Làm gì để Xuất bản Việt Nam mang tầm vóc thế giới?

Truyền thông - Ngày đăng : 15:24, 12/08/2020

Những năm qua, Xuất bản Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới và đẩy mạnh hội nhập quốc tế với phương châm “đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Việt Nam sẵn sàng là bạn của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển”.

Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong hội nhập quốc tế

Để xuất bản Việt Nam chủ động hơn nữa trong hội nhập quốc tế, Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa những chương trình phát triển ngành xuất bản lồng ghép với Chương trình phát triển hoặc Chương trình Mục tiêu quốc gia của ngành văn hóa, ngành thông tin và truyền thông, tạo ra một hợp lực mạnh mẽ mà sách báo là một yếu tố thiết yếu, bên cạnh các sản phẩm văn hóa khác như phim ảnh, nghệ thuật, du lịch… góp phần bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đồng thời quảng bá văn hóa Việt Nam ra quốc tế.

Làm gì để Xuất bản Việt Nam mang tầm vóc thế giới? - Ảnh 1.

Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT thăm gian hàng sách quốc tế ở Hội sách Hà Nội 2019

Bên cạnh đó cũng cần phổ biến cho đối tác nước ngoài những hiểu biết cần thiết về hệ thống pháp luật của Việt Nam. Việc xây dựng bản sắc cho nền xuất bản Việt Nam chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở kết hợp giữa kinh nghiệm của các nước tiên tiến với hoàn cảnh, đặc điểm cụ thể của Việt Nam . Một bản sắc như vậy cần phải thể hiện ở tất cả các phương diện của xuất bản, ở cấu trúc, cơ chế vận hành của ngành Xuất bản và trong sản phẩm cụ thể của các nhà xuất bản (NXB).

Nhà nước cần tăng cường năng lực cho cơ quan quản lý nhà nước về CNTT; đầu tư trang thiết bị hiện đại, độ bảo mật thông tin cao để không bị hacker, các tổ chức phản động từ nước ngoài tấn công; cần có biên chế và hành lang pháp lý nhằm khống chế, kiểm soát việc xuất bản sách lậu và phát hành sách trên mạng điện tử.

Xây dựng một Trung tâm Thông tin - Dữ liệu về Xuất bản mang tầm vóc quốc gia

Trong xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng, chúng ta cũng nên có giải pháp thành lập một NXB chuyên về sách điện tử để phục vụ thị trường trong nước và thị trường ngoài nước - nhất là đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Để hội nhập quốc tế thành công, ngành xuất bản nước ta cần xây dựng một Trung tâm Thông tin - Dữ liệu về Xuất bản mang tầm vóc quốc gia đủ năng lực về CNTT và nguồn nhân lực để cung cấp thông tin nhanh và toàn diện về hoạt động xuất bản của khu vực và thế giới.

Trung tâm đó cần thu thập đầy đủ dữ liệu về thư tịch xuất bản ở Việt Nam (kể cả thư tịch cổ), cập nhật thông tin kịp thời về hoạt động của ngành xuất bản, nhằm mục đích phục vụ nghiên cứu, cung cấp thông tin cho việc hoạch định chính sách ngành và cung cấp thông tin cho những ai quan tâm.

Như vậy, Trung tâm sẽ phải thu thập, lưu trữ thông tin - dữ liệu từ hai phía: Nền xuất bản Việt Nam và nền xuất bản của các nước có chọn lọc, với trọng tâm là nền xuất bản của một số nước phát triển trên thế giới và trong khu vực châu Á, Đông Nam Á.

Mặt khác, Trung tâm Thông tin - Dữ liệu này còn có nhiệm vụ dự báo xu hướng phát triển của ngành xuất bản thế giới, nhằm giúp cho cơ quan quản lý xuất bản ở Việt Nam có cơ sở hoạch định chính sách phát triển ngành một cách phù hợp. Nếu chúng ta không có đầy đủ thông tin về xuất bản của thế giới thì khó có thể bắt kịp được với tốc độ phát triển của các nền xuất bản khác và rất khó tham gia một cách suôn sẻ quá trình hội nhập quốc tế hết sức sôi động này.

Đồng thời, Trung tâm này có thể thực hiện trao đổi thông tin - dữ liệu với các đối tác nước ngoài khi có yêu cầu. Đây là một nhu cầu thực tế mà các nước thành viên Hiệp hội Xuất bản châu Á - Thái Bình Dương (APPA) và Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA) đã đề cập đến nhiều lần tại các phiên họp thường niên. Các nước trong hai Hiệp hội đều rất muốn xây dựng nên một Mạng thông tin số (Digital Network) cho toàn khu vực mà thành viên là các Trung tâm Thông tin - Dữ liệu của từng quốc gia.

Xây dựng Hội chợ Sách quốc gia có tầm cỡ, tương xứng với vị thế của Việt Nam trong khu vực

Nhà nước cần xem xét và phân bổ một khoản kinh phí thích đáng hàng năm cho việc hỗ trợ này nhằm thực hiện các đơn đặt hàng được giao, đồng thời tìm kiếm thêm các nguồn tài trợ khác từ xã hội, cộng đồng. Có thể đề xuất một số chương trình cụ thể sau: Chương trình dịch ra các ngôn ngữ phổ biến (nhất là tiếng Anh) các tác phẩm có giá trị của Việt Nam từ cổ chí kim. Ví dụ, các tác phẩm sử học, văn học cổ điển, hiện đại, các công trình nghiên cứu về khoa học xã hội nhân văn như công trình của các tác giả đoạt giải - Chương trình dịch ra tiếng Việt các tác phẩm có giá trị tiêu biểu của nhân loại, được chọn lọc từ các quốc gia và ngôn ngữ khác nhau.

Công việc này rất cần thiết và đặc biệt có giá trị, nếu chúng ta muốn nâng cao trình độ dân trí và xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chúng ta chỉ có thể làm tốt các nhiệm vụ này trên cơ sở khảo sát, tiếp thu, học hỏi tri thức của nhân loại đã hình thành nên từ hàng ngàn năm nay. Tất nhiên, trọng tâm phải là các tác phẩm có giá trị cao phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới đất nước.

Xây dựng chương trình hợp tác dịch thuật (co - publishing) với các đối tác nước ngoài. Chương trình này khác với chương trình trên chỗ, nó sẽ bao gồm cả đối tác nước ngoài trên cơ sở cùng đầu cùng phát hành và "có đi có lại" (chọn tác phẩm để dịch của cả hai nước). Việc hỗ trợ dịch thuật sẽ giúp điều chỉnh hợp lý tỷ lệ quan giữa sách của Việt Nam dịch ra tiếng nước ngoài và sách của nước ngoài dịch ra tiếng Việt nhằm khắc phục tình trạng mất cân bằng khi tỷ lệ đó nghiêng nhiều về mảng sách nước ngoài dịch ra tiếng Việt, như ta thấy ở thị trường sách hiện tại ở Việt Nam.

Mặt khác, mỗi nước có thể cung cấp cho nhau danh mục những tác phẩm tiêu biểu của mình theo những tiêu chí phù hợp, tránh việc chọn dịch khá tùy tiện, thiếu chọn lọc như hiện nay ở nước ta. Đặc biệt, cần nâng cao tính chất quốc tế của Hội chợ sách Việt Nam. Cho đến nay, chúng ta mới có Hội chợ - Triển lãm Sách là chính - đúng như với tên gọi mà chưa có một Hội chợ Sách quốc gia có tầm cỡ, tương xứng với vị thế của Việt Nam trong khu vực.

Trong những năm qua, các Hội chợ - Triển lãm Sách ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã phát huy tác dụng to lớn trong hoạt động của ngành, tạo ra hiệu quả không thể phủ nhận đối với văn hóa đọc của toàn xã hội. Những hoạt động văn hóa ý nghĩa này được công chúng nhiệt liệt đón nhận và hưởng ứng, đang dần trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa hiện nay.

Làm gì để Xuất bản Việt Nam mang tầm vóc thế giới? - Ảnh 2.

Lãnh đạo Bộ TT&TT chụp ảnh lưu niệm với bạn bè quốc tế tại Hội sách Hà Nội 2019

Để theo kịp với xu hướng phát triển của thế giới, phục vụ đắc lực cho quá trình hội nhập quốc tế, trước hết, chúng ta cần xây dựng cơ sở vật chất tương xứng cho Hội chợ Sách Việt Nam thực sự, trước hết cần phải quy hoạch một Trung tâm Hội chợ - Triển lãm có mặt bằng rộng rãi, khang trang, không nhất thiết phải xây dựng riêng mặt bằng cho Hội chợ sách như ở Frankfurt (Cộng hòa Liên bang Đức) mà ngành xuất bản có thể sử dụng những mặt bằng dành cho hoạt động triển lãm lớn của quốc gia theo một kế hoạch ổn định nhiều năm .

Mặt khác, cần nâng cao tính chuyên nghiệp của Hội chợ Sách. Muốn vậy, chúng ta phải lựa chọn xây dựng một và chỉ một Hội chợ Sách quốc gia Việt Nam mà thôi. Còn các Hội chợ Sách khác có thể mang tính vùng miền, mang tính chuyên đề và vẫn có thể mời các đối tác quốc tế tham gia. Có tập trung như vậy thì chúng ta mới xây dựng được thương hiệu cho ngành Xuất bản Việt Nam nói riêng và cho đất nước Việt Nam nói chung trong quá trình hội nhập quốc tế.

Cần phải có bộ máy chuyên nghiệp làm việc cho Hội chợ sách quốc gia, có trình độ năng lực tổ chức sự kiện, có khả năng ngoại ngữ để giao dịch quốc tế, có cập nhật thông tin kịp thời về phương thức tổ chức hội chợ sách.

Cần có chiến lược quảng bá thương hiệu Hội chợ Sách Việt Nam mạnh mẽ hơn nữa bằng các phương tiện thông tin đại chúng . Cần xây dựng và sớm đưa vào hoạt động trang thông tin điện tử về Hội chợ sách Việt Nam. Có thể phối hợp, tận dụng cơ sở hạ tầng của Trung tâm thông tin - Dữ liệu như đã đề cập ở trên. Trước mắt, nên nhằm vào các nước láng giềng và trong khu vực Đông Nam Á hay Đông Á.

Đồng thời, chúng ta phải tận dụng các Hội chợ Sách quốc tế lớn khác để quảng bá cho ngành Xuất bản Việt Nam; chú trọng mở rộng quan hệ với những thị trường mới, đối tác mới; coi trọng hoạt động marketing nhằm quảng bá, trao đổi, giao dịch bản quyền với các đối tác nước ngoài có nhu cầu tìm hiểu về đất nước, con người Việt Nam.

Mặt khác, cần tăng cường hợp tác với nhiều thư viện quốc gia của các nước, những trường đại học có các khoa châu Á học, Đông Nam Á học; Việt Nam học; các viện nghiên cứu, các tổ chức hữu nghị có quan hệ với Việt Nam và các cơ sở phát hành sách nước ngoài.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc mua bán bản quyền giữa các nước diễn ra sôi nổi. Tuy nhiên, với đa số người dân Việt Nam, Cụm từ "sách bản quyền" dường như còn quá xa lạ. Bởi trên thực tế Có rất ít người quan tâm hoặc hiểu đúng thế nào là sách có bản quyền, tại sao lại phải đọc sách có bản quyền.

Thời gian qua, một số NXB nước ngoài đã không ít lần lên tiếng "cảnh cáo" Việt Nam, nếu cứ với tình trạng sách in lậu lan tràn hiện nay thì họ sẽ không bán bản quyền cho Việt Nam nữa.

Do đó, muốn hội nhập với thế giới, những người làm xuất bản cần tôn trọng, thực thi đúng cam kết về bản quyền nhằm đem đến những cuốn sách tốt nhất cho độc giả Việt Nam và xây dựng nhiều nhà sách có bản quyền hơn nữa nhằm khuyến khích người dân đến với sách có bản quyền.

T.H