Ngành game “trải thảm đỏ” mời chào nhân lực
Quốc tế - Ngày đăng : 16:13, 11/08/2020
Với sự tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ, ngành game đang trải thảm đỏ mời gọi nhân lực, đặc biệt là lập trình và thiết kế game.
Nghề hot mới
Tại “kỳ lân công nghệ” VNG có một bộ phận đào tạo và phát triển thực hiện chương trình VNG Tech Fresher, Game Development Fresher. Các chương trình này sẽ đào tạo, sàng lọc, lựa chọn cho VNG các lập trình viên, thiết kế game trong tương lai.
Còn tại Trường đại học Anh quốc Việt Nam (British University Vietnam - BUV), bắt đầu từ năm 2020, khoa thiết kế và lập trình game học theo chương trình đào tạo và cấp bằng chính thức của Đại học Staffordshire (Vương quốc Anh) đã trở thành chuyên ngành đào tạo mũi nhọn.
Những câu chuyện này cho thấy, nhu cầu nhân lực ngành game đang rất bức xúc và cũng là cơ hội lớn cho nhân lực ngành công nghệ thông tin.
Việt Nam hiện mới chỉ có khoảng 500 kỹ sư làm việc ở mảng game. Trong khi đó, theo báo cáo từ Appota, năm 2019, cả nước có khoảng 50 triệu người chơi game, tổng doanh thu ước đạt 500 triệu USD. Còn theo dự báo của ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc điều hành VNG, trong 5-10 năm tới, doanh thu ngành game sẽ đạt mốc 1 tỷ USD.
Ước tính, nhân sự phục vụ cho ngành game sẽ khoảng 23.000 - 28.000 người, bao gồm cả full-time, part-time, freelancer...
“Thậm chí, tôi cho rằng, phát triển game nên được xây dựng thành ngành công nghiệp mũi nhọn ở Việt Nam, điều mà rất phổ biến ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Trung Quốc. Về mặt kinh tế, giá trị xuất khẩu một tựa game mang lại tương đương với giá trị xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam trong một năm”, ông Nguyễn Vũ Tiến, phụ trách phát triển sản phẩm tại VNG Game Studio North nhận định.
Sự tăng trưởng nhanh chóng khiến ngành thiết kế và lập trình game trở thành cơ hội cho những bạn trẻ yêu thích game và mong muốn có thể sống bằng đam mê của mình.
Lương cao, việc nhàn?
Trong danh mục tuyển dụng lương cao tại Việt Nam hiện nay thì lập trình viên ngành game đang đứng top đầu. Song dù trả lương cao nhưng không dễ tuyển.
Theo goodcv.vn, lập trình, thiết kế game thuộc top những ngành có thu nhập cao nhất trong khối kỹ thuật hiện nay, cho dù là người chỉ mới ra trường chưa có kinh nghiệm. Ở Mỹ, trung bình một nhà thiết kế game nhận mức lương 64.800 USD/năm (khoảng 1,5 tỷ đồng). Còn ở Nhật, mức lương trung bình của một nhà thiết kế game là 4.842.497 yên/năm (khoảng 1 tỷ đồng).
Ở Việt Nam, lương khởi điểm cho lập trình game, thiết kế game có thể dao động từ 10 - 15 triệu đồng/tháng, đối với nhân sự có kinh nghiệm sẽ có mức thu nhập từ 20 - 35 triệu đồng/tháng. Bên cạnh mức lương chính thức, lập trình viên, nhà thiết kế game có thể được nhận phụ cấp, hoa hồng cho mỗi dự án thành công. Nhìn chung, tổng thu nhập phụ thuộc vào hiệu suất công việc.
Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Newzoo, doanh thu ngành game (không bao gồm quảng cáo trong game) năm 2020 dự kiến đạt gần 160 tỷ USD, trong đó game mobile đạt 77,2 tỷ USD, tăng 13,3%; mảng Console (máy chơi game) đạt 45,2 tỷ USD, tăng 6,8%; game trên PC đạt khoảng 36,9 tỷ USD, tăng 4,8%.
Các lập trình viên game và nhà thiết kế hiện nay không chỉ là các kỹ sư ngồi một mình viết core nữa, mà họ phải trở thành một nhóm để thiết kế các game giải trí, đấu trí, thu hút người dùng. Họ đóng vai trò quan trọng hàng đầu để tạo ra các game mới, có khả năng điều phối, xử lý các nhiệm vụ phức tạp. Họ lên ý tưởng, thiết kế nhân vật, cấp độ, nhiệm vụ, hiệu ứng... Họ phải biết cách lập trình bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, quản lý dự án và thử nghiệm game.
“Gần đây, thị trường game ở Việt Nam phát triển rất nhanh, đặt ra nhu cầu lớn về nhân sự có trình độ và kỹ năng. Nếu theo học các ngành lập trình, khoa học máy tính… có định hướng thiết kế game, bạn gần như không phải lo lắng nhiều về việc làm sau khi ra trường.
Bạn có thể xin vào các công ty game, các công ty phần mềm, thiết kế và bắt đầu phát triển sự nghiệp của mình ở đó. Với môi trường sáng tạo và chuyên nghiệp, bạn sẽ có nhiều cơ hội để trưởng thành trong tương lai. Nhiều người sau một thời gian đi làm và tích lũy kinh nghiệm có thể tự lập công ty, nghiên cứu và phát triển công ty game của riêng mình”, đại diện goodcv.vn cho biết.
Lĩnh vực game đang rộng cửa cho tất cả sinh viên các ngành khác, tại VNG là một ví dụ khi tuyển dụng cả sinh viên chuyên ngành kinh tế.
“Game Designer là một vị trí mà rất nhiều người hiểu lầm công việc chính là ngồi vẽ các khối hình trong game. Nhưng bản chất của vị trí này là xây dựng nội dung cho game, đưa ra các giải pháp để giải quyết vấn đề mà người chơi gặp phải để họ luôn cảm thấy sự thú vị của game, không nhàm chán và đồng thời tạo ra những khoảnh khắc đặc trưng trong game mà người chơi sẽ nhớ mãi. Mọi người có thể hình dung là chúng ta đang điều hành một nền kinh tế trong game. Đây chính là lý do vì sao công việc này mặc dù nghe thì có vẻ không liên quan đến kinh tế, nhưng trên thực tế tại VNG, hay cụ thể là tại team GSN, rất nhiều bạn có background kinh tế đang đảm nhiệm rất tốt”, ông Nguyễn Vũ Tiến cho biết.
“Không nhất thiết phải chơi game giỏi mới có thể làm game. Quan trọng là các bạn phải có tư duy nhanh nhạy, niềm yêu thích cái mới, sau đó là sự hiểu biết nhất định về sản phẩm”, bà Trang Vũ, Giám đốc vận hành Gamota nói.