10.000 việc làm mới dành cho người lao động dân tộc thiểu số và miền núi
Truyền thông - Ngày đăng : 13:44, 18/08/2020
Tiềm năng của sản phẩm quốc gia
Giai đoạn 2004-2014, tỉnh Kom Tum đã triển khai dự án "Bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh có sự tham gia của cộng đồng", cho đến nay dự án đã hoàn thành mục tiêu bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh, xây dựng thành công vườn sâm giống với diện tích khoảng 15ha, dự kiến sản xuất khoảng 20 vạn cây giống/năm để phục vụ phát triển sản xuất.
Một xã nghèo được tặng giống Sâm Ngọc Linh. Ảnh: ngaymoisaigon.com
Tháng 9/2015, Chính phủ phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030 với mục tiêu mở rộng vùng trồng sâm ra 7 xã của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với tổng diện tích 30.000 hecta, mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách khoảng 1.500 tỷ, còn lại huy động vốn xã hội hóa.
Đến năm 2017, Thủ tướng phê duyệt bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia bắt đầu thực hiện từ năm 2017, thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020. Trong đó có sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh).
Ngày 30/7/2018, Cục Sở hữu Trí tuệ đã có Quyết định mở rộng vùng chỉ dẫn địa lý cho 09 xã thuộc hai huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông (KonTum) với diện tích gần 17.000ha.
Như vậy, tiềm năng của loại nông sản quý hiếm là rất lớn. Sâm Ngọc Linh sống trên ngọn núi cao nhất thuộc Kon Tum và Quảng Nam - loại dược phẩm quý hiếm, được các nhà khoa học xếp vào một trong bốn cây sâm quý nhất trên thế giới đã trở thành sản phẩm quốc gia.
Giới thiệu Sâm Ngọc Linh tại một Hội chợ. Ảnh: Daidoanket
Dự kiến hỗ trợ 1.000 mô hình khởi nghiệp ở đồng bào DTTS và miền núi
Mới đây, Ủy ban Dân tộc đã dự thảo một tiểu dự án thuộc Dự án, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Tiểu dự án mang tên ứng dụng công nghệ trong sản xuất thức ăn gia súc và phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, phát triển Sâm Ngọc Linh và dược liệu quý, Hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Theo đó, tiểu dự án dự kiến sẽ đầu tư, hỗ trợ hoạt động ít nhất 5 cơ sở nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao giống gốc, giống thương phảm đối với Sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu quý của các địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển vùng trồng Sâm Ngọc Linh và dược liệu tập trung trên vùng DTTS và miền núi.
Đồng thời đầu tư, phát triển ít nhất 50 dự án vùng trồng tập trung Sâm Ngọc Linh và các dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao phù hợp trên địa bàn các huyện miền núi có diện tích rừng tập trung tối thiểu 1.000 ha nằm ở độ cao 1.000m trở lên so với mực nước biển.
Một điểm đáng chú ý khác, tiểu dự án sẽ hỗ trợ 1.000 mô hình khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tư vấn và hỗ trợ thành lập mới ít nhất 600 hợp tác xã, doanh nghiệp do người DTTS làm chủ; tạo ra ít nhất 10.000 việc làm mới có thu nhập thường xuyên cho người lao động trên địa bàn DTTS và miền núi...
Trong đó, hộ gia đình người DTTS, hộ nghèo, cận nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; ưu tiên đầu tư các mô hình ở vùng đồng bào khó khăn có nhu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao thu nhập cho người dân.
Nhóm trưởng nhóm phát triển chăn nuôi không thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Đồng thời, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác liên kết đầu tư cho hộ chăn nuôi theo chuỗi giá trị tại vùng đồng bào DTTS và miền núi...
Như vậy, cùng với những hoạt động hỗ trợ khác, cây Sâm Ngọc Linh sẽ là nông sản tạo ra việc làm, góp phần giúp nông dân ở vùng DTTS và miền núi có cơ hội tham gia vào hoạt động sản xuất của dự án, vươn lên thoát nghèo.