Nhật Bản xuất bản sách về biển đảo Hoàng Sa - Trường Sa

Sách và cuộc sống - Ngày đăng : 16:21, 11/08/2020

Cuốn sách “Hoàng Sa-Trường Sa: Luận cứ và Sự kiện” khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam đã được Giáo sư Kazutaka Hashimoto của Đại học Kanto (Nhật Bản) dịch sang tiếng Nhật và phát hành rộng rãi tại nước này.

Cuốn sách "Hoàng Sa-Trường Sa: Luận cứ và Sự kiện" của tác giả Đinh Kim Phúc được Nhà xuất bản Thời Đại phát hành năm 2012 gồm 263 trang là công trình nghiên cứu tổng hợp, cung cấp khá đầy đủ chứng cứ lịch sử, cơ sở pháp lý quốc tế để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cuốn sách gồm 4 phần, trình bày bối cảnh và tình hình tranh chấp Biển Đông, những chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, các lập luận phản bác yêu sách chủ quyền phi lý, giải pháp cho vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông và phần phụ lục tập hợp các bài phỏng vấn nhiều tác giả trong và ngoài nước.

Nhật Bản xuất bản sách về biển đảo Hoàng sa - Trường sa - Ảnh 1.

Bản dịch tiếng Nhật cuốn sách Hoàng Sa-Trường Sa: Luận cứ và Sự kiện

Quyển sách cung cấp một số thông tin cơ bản về vấn đề chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa: vấn đề tên gọi trên biển Đông, vị trí địa lý - chính trị trên biển Đông, các giải pháp vấn đề biển Đông cho Hoàng Sa và Trường Sa khẳng định lãnh thổ, giới hạn đối với các nước láng giềng.

Khác biệt với các công trình nghiên cứu về lịch sử - chủ quyền khác, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc còn dẫn ra Tuyên cáo Cairo và Tuyên ngôn Potsdam mà Trung Quốc bám vào để khăng khăng mộng tưởng về chủ quyền của mình ở Biển Đông.

Trong thế giới hiện đại, Hoàng Sa và Trường Sa từng bị Nhật, Pháp chiếm đóng khi xâm lược Việt Nam. Do đó, khi kết thúc quá trình bảo hộ, các hiệp định được ký kết. Nhà nghiên cứu Nguyễn Kim Phúc khẳng định: "Bản Tuyên cáo Cairo và Tuyên ngôn Potsdam hoàn toàn không đề cập tới vấn đề hoàn trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Nhật Bản đã chiếm đóng vào đầu Chiến tranh Thế giới thứ hai…chúng ta có thể hiểu rằng các nhà lãnh đạo Tam cường đã không công nhận hai quần đảo này thuộc lãnh thổ Trung Quốc".

Đặt trong bối cảnh hiện nay, tác giả nhấn mạnh các mối quan hệ tranh chấp cần phân biệt: tranh chấp song phương giữa Việt Nam - Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa; tranh chấp đa phương trên quần đảo Trường Sa và yêu sách đường lưỡi bò chiếm đến 80% diện tích Biển Đông hòng độc chiếm Biển Đông, từ đó mới xác định được nội dung và lộ trình cho các biện pháp đấu tranh...

Bản dịch tiếng Nhật của cuốn sách "Hoàng Sa-Trường Sa: Luận cứ và Sự kiện" đã được nhiều nhà xuất bản của Nhật Bản như P.S Vista phát hành rộng rãi và đã được một số viện nghiên cứu, trường đại học, chuyên gia Nhật Bản giới thiệu làm tài liệu tham khảo, góp phần truyền tải thông điệp khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế nói chung và Nhật Bản nói riêng.

Giáo sư Hashimoto - người dịch cuốn sách sang tiếng Nhật tốt nghiệp Tiến sỹ tại Đại học Nagoya, hiện là người đứng đầu các chương trình đào tạo xã hội học và đang giảng dạy tại Khoa Xã hội học Ứng dụng của Đại học Kanto Gakuin.

Năm 1999, ông là giảng viên thỉnh giảng tại Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia tại Hà Nội, Việt Nam. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách và bài viết nghiên cứu xã hội học về xã hội Nhật Bản và Việt Nam.

T.H