Bộ TT&TT hợp tác với WEF xây dựng "sandbox" cho 6 lĩnh vực công nghệ

Xã hội số - Ngày đăng : 16:30, 12/08/2020

Bộ TT&TT sẽ cùng các doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam đề xuất với Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) các khung thử nghiệm chính sách (sandbox) đối với các sản phẩm, giải pháp trong 6 lĩnh vực công nghệ.

Ngày 12/8/2020, Bộ TT&TT đã tổ chức phiên họplần đầu tiênvới các DN công nghệ số về hợp tác với WEF. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chủ trì phiên họp với sự tham dự của nhiều DN công nghệ số Việt Nam.

Bộ TT&TT hợp tác với WEF xây dựng

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chủ trì phiên họp

Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định: DN công nghệ số Việt Nam đã và luôn là những đơn vị đi đầu trong việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng các sản phẩm công nghệ mới vào thực tế. DN công nghệ số là lực lượng dẫn dắt thực hiện chiến lược Make in Vietnam, sáng tạo Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sẽ cùng với Bộ để thực hiện thành công chiến lược phát triển 100.000 DN công nghệ số từ nay đến năm 2030.

Theo ghi nhận của Bộ TT&TT, trong quá trình triển khai, có một số trường hợp khung pháp lý hiện nay chưa thực sự thúc đẩy việc ứng dụng các sản phẩm mới. Với vai trò là cơ quan thúc đẩy chính về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, Bộ TT&TT mong muốn các DN tham gia trong các dự án nghiên cứu, thử nghiệm và sản dựng chính sách cho các sản phẩm từ cuộc CMCN 4.0.

Thứ trưởng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước rất kỳ vọng vào các DN công nghệ số, đổi mới sáng tạo. Chỉ có bằng con đường công nghệ số mới cải thiện được thứ bậc Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam có đầy đủ tiềm năng, khả năng thực hiện. Điều này được minh chứng qua đại dịch Covid-19, các DN công nghệ số của Việt Nam đã thể hiện được sự nhanh nhạy, năng lực, đổi mới, sáng tạo và cung cấp được rất nhiều giải pháp công nghệ số, giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của xã hội được diễn ra bình thường. Đảng, Nhà nước, xã hội đã ghi nhận, đánh giá cao, là khởi đầu đáng khích lệ trong công cuộc đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ số mà các DN công nghệ số hôm nay tiên phong.

"Để đổi mới sáng tạo, các DN rất cần có không gian cho đổi mới sáng tạo. Bộ TT&TT mong muốn DN số cùng suy nghĩ làm thế nào để mở rộng không gian thuận lợi cho đổi mới sáng tạo cùng với sự hợp tác với WEF", Thứ trưởng đề nghị.

Hợp tác thiết thực, hiệu quả với WEF

Được sự chấp thuận của Chính phủ, Bộ TT&TT đang hợp tác với WEF xây dựng Trung tâm liên kết cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) Việt Nam. Trung tâm là đầu mối quốc gia trong việc hợp tác với WEF và mạng lưới Trung tâm CMCN 4.0 của WEF trên toàn cầu để nghiên cứu, thử nghiệm và xây dựng các khung chính sách cho các công nghệ mới, các mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc CMCN 4.0.

Các lĩnh vực công nghệ mới dự kiến được nghiên cứu trong phạm vi hợp tác gồm: (1) Trí tuệ nhân tạo và học máy; (2) Thiết bị bay không người lái và hàng không tương lai; (3) Chuỗi khối và các ứng dụng; (4) Internet kết nối vạn vật; (5) Thiết bị tự hành và di động; (6) Dữ liệu và quản trị dữ liệu. Đây là cơ hội cho các DN công nghệ số Việt Nam nắm bắt, đi cùng với cộng đồng thế giới trong triển khai ứng dụng công nghệ mới.

Ông Hoàng Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT cho biết: Trung tâm CMCN 4.0 của WEF (Centre for the Fourth Industrial Revolution) được thành lập tại San Francisco, Hoa Kỳ vào tháng 4/2017. Trung tâm là một tổ chức kết nối cộng đồng quốc tế theo hình thức đối thoại đa bên và hợp tác cụ thể về cơ hội và thách thức từ các ngành công nghệ cao, vận hành theo mô hình công - tư.

Bộ TT&TT hợp tác với WEF xây dựng

Ông Hoàng Anh Tú giới thiệu về hợp tác của Bộ TT&TT với WEF

Dự án nghiên cứu hợp tác với WEF là các dự án nghiên cứu thử nghiệm các khung chính sách, mô hình thực nghiệm và cách thức quản trị đối với công nghệ mới, các công cụ quản trị để giải quyết các thách thức cụ thể liên quan đến CMCN 4.0.

Hiện nay, WEF và Việt Nam cũng đang hợp tác trên rất nhiều lĩnh vực với nhiều dự án đang được triển khai tại Việt Nam như trong ngành công nghiệp thực phẩm, với bài toán làm thế nào để nâng cao chất lượng cho các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam. Hai bên cũng hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp gia tăng dòng tài chính đổ vào lĩnh vực này tại Việt Nam.

Tại phiên họp, đại diện của Viettel cho biết: Đặc trưng WEF là tổ chức độc lập, đưa ra kiến nghị khách quan vì tổng hợp kinh nghiệm triển khai từ nhiều nước và được điều chỉnh lại bởi rất nhiều chuyên gia hàng đầu trên thế giới nên tiếng nói có trọng lượng.

Tiếng nói của WEF đối với các nước rất có trọng lượng bởi Trung tâm WEF nghe ý kiến nhiều chiều từ các DN, hiệp hội… Trung tâm AI của WEF không chỉ đưa ra các khuyến nghị để đó mà theo sát bên triển khai đến cùng trên thực tế. Chuyên gia của Trung tâm cởi mở, lắng nghe ý kiến nhiều chiều, không chỉ từ cơ quan chính phủ, mà còn lắng nghe các ý kiến từ các DN, hiệp hội bởi mỗi vai trò các bên đưa ra các kiến nghị khác nhau theo đó, sản phẩm của WEF là công bằng, khách quan, thực tế.

Về mặt chính sách, quan điểm trung tâm WEF là tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển. Trong quá trình làm việc với WEF, xuất phát từ dự án mobile money của Viettel đã gợi mở ra hướng đi cho nhiều dự án mới mà tưởng như không làm được như dự án thanh toán xuyên biên giới.

Bộ TT&TT hợp tác với WEF xây dựng

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa giới thiệu các trường hợp điển hình hợp tác với WEF

Lấy ví dụ điển hình thực tiễn về xây dựng chính sách cho máy bay không người lái ở Rwanda, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT cho biết: Hợp tác với WEF, Rwanda đã xây dựng được các quy định để mở ra tiềm năng cho máy bay không người lái trong lĩnh vực dữ liệu, chuyển phát và vận tải. Cụ thể, tháng 9/2017, chính phủ Rwanda đã hợp tác với WEF để cùng xây dựng các quy định máy bay không người lái. Tháng 1/2018, nội các Rwanda thông qua quy định mới này. Tháng 6/2018, mạng lưới các nhà đầu tư máy bay không người lái được công bố. Tháng 9/2019, quy định này tiếp tục được cập nhật.

Đề xuất xây dựng sandbox cho thiết bị IoT

Một trong những đề xuất hợp tác ban đầu được đưa ra tại phiên họp là hợp tác để đề xuất xây dựng chính sách "sandbox" cho các thiết bị IoT.

Bộ TT&TT hợp tác với WEF xây dựng

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Sao Bắc Đẩu đề xuất: Dự án nghiên cứu đề xuất chính sách về hệ thống quan trắc môi trường bằng công nghệ IoT

Cụ thể, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Sao Bắc Đẩu đề xuất dự án nghiên cứu đề xuất chính sách về hệ thống quan trắc môi trường bằng công nghệ Internet vạn vật (IoT) cùng với một số đơn vị công nghệ tham gia dự án.

Theo phân tích của ông Tuấn Anh, tại Việt Nam hiện nay, việc sử dụng các công nghệ mới vào công tác bảo vệ môi trường nói chung còn hạn chế, đặc biệt là sử dụng công nghệ IoT vào hoạt động quan trắc môi trường nước mặt và môi trường không khí.

Cho đến nay, Việt Nam đã cơ bản hình thành hệ thống giám sát môi trường trên quy mô toàn quốc, bao gồm các trạm vùng trên đất liền, các trạm vùng trên biển, các trạm chuyên đề và các phòng thí nghiệm phân tích môi trường. Tại Điều 12 và Điều 13 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định về yêu cầu quan trắc môi trường nước mặt và không khí xung quanh, để quản lý chất lượng môi trường hiệu quả, cần thiết phải sử dụng thiết bị quan trắc tự động liên tục.

Tuy nhiên, hiện tại, Chính phủ chưa có quy định pháp lý về yêu cầu kỹ thuật cho thiết bị này, mà chỉ có quy định cho thiết bị quan trắc tự động liên tục trong lĩnh vực quan trắc nước thải và khí thải tại Thông tư số 24/2017/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&TM) ngày 01/9/2017.

Trong khi đó, ông Tuấn Anh cho biết: Những năm gần đây, nhờ sự phát triển của công nghệ IoT trên thế giới, việc ứng dụng công nghệ IoT vào lĩnh vực bảo vệ môi môi trường là khá phổ biến. Do vậy, cần phải thảo gỡ các vướng mắc về chính sách hiện hành để thúc đẩy ứng dụng công nghệ IoT trong lĩnh vực quan trắc môi trường tại Việt Nam.

Việc chậm ứng dụng các giải pháp IoT vào quan trắc môi trường, theo ông Tuấn Anh, không những làm tăng chi phí bảo vệ môi trường, tăng chi phí đầu tư cho các dự án xây dựng thành phố thông minh, mà còn hạn chế tiến trình chuyển đổi số của quốc gia.

Để giải quyết vấn đề trên, Dự án sẽ nghiên cứu đề xuất các chính sách để tháo gỡ những rào cản về kỹ thuật và pháp lý đối với việc triển khai hệ thống quan trắc môi trường (môi trường nước, không khí) bằng công nghệ IoT, góp phần giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường ở các khu đô thị, khu công nghiệp, nuôi trồng thủy sản bằng giải pháp công nghệ của CMCN 4.0.

Mục tiêu của dự án là đề xuất căn cứ xây dựng một Thông tư liên Bộ (Bộ TN&MT và Bộ TT&TT) để đưa ra các hướng dẫn về tiêu chuẩn kỹ thuật, qui trình triển khai và vận hành bảo dưỡng các trạm quan trắc môi trường bằng công nghệ IoT.

Cũng về công nghệ IoT, ông Nguyễn Hải Anh, Phó TGĐ VNPT-IT cho biết: VNPT vừa nhận chứng chỉ quốc tế oneM2M - Chứng chỉ toàn cầu dành cho giải pháp công nghệ VNPT IoT Platform vào ngày 30/7. Trong quá trình triển khai, VNPT nhận thấy cũng còn nhiều vấn đề như hành lang pháp lý, khuôn khổ đánh giá về an toàn thông tin trong triển khai thực tiễn tại Việt Nam.

Lan Phương