ASEAN nỗ lực thực hiện “nhiệm vụ kép”
Hội nhập - Ngày đăng : 16:16, 26/08/2020
Vững vàng ứng phó với COVID-19
Kể từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát khiến nhiều hoạt động của ASEAN phải tạm hoãn hoặc lùi thời gian tổ chức. Trong bối đó, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã có những ứng phó kịp thời theo kế hoạch và chương trình nghị sự của năm ASEAN, đồng thời tiếp tục nỗ lực triển khai các kế hoạch đã đề ra trong xây dựng Cộng đồng.
Dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam đã có những ứng phó kịp thời theo kế hoạch và chương trình nghị sự của năm ASEAN. (Ảnh: ASEAN)
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Việt Nam bắt tay vào chuẩn bị cho Năm Chủ tịch 2020 từ rất sớm. Khi dịch COVID-19 xảy ra, Việt Nam đã nhanh chóng thay đổi các phương án cho phù hợp với tình hình mới: "Trên cương vị Chủ tịch ASEAN, phải đưa ra chương trình như thế nào để đáp ứng đúng nhu cầu quan tâm của các nước. Vì thế, dù muốn hay không chúng ta cũng phải chuyển trọng tâm của ASEAN sang ứng phó với COVID-19. Và Việt Nam đã kịp thời chuyển chương trình nghị sự sang phòng, chống COVID-19, nhận được sự hưởng ứng và Việt Nam đã làm tốt cho đến bây giờ".
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng. (Ảnh: VGP)
Về ứng phó dịch bệnh, ASEAN đã xây dựng cơ chế điều phối, hợp tác, tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến của ASEAN ở các cấp, các ngành, đặc biệt là Hội nghị Cấp cao ASEAN về COVID-19 ngày 14/4, đề ra nhiều biện pháp cụ thể như lập Quỹ ứng phó COVID-19, lập kho y tế dự phòng, lập Quy trình chuẩn về ứng phó dịch bệnh, xây dựng kế hoạch phục hồi của ASEAN.
Ngoài ra, ASEAN cũng có nhiều cuộc họp trực tuyến với các đối tác như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Nga... để thúc đẩy hợp tác quốc tế ứng phó với COVID-19, hỗ trợ khắc phục tác động của dịch bệnh.
Trong hơn nửa năm vừa qua, hợp tác ASEAN trên tinh thần gắn kết, chủ động thích ứng đã huy động được sự thống nhất, tập hợp, chung tay để ứng phó với dịch COVID-19 một cách hiệu quả. Cho đến nay, ASEAN trở thành hình mẫu trong ứng phó, phòng chống dịch, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
ASEAN đoàn kết vượt qua thách thức
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát gây ra nhiều khó khăn cho cả thế giới nói chung và khối ASEAN nói riêng. Trước những thách thức đặt ra, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã cùng các nước thành viên ASEAN, thực hiện nhiệm vụ kép "vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa tiếp nối các nỗ lực xây dựng Cộng đồng, tập trung triển khai những trọng tâm ưu tiên hợp tác đề ra trong năm 2020".
Về xây dựng Cộng đồng, triển khai các sáng kiến và ưu tiên của Chủ tịch 2020, ASEAN đang tích cực đánh giá giữa kỳ việc thực hiện Kế hoạch tổng thể Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 ở cả 3 trụ cột, kiểm điểm việc thực hiện Hiến chương ASEAN, khởi động thảo luận về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 cũng như triển khai các biện pháp nâng cao hình ảnh và bản sắc của Hiệp hội, đẩy mạnh hợp tác với các đối tác .
Về vấn đề kinh tế, trước đại dịch ASEAN là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, với nền kinh tế tăng trưởng trung bình khoảng 5% mỗi năm. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát khiến việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt và đóng cửa biên giới nhanh đã chóng bóp nghẹt tiêu dùng tư nhân, đầu tư công và doanh thu từ du lịch, dẫn đến sự suy giảm sâu sắc.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Malaysia giảm 17,1% so với cùng kỳ trong quý II/2020, trong khi Philippines giảm 16,5%, Singapore giảm 13,2% và Thái Lan giảm 12,2% - những kết quả tồi tệ nhất được ghi nhận trong hơn 20 năm qua. Indonesia cũng ghi nhận con số tồi tệ nhất kể từ năm 1999, với mức giảm 5,3%, trong khi Việt Nam đạt mức tăng nhẹ 0,4%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 7% được thấy trước cuộc khủng hoảng.
Tại một phiên họp trực tuyến ngày 20/8 của Trung tâm ASEAN - Nhật Bản tổ chức vào ngày 20/8 vừa qua, Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, ông Lim Jock Hoi khẳng định: "ASEAN đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng không giống bất cứ khu vực nào trên thế giới".
Các quốc gia đang đối mặt với những mối đe dọa khác nhau. Nhưng bất kể đang ở giai đoạn nào của đại dịch, các nước ASEAN cũng đang cố gắng thúc đẩy ít nhất một số hoạt động kinh tế khởi động lại.
(Ảnh minh họa)
Nhận định về những thách thức trong phát triển kinh tế nội khối, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho rằng so với các tổ chức khác như Liên minh châu Âu, giao dịch nội khối trong ASEAN rất thấp, thương mại nội khối chỉ hơn 20%.
ASEAN muốn tăng nội khối nhưng thực tế do cơ cấu hàng hóa, tập quán làm ăn với các nước đối tác nên hợp tác của ASEAN với các đối tác bên ngoài nhiều hơn là với nhau.
Đại dịch COVID-19 chính là lời cảnh tỉnh, giúp các nước phải nghĩ đến việc tận dụng thị trường của nước mình và khối mà mình tham gia. Tuy nhiên, ngoài việc tăng cường hợp tác, chia sẻ, phải có nhiều biện pháp chung khác như vấn đề thuế quan, hàng rào phi thuế quan, bảo hộ. Đây là vấn đề liên quan đến lợi ích doanh nghiệp của mỗi nước nên không đơn giản. Việc này không thể làm được ngay nhưng sẽ có những chuyển động theo hướng tăng cường giao dịch nội khối.
Bên cạnh đó, ASEAN cũng đang phải đối mặt với những thách thức như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Điều này đặt ra vấn đề chia rẽ nhất định trong quan điểm của các nước, dẫn đến nguy cơ các nước có thể chọn bên. Tuy nhiên, ASEAN xác định không chọn bên mà chọn lợi ích của ASEAN. Với quan điểm rõ ràng như vậy, ASEAN có lập trường riêng của mình trong các vấn đề quốc tế và khu vực.
Điển hình là với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ASEAN đã đưa ra văn kiện về "Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" để khẳng định lập trường riêng của ASEAN về khu vực, các nguyên tắc của ASEAN. Đây là cách ASEAN giữ vai trò trung tâm của khu vực.
Khẳng định lại ý nghĩa chủ đề "Gắn kết và Chủ động thích ứng" của Năm ASEAN 2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, tại cuộc họp báo về Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 ngày 23/6 tại Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh đoàn kết, gắn bó là đòi hỏi tất yếu bảo đảm cho thành công của Cộng đồng ASEAN. Với chủ đề này, trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam mong muốn củng cố khối đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực nội tại và thúc đẩy sự phát triển vững mạnh của Cộng đồng ASEAN, tăng cường liên kết khu vực, kết nối về kinh tế, đề cao ý thức cộng đồng và bản sắc của ASEAN, gắn bó người dân và lấy người dân làm trung tâm.
Việt Nam cũng mong muốn nâng cao năng lực của ASEAN để có thể thích ứng một cách chủ động và hiệu quả trước các biến động nhanh chóng của tình hình thế giới, trước các thách thức đang nổi lên như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn… đồng thời cũng là nâng cao khả năng tận dụng các cơ hội và hạn chế những thách thức do tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Những điều này đặt ra thách thức rất mới cho ASEAN và cho từng quốc gia. Do vậy, việc chủ động thích ứng với tình hình đang thay đổi là hết sức cần thiết. Trong bối cảnh dịch COVID-19, chủ đề được đặt ra rất đúng và với tinh thần đoàn kết chắc chắn ASEAN sẽ vượt qua được thách thức.