Hiểu đúng về cách mạng công nghiệp 4.0
Xã hội số - Ngày đăng : 10:35, 06/08/2020
Ảnh minh họa [1]
Không có một định nghĩa thống nhất cho cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). Tuy nhiên, các văn bản thường hay trích diễn giải của Klaus Schwab, người sáng lập và là chủ tịch diễn đàn kinh tế thế giới, trong 1 bài viết về CMCN 4.0 vào năm 2016 như dưới đây:
"Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và CNTT để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp Thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học".
Diễn giải này cho 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước thì khá rõ ràng, nhưng phần giải thích về CMCN 4.0 lại rất khó hiểu.
Tóm tắt 4 cuộc cách mạng công nghiệp. [3]
Mọi ngả dường đều dẫn đến nước Đức
Thuật ngữ "Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" đã được đề cập vài lần trong giới học thuật trong 75 năm qua. Nhưng khái niệm Công nghiệp 4.0 hay nhà máy thông minh thì mới lần đầu tiên được đưa ra tại Hội chợ công nghiệp Hannover tại Cộng hòa Liên bang Đức vào năm 2011.
Năm 2013, từ khóa mới là "Công nghiệp 4.0" (Industrie 4.0) bắt đầu được sử dụng rộng rãi từ một báo cáo của chính phủ Đức sử dụng cụm từ này nhằm đề cập tới chiến lược công nghệ cao, điện toán hóa ngành sản xuất mà không cần sự tham gia của con người.
Tham khảo tài liệu của Đức, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là khi con người, máy móc và sản phẩm được liên kết trực tiếp với nhau. Lấy ví dụ, một nhà máy sản xuất quần bò LEVI"S đã sử dụng điện tử và CNTT để tự động hóa sản xuất (công nghiệp 3.0). Tuy nhiên, nhà máy này vẫn chỉ sản xuất ra một vài mầu sắc, mẫu mã và kích thước có sẵn. Sản phẩm sau đó, sẽ được phân phối tới các siêu thị, cửa hàng bán lẻ cho khách hàng chọn lựa. Một số mẫu được khách hàng ưa chuộng thì hết veo, số khác thì ế ẩm trên kệ.
Công nghiệp 4.0 làm được gì ở đây? Công nghiệp 4.0 cho phép khách hàng gửi số đo, mầu sắc ưa thích tới nhà máy và sản phẩm khi làm ra đều đã có chủ, theo nhu cầu cá nhân. Chả phải nam thanh, nữ tú người Việt ta vẫn phải cắt ngắn ống quần bò khi mua về sao, chưa kể người thì bụng to, người thì mông lép,… Với công nghiệp 4.0, bạn không cần lo nữa.
Liên kết con người, máy móc và sản phẩm
Với các sản phẩm thông minh hơn, ví dụ như ô-tô, hay thang máy chẳng hạn, thiết bị có thể gửi thông tin về nhà sản xuất để báo cho khách hàng lịch bảo dưỡng, thay thế phù hợp; thói quen người sử dụng như thế nào để nhà máy sản xuất có thể tối ưu hóa, điều chỉnh cho sản phẩm thế hệ sau. Các công nghệ Big-Data, trí tuệ nhận tạo, Internet vạn vật (IoT),… tha hồ có đất sống ở đây.
Ý nghĩa của việc con người, máy móc và sản phẩm được liên kết trực tiếp với nhau nên được hiểu nôn na là như vậy.
Tới đây, các bạn có thể thấy rằng, có quá nhiều thứ thuộc 3.0 nhưng chúng ta lại ngộ nhận là 4.0 (ví dụ: máy tính, tự động hóa), và liệu có thứ gì không liên quan đến công nghiệp 4.0 nhưng cũng bị lôi vào không? Mời các bạn tiếp tục theo dõi loạt bài về CMCN 4.0.
Tài liệu tham khảo
[1]. The Fourth Industrial Revolution: what it means, how to respond, Klaus Schwab, 2016, https://www.weforum.org/agenda/2016/01/the-fourth-industrial-revolution-what-it-means-and-how-to-respond/
[2]. Was ist Industrie 4.0?, https://www.plattform-i40.de/PI40/Navigation/DE/Industrie40/WasIndustrie40/was-ist-industrie-40.html
[3]. https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B4ng_nghi%E1%BB%87p_4.0 và các tài liệu liên kết.
[4]. Cách Mạng Công Nghiệp 4.0 Những Điều Bạn Chưa Biết,
https://zingnews.vn/cach-mang-cong-nghiep-40-la-gi-post750267.html
[5]. Cách mạng công nghiệp 4.0 là gì? - https://zingnews.vn/cach-mang-cong-nghiep-40-la-gi-post750267.html