Công nghệ, hạ tầng số góp phần đưa Việt Nam phát triển thịnh vượng vào năm 2045

Bản tin ICT - Ngày đăng : 15:12, 18/08/2020

Dự thảo văn kiện Đại hội 13 của Đảng xác định đất nước phát triển giai đoạn tới dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Lĩnh vực công nghệ số, hạ tầng số đóng vai trò quyết định trong nền kinh tế số, góp phần đưa Việt Nam thành nước phát triển thịnh vượng vào năm 2045, khi nước Việt Nam mới tròn 100 năm.

Trong hai ngày 17 – 18/8/2020, tại Hà Nội, Đảng bộ Bộ TT&TT đã tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ V nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đến dự và chỉ đạo Đại hội có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT; đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương và hơn 200 đại biểu đảng viên từ các cơ sở đảng thuộc Đảng bộ Bộ TT&TT.

Công nghệ, hạ tầng số góp phần đưa Việt Nam phát triển thịnh vượng vào năm 2045 - Ảnh 1.

Các đại biểu dự Đại hội

Báo cáo của Đảng bộ Bộ TT&TT nhiệm kỳ IV cho biết: Đảng bộ Bộ TT&TT đã tập trung trí tuệ, phát huy dân chủ, đoàn kết, thống nhất, chủ động khắc phục khó khăn, tổ chức thực hiện đạt và vượt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ IV đã đề ra.

Đảng bộ đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, của Ban cán sự Đảng và của Đảng ủy Bộ TT&TT; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; tham mưu giúp Chính phủ, Quốc hội hoạch định nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia tiếp tục được xây dựng đồng bộ, hiện đại và rộng khắp. CNTT phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tựu trong ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước và đời sống xã hội. Công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng trên không gian mạng được tăng cường. Lĩnh vực báo chí, truyền thông đã phản ánh đúng dòng chảy của thời đại, góp phần tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường.

Năm 2019, tổng doanh thu toàn ngành ước đạt 3.100.000 tỷ đồng (gần 135 tỷ USD), tăng 2,5 lần so với năm 2015; nộp ngân sách đạt 99.820 tỷ đồng (hơn 4,3 tỷ USD), tăng 1,6 lần so với năm 2015.

Hiện nay, ngành TT&TT đã có một số doanh nghiệp (DN) lớn có thương hiệu và thứ hạng quốc tế. Trong bảng xếp hạng quốc tế về an toàn, an ninh mạng toàn cầu do ITU đánh giá, Việt Nam vươn lên mạnh mẽ từ thứ hạng 100 năm 2017 lên thứ hạng 50 năm 2019. Một số DN tiêu biểu được xếp hạng cao trên thế giới.

Công tác xây dựng Đảng đã đạt nhiều kết quả quan trọng; tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng chi bộ, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng; thực hiện nghiêm túc chế độ học tập lý luận chính trị trong Đảng; từng bước đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành ý thức tự giác, thành việc làm thường xuyên của cả chi bộ và mỗi đảng viên.

Phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao Đảng bộ Bộ TT&TT đã nỗ lực phấn đấu, vượt khó vươn lên để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần IV đã đề ra.

Công nghệ, hạ tầng số góp phần đưa Việt Nam phát triển thịnh vượng vào năm 2045 - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Lĩnh vực công nghệ, hạ tầng số đóng vai trò quyết định trong nền kinh tế số, góp phần đưa Việt Nam thành nước phát triển thịnh vượng vào năm 2045

Đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Khối cho biết, thời gian qua, Đảng ủy Khối đã phối hợp với Ban Cán sự Đảng bám sát tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 155- KH/ĐUK ngày 10/10//2019 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối, khắc phục khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra để lãnh đạo, chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ tổ chức tốt đại hội, đảm bảo đúng nguyên tắc, quy định, đạt kết quả tốt.

Công nghệ, hạ tầng số góp phần đưa Việt Nam phát triển thịnh vượng vào năm 2045 - Ảnh 4.

Đồng chí Huỳnh Tấn Việt: Những kết quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ TT&TT trong năm năm qua đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra

Đồng chí Huỳnh Tấn Việt cho rằng: nhiệm kỳ 2015-2025, Bộ TT&TT đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn và đa dạng trên nhiều lĩnh vực, như việc tham mưu xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật An toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13 ngày 19/11/2015; Luật Báo chí số 103/2016/QH13 ngày 5/4/2016 và xây dựng nhiều Thông tư, văn bản hướng dẫn quan trọng khác… Từ đó tạo hành lang pháp lý quan trọng, tạo nền tảng thúc đẩy Ngành TT&TT ngày càng phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.

"Những kết quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Bộ TT&TT trong 5 năm qua đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã đề ra", đồng chí Huỳnh Tấn Việt nhấn mạnh.

8 chương trình trọng tâm

Hiện nay, Đảng bộ Bộ TT&TT có 10 đảng bộ cơ sở, 15 chi bộ cơ sở, 11 chi bộ trực thuộc với gần 1.600 đảng viên, là đảng bộ lớn. Bộ có 35 cơ quan, đơn vị với gần 3.000 công chức, viên chức, cũng là Bộ lớn. Gần 50.000 DN và đơn vị hoạt động trong lĩnh vực TT&TT, hơn 1 triệu lao động, doanh thu hàng năm lên tới hơn 100 tỷ USD.

Phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Mục tiêu của Bộ là làm cho ngành phát triển, thông qua đó góp phần cho đất nước phát triển. Ngành TT&TT có thể tạo thành một đôi cánh cho đất nước bay lên. Một cánh là công nghệ số và một cánh là truyền thông. Báo chí truyền thông góp phần tạo sự đồng thuận, tạo niềm tin xã hội, tạo ra sự ổn định để phát triển, tạo khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, tạo nên sức mạnh tinh thần cho đất nước".

Một đất nước muốn phát triển, bứt phá, theo Bộ trưởng, đều cần đến sức mạnh tinh thần. "Phát triển thì không thể không dựa vào công nghệ, dự thảo văn kiện Đại hội 13 của Đảng cũng xác định đất nước phát triển giai đoạn tới dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Lĩnh vực công nghệ số, hạ tầng số đóng vai trò quyết định trong nền kinh tế số, góp phần đưa Việt Nam thành nước phát triển thịnh vượng vào năm 2045, khi nước Việt Nam mới tròn 100 năm".

Bộ trưởng cho biết, vừa qua, Bộ đã xác định các sứ mệnh mới cho Ngành, định vị lại các định hướng cơ bản và mở ra các không gian mới cho ngành, nói gọn lại là 8 chương trình trọng tâm.

Một là chuyển đổi bưu chính từ chuyển phát thư báo thành hạ tầng của dòng chảy vật chất của nền kinh tế số. Xây dựng hạ tầng bưu chính để đảm bảo dòng chảy vật chất của nền kinh tế số bên cạnh dòng chảy dữ liệu.

Thứ hai, chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng của nền kinh tế số. Triển khai 5G, mỗi người một máy điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình 1 đường Internet cáp quang. Hạ tầng đám mây, nền tảng định danh số, thanh toán điện tử, nền tảng cung cấp công nghệ như dịch vụ: AI, IoT, dữ liệu lớn, chuỗi khối, nền tảng chuyển đổi số các ngành…

Thứ ba, là đưa Việt Nam thành cường quốc an ninh mạng, với trọng tâm làm chủ hệ sinh thái sản phẩm an ninh mạng, để đảm bảo sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng, đảm bảo chủ quyền không gian mạng.

Thứ tư, chuyển đổi từ Chính phủ điện tử thành Chính phủ số. Đưa mọi hoạt động của Chính phủ lên môi trường số, sáng tạo ra nhiều dịch vụ hữu ích cho người dân, tương tác của người dân với chính quyền nhiều hơn.

Thứ năm, chuyển đổi từ gia công lắp ráp thành phát triển sản phẩm. Chương trình Make in VietNam, với trọng tâm là nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G, IoT, các nền tảng phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Các DN Việt Nam thay vì gia công lắp ráp thì tập trung làm sản phẩm và cái nôi Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu.

Thứ sáu, là phát triển các DN công nghệ số Việt Nam. Từ 50.000 DN sẽ trở thành 100.000 DN, có cả DN làm chủ công nghệ cốt lõi, cả DN phát triển sản phẩm, cả DN triển khai và khởi nghiệp sáng tạo.

Thứ bảy là báo chí truyền thông phải bảo vệ được chủ quyền quốc gia về thông tin, phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận xã hội, tạo niềm tin xã hội, lan tỏa năng lực tích cực, góp phần tạo ra sự ổn định để phát triển đất nước, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phát vươn lên.

Thứ tám, chuyển đổi từ ứng dụng CNTT sang chuyển đổi số. Dẫn dắt và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Toàn quốc chuyển đổi số. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện. Đưa toàn bộ hoạt động của kinh tế - xã hội lên môi trường số cũng phải đi song song với việc bảo vệ chủ quyền số.

Ngành Viễn thông đảm nhận sứ mệnh mới

Bộ trưởng cũng cho biết về cuộc đổi mới lần hai của ngành viễn thông. Lần thứ nhất cách đây hơn 30 năm, là chuyển đổi thiết bị viễn thông từ thế hệ analog sang thế hệ số. Sau 30 năm, chúng ta đã giải quyết xong bài toán thông tin liên lạc cho toàn dân. Lần thứ hai này là chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng của nền kinh tế số, thành nền tảng của kinh tế số. Một vài nền tảng có thể kể tên là: Nền tảng định danh số, nền tảng thanh toán số dựa trên di động. Đây là hai nền tảng căn bản nhất, đầu tiên nhất của kinh tế số, nhưng chỉ có nhà mạng viễn thông mới có thể làm nhanh nhất, phổ cập nhất.

"Có thể coi đổi mới lần hai này là sự chuyển dịch quy mô lớn nhất, thay đổi bản chất của ngành viễn thông, mở ra không gian mới vô cùng to lớn cho ngành viễn thông, lớn hơn rất nhiều lần không gian thông tin liên lạc. Ý nghĩa của ngành viễn thông đối với sự phát triển kinh tế của đất nước cũng vì thế mà lớn hơn rất nhiều. Cơ hội cũng lớn hơn rất nhiều".

Với cơ hội mới, Bộ trưởng cho biết: Ngành Viễn thông đảm nhận một sứ mệnh mới: Là hạ tầng, là nền tảng của một nền kinh tế Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

"Những bài học của cuộc đổi mới lần một sẽ vẫn còn đúng cho lần hai này, đó là: Hạ tầng phải đi trước và đi nhanh, công nghệ phải hiện đại, đi trong nhóm đầu của thế giới, quyết sách sáng suốt có tầm nhìn xa, huy động mọi nguồn lực của thị trường, điều hành quyết liệt và qua thử thách này mà hình thành một thế hệ cán bộ giỏi cho đất nước", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chuyển đổi số mạnh mẽ cho công tác đảng

Tại Đại hội này, thay mặt Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng nhấn mạnh Bộ ta muốn phát triển bền vững thì phải coi trọng công tác Đảng. Mà đầu tiên là thiết lập văn phòng đảng, đoàn thể, với những người hoạt động chuyên trách.

Tuy nhiên, dù kiện toàn Văn phòng Đảng, đoàn thể, Bộ trưởng cho biết vẫn không có tới 0,5% số người làm công tác đảng, đoàn thể. Chỉ có công nghệ mới giúp chúng ta giải bài toán này. Bộ ta là bộ về công nghệ số, vậy thì phải đi đầu về ứng dụng công nghệ số trong công tác đảng đoàn. Cục Tin học hóa sẽ là cơ quan giúp Đảng bộ trong chuyển đổi số công tác đảng.

Chuyển đổi số công tác Đảng, theo Bộ trưởng, không chỉ là ứng dụng công nghệ để tự động hóa một số công việc mà cơ bản là thay đổi cách thức làm công tác Đảng. Thí dụ, Nghị quyết có thể được tóm tắt thành 5 - 6 ý chính và được nhắn tin tới từng đồng chí đảng viên như một hình thức quán triệt. Đảng ủy có thể giao 1 đồng chí đảng viên nghiên cứu, đề xuất giải pháp cho một vấn đề nào đó, đồng chí này sau đó mời một số đồng chí khác quan tâm lập 1 nhóm làm việc qua mạng để cùng nghiên cứu, trao đổi.

Công nghệ, hạ tầng số góp phần đưa Việt Nam phát triển thịnh vượng vào năm 2045 - Ảnh 3.

Toàn cảnh Đại hội

Về đào tạo nguồn nhân lực, Bộ trưởng cho biết: Khó nhất và lâu nhất là đào tạo nhân lực, nhất là khi tổ chức có hàng vạn người.

"Nếu chúng ta đưa sự xuất sắc của mô hình quản trị, của quy trình, của cách làm, của công nghệ vào trong phần mềm, vào trong nền tảng, và đưa nhân viên của mình làm việc trên nền tảng đó thì chính nền tảng sẽ hướng dẫn nhân viên làm việc, hỗ trợ nhân viên làm việc, nâng tầm họ lên, mức tối thiểu của mỗi nhân viên sẽ là mức của nền tảng. Đây có thể coi là cách đào tạo mới hiệu quả mới".

Về đổi mới công tác cán bộ, Bộ trưởng cho rằng: Muốn xuất hiện cán bộ giỏi thì đầu tiên phải có việc thách thức nên công tác cán bộ đầu tiên là nghĩ ra mục tiêu. Mục tiêu phải là đủ cao và việc thì phải đủ thách thức và phải là trên giao cho dưới.

Về đổi mới công tác đánh giá cán bộ, Bộ trưởng cho biết: Đánh giá cán bộ thì ngoài đánh giá toàn diện, phải nhìn xem người đó có thành tích gì, sản phẩm gì, tạo ra giá trị gì cho tổ chức, qua từng năm, từng vị trí đảm nhận. Trong hồ sơ cán bộ phải ghi nhận thông tin này.

Với cán bộ từ cấp cục trở lên thì phải xem uy tín trong giới, trong cộng đồng của lĩnh vực đó, không chỉ là uy tín trong cơ quan mình. Người trong giới thì thường đánh giá khách quan và chính xác về đạo đức nghề và nghề.

Cán bộ muốn có thực tiễn, muốn có bản lĩnh thì phải đi cơ sở, đi tỉnh. Bộ ta cần học tập Bộ Kế hoạch Đầu tư. Nhân viên mới vào bộ là họ biệt phái xuống tỉnh làm việc. Người của tỉnh thì biệt phái lên bộ làm việc. Một số cán bộ cấp cao về tỉnh làm lãnh đạo để đào tạo cán bộ cho Trung ương. Nhiệm kỳ tới, chúng ta sẽ đi tỉnh nhiều hơn, nhất là cán bộ trẻ. Vừa qua, đã có một số đồng chí của Bộ biệt phái về tỉnh làm Giám đốc sở. Đây là bước khởi đầu quan trọng.

Luân chuyển cán bộ, tức là luân chuyển trong vụ, trong cục, trong đơn vị, trong bộ. Đây là cách rất tốt để đào tạo cán bộ. Một người ở đâu 5-10 năm là khó có thể tiếp tục đổi mới, sáng tạo, hăng hái. Vào môi trường mới là sẽ có năng lượng mới, là như tái sinh nhiều khả năng tiềm ẩn. Thỉnh thoảng mới luân chuyển thì ngại nhưng làm nhiều lần thì sẽ thấy bình thường và trở thành một nhu cầu.

Về đổi mới sinh hoạt đảng, Bộ trưởng cho biết: Bộ ta đang có rất nhiều chương trình mới, rất nhiều công việc mới, đang cần rất nhiều các giải pháp mới, cách làm mới đột phá, mỗi cuộc họp, sinh hoạt đảng hãy mang một vấn đề khó ra bàn bạc và tìm lời giải. Mọi đảng viên đều có cơ hội bàn bạc các việc lớn, các việc mới của đơn vị mình, họ sẽ thấy đơn vị là nhà mình, và đến khi về làm việc họ sẽ hết mình như việc nhà vậy.

"Giữ cái gốc, cái nền của mình để có thể đi xa. Cái gốc, cái nền ấy là tư tưởng của Đảng. Cái gốc cái nền ấy cũng là truyền thng 10 chữ vàng: Trung thành-Dũng cảm-Tận tụy-Sáng tạo-Nghĩa tình. Cái đi xa ấy là các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ. Muốn làm việc lớn thì phải có bộ máy. Bộ máy ấy phải trong sạch, vững mạnh, phải tinh và gọn. Bộ máy ấy phải được dẫn dắt bởi những người có khát vọng lớn, dám nghĩ, dám làm. Bộ máy ấy phải là tất cả những người bình thường nhưng vĩ đại. Bình thường chỗ họ làm công việc hàng ngày. Vĩ đại ở cho họ làm những việc đó với tình yêu lớn".

Để tất cả những cái đó bền vững, Bộ trưởng nhấn mạnh: "Đảng bộ phải quan tâm chăm lo đời sống, chính sách cho anh em. Bộ như ngôi nhà lớn. Sáng muốn đến nhà lớn, chiều muốn về nhà nhỏ, làm được việc này thì mục tiêu nào chúng ta cũng có thể đạt được".

Bộ trưởng nhấn mạnh: Hãy tiếp tục tinh thần và khẩu hiệu hành động "Làm gương - Kỷ cương - Trọng tâm - Bứt phá".

Lan Phương