Từng bước tháo gỡ khó khăn cho DN ICT, báo chí, xuất bản

Make in Viet Nam - Ngày đăng : 15:04, 05/08/2020

Tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước TT&TT tháng 8/2020, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo thành lập tổ công tác do Bộ trưởng đứng đầu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) ICT, khối báo chí, xuất bản.

Một số kết quả hoạt động của DN TT&TT trong 7 tháng đầu năm

Theo báo cáo của Bộ TT&TT, sau giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, từ đầu tháng 5 đến nay, các doanh nghiệp (DN) bưu chính đã có những khởi sắc trong hoạt động cung cấp dịch vụ, đặc biệt là các DN bưu chính chuyên chuyển phát gói, kiện hàng hóa cho TMĐT.

Tính đến hết tháng 7, số DN, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bưu chính được cấp phép, xác nhận thông báo là là 505, tăng 37 DN so với cuối năm 2019. Doanh thu bưu chính chuyển phát 7 tháng đầu năm 2020 ước đạt 18,8 nghìn tỷ đồng (tăng 19,7% so với cùng kỳ 2019), riêng trong tháng 7/2020 ước tính đạt 2,7 nghìn tỷ đồng.

Bộ TT&TT lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho DN ICT, báo chí, xuất bản - Ảnh 1.

Lĩnh vực viễn thông, tính đến tháng 6/2020, dịch vụ viễn thông có xu hướng giảm nhẹ. Tổng doanh thu dịch vụ viễn thông lũy kế đến tháng 6/2020 đạt xấp xỉ 63.000 tỷ, giảm 1,21% so với cùng kỳ 2019. Doanh thu tính riêng của tháng 6/2020 đạt 10,26 nghìn, giảm nhẹ so với tháng trước (10,27 nghìn tỷ) và cùng kỳ 2019 (10,32 nghìn tỷ).

Trong bối cảnh nhiều lĩnh vực của nền kinh tế đang suy giảm, lĩnh vực công nghiệp ICT tiếp tục giữ vững được sự tăng trưởng dù giá trị khiêm tốn. Tổng doanh thu công nghiệp CNTT, công nghiệp điện tử, viễn thông (Nội địa, FDI) ước tính 58 tỷ USD tăng trưởng 2,7% so với cùng kỳ trong đó doanh thu từ khối FDI đạt 55 tỷ chiếm tỷ lệ 95% tổng doanh thu.

Mặc dù dịch Covid-19 ngày càng lan nhanh trên thế giới, tiếp tục gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam song xuất khẩu phần cứng, điện tử vẫn tăng trưởng. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 7/2020, giá trị xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt khoảng 50 tỷ USD tăng 5% trong đó giá trị xuất khẩu điện thoại và linh kiện ước đạt 25,7 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước; giá trị xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện ước đạt 23,1 tỷ USD, tăng 24,3%.

Tính đến cuối tháng 7/2020, số lượng DN CNTT, điện tử viễn thông (Nội địa, FDI) ước tính 46.000 DN, trong đó gồm 670 DN FDI chiếm tỷ lệ 1,6%.

Nhiều hoạt động hỗ trợ DN và sản phẩm CNTT

Để hỗ trợ DN và sản phẩm CNTT, tháng 7/2020, Bộ triển khai công tác tổ chức Giải thưởng "Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam" năm 2020: ban hành Quyết định thành lập Ban tổ chức Giải thưởng và Quy chế Giải thưởng. Đồng thời tổng hợp một số ứng dụng công nghệ số của DN Việt Nam trên website Make in Viet Nam.

Bộ cũng đã nghiên cứu giải pháp hỗ trợ DN nội dung số của Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của DN nội dung số có vốn đầu tư nước ngoài.

Nghiên cứu để xây dựng chính sách phát triển cũng có ý nghĩa quan trọng hỗ trợ lĩnh vực DN và sản phẩm CNTT Việt phát triển. Theo báo cáo tháng 7, Bộ đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tổng quan về thiết bị IoT và đang thực hiện phân tích đánh giá kinh nghiệm quản lý thiết bị IoT của một số nước trên thế giới theo ngành, loại triển khai, tiềm năng; Nghiên cứu chính sách, giải pháp mở rộng thị trường chính phủ đối với các sản phẩm phần mềm và nội dung số Việt Nam.

Bộ TT&TT lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho DN ICT, báo chí, xuất bản - Ảnh 2.

Các sản phẩm, dịch vụ ICT ứng dụng AI được DN công nghệ số Việt Nam sản xuất (Ảnh: Mạnh Vỹ)

Bộ cũng đã nghiên cứu phương pháp đánh giá các sản phẩm AI hỗ trợ lựa chọn trong mua sắm công; Đang thực hiện nghiên cứu cơ sở lý luận về tổng quan về AI, giới thiệu các phương pháp đánh giá sản phẩm AI, nghiên cứu và phân tích phương pháp đánh giá khả năng làm việc của các sản phẩm AI, phương pháp đánh giá khả năng làm việc của sản phẩm AI dựa trên học huấn luyện (Supervised Learning), phương pháp đánh giá khả năng làm việc của sản phẩm AI dựa trên Học không có huấn luyện (Unsupervised Learning), phương pháp đánh giá khả năng làm việc của sản phẩm AI dựa trên Học Tăng cường (Reinforcement Learning), xây dựng thử nghiệm bộ dữ liệu mẫu đánh giá độ chính xác của một số sản phẩm AI dựa trên phương pháp đánh giá khả năng làm việc của sản phẩm AI.

Bên cạnh đó, Bộ cũng nghiên cứu đánh giá hệ sinh thái DN phần mềm ở Việt Nam; thực trạng về hệ sinh thái DN nói chung và hệ sinh thái trong lĩnh vực phần mềm nói riêng, nghiên cứu đánh giá hệ sinh thái DN phần mềm ở Việt Nam; Xây dựng cơ sở dữ liệu về DN phần mềm và nội dung số.

Hỗ trợ DN làm chủ thiết bị 5G

Theo kế hoạch công tác tháng 8, Bộ TT&TT sẽ đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 14/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy phát triển DN công nghệ số Việt Nam, trong đó tập trung hỗ trợ, tư vấn các địa phương trong việc xây dựng kế hoạch phát triển DN công nghệ số. Bộ cũng sẽ hỗ trợ, thúc đẩy các DN hoàn thiện và sản xuất thiết bị mạng 5G tại Việt Nam.

Bộ TT&TT lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho DN ICT, báo chí, xuất bản - Ảnh 3.

VinSmart phát triển thành công smartphone Aris 5G

Về sản xuất thiết bị 5G, tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước TT&TT tháng 8/2020, ngày 4/8, thông tin về chương trình "mỗi người dân 1 smartphone", bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT&TT cho biết: Lần đầu tiên, một tổ công tác đặc biệt do Bộ trưởng Bộ TT&TT thành lập sẽ dẫn dắt, chỉ đạo và hỗ trợ các DN Việt Nam trong đầu tư nghiên cứu, sản xuất các thiết bị 5G theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ TT&TT dành mọi nguồn lực, hỗ trợ tối đa cho các DN trong nghiên cứu phát triển làm chủ công nghệ 5G tại Việt Nam. Sau thời gian tích cực triển khai, kể cả trong lúc dịch Covid có những diễn biến phức tạp, các DN công nghệ của Việt Nam đã có được những thành quả bước đầu trong sản xuất thiết bị 5G. Hiện các DN đang tối ưu hóa, cập nhật firmware để nâng cao sự ổn định của tốc độ tải uống; đồng thời nâng tốc độ uplink cũng như số lượng UE (user equipment) trên mỗi cell. Theo đó, tốc độ tải xuống (download) đang đạt mức ổn định khoảng 500 Mbps, uplink khoảng 10 Mbps và mỗi cell đáp ứng được khoảng 6 UE.

Với những kết quả này, bà Hương cho biết: "Trong đầu tư phát triển 5G, Việt Nam không đi sau so với các nước phát triển".

Cũng Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ sẽ thành lập Tổ công tác do Bộ trưởng đứng đầu để tháo gỡ khó khăn cho DN. Theo đó, Bộ TT&TT sẽ nắm bắt các khó khăn của DN bưu chính viễn thông, CNTT. Bộ TT&TT cũng đã báo cáo Thường trực Chính phủ xin chủ trương hỗ trợ khối báo chí, nhà xuất bản về nguồn lực trước mắt và về lâu dài thông qua đề án hỗ trợ báo chí.

Lan Phương