bên tham gia đàm phán RCEP vẫn được tiến hành theo đúng tiến độ, bất chấp sự bùng phát kéo dài của đại dịch COVID-19.

Những tác động tiêu cực của COVID-19 đã mang lại nhiều thách thức không nhỏ cho sự lưu chuyển của các luồng thương mại và đầu tư trong khu vực, bao gồm cả các nước tham gia đàm phán Hiệp định quan trọng này. Điều đáng ghi nhận là các thành viên tham gia RCEP vẫn cần đảm bảo việc mở cửa thị trường, đặc biệt là đối với các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, cũng như tiếp tục tăng cường hợp tác nhằm phản ứng hiệu quả với COVID-19.

Các Bộ trưởng ghi nhận tầm quan trọng đặc biệt của Hiệp định RCEP trong bối cảnh bấp bênh về kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh, đồng thời tin tưởng rằng việc ký kết RCEP sẽ là cơ sở để củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và làm bền vững hơn cấu trúc của kinh tế khu vực, cũng như thể hiện sự ủng hộ của khu vực đối với Hệ thống thương mại đa phương mở, đồng bộ và dựa trên nguyên tắc.

RCEP là động lực phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế RCEP lần thứ 8 được tổ chức trực tuyến dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. (Nguồn: Bộ Công thương)

Hội nghị đã nhấn mạnh vai trò của RCEP trong việc phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế thế giới và khu vực.

Các Bộ trưởng ghi nhận những nỗ lực và tiến triển trong đàm phán RCEP cho tới thời điểm này để có thể ký kết tại Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 14 vào tháng 11 năm nay.

Về vấn đề Ấn Độ, các Bộ trưởng cũng tái khẳng định việc bỏ ngỏ cánh cửa tham gia đàm phán đối với Ấn Độ, không chỉ bởi Ấn Độ là nước đã tham gia ngay từ đầu, khi đàm phán RCEP được khởi động từ năm 2012, mà còn vì những tiềm năng mà Ấn Độ có thể mang lại cho sự thịnh vượng chung của khu vực.

Trước đó, Ấn Độ đã rút khỏi RCEP vào tháng 11 năm ngoái, do đề xuất của nước này về biện pháp phòng vệ chống sự gia tăng đột biến hàng hóa nhập khẩu, cùng với một số đề xuất khác, không được các đối tác tiềm năng giải quyết, trong đó có cả Trung Quốc. Cho đến nay, một điều gần như chắc chắn là dù có hay không có sự tham gia của Ấn Độ thì RCEP vẫn đang đi đúng lộ trình hiện thực hóa.

Việc ký kết RCEP trong năm 2020 sẽ phát đi tín hiệu về việc các nước tham gia đàm phán ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, tăng cường hội nhập kinh tế giữa các nước trong khu vực, từ đó góp phần khôi phục lại các hoạt động kinh tế, thiết lập trạng thái bình thường mới trong toàn khu vực.

Được ASEAN khởi xướng vào năm 2012, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là một thỏa thuận thương mại tự do giữa 10 nước thành viên ASEAN và 6 đối tác gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand. Nếu được ký kết, Hiệp định này sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, vượt qua cả quy mô của Hiệp định Đối tác Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Vân Khánh