ASEAN sẽ đóng vai trò trung tâm trong sự lên ngôi của châu Á
Kinh tế số - Ngày đăng : 16:11, 03/08/2020
ASEAN sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc định hình "Thế kỷ châu Á"
Năm 2018, Singapore – một quốc gia Đông Nam Á đã thu hút được sự chú ý của thế giới nhờ thành công của bộ phim Crazy Rich Asians. Người xem đã thấy những chiếc Mercedes-Benz AMG và Ferraris, và tất cả những thứ xa xỉ khác mà người ta có thể mong đợi được nhìn thấy ở London hoặc Paris.
Thật vậy, Singapore đã đưa ra rất nhiều trải nghiệm mà người ta mong đợi được thấy ở các nước phát triển. Không chỉ Singapore, các thành phố thủ đô khác của ASEAN - Jakarta, Kuala Lumpur và Manila cũng đang trở thành trung tâm kinh doanh quan trọng ở châu Á.
Kể từ hiện tượng về một châu Á đang trỗi dậy lần đầu tiên xuất hiện vào đầu thế kỷ 21, người ta chủ yếu chú ý tập trung vào Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, câu chuyện châu Á còn rộng hơn thế. Là một trong những khu vực kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới, ASEAN cũng sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc định hình "Thế kỷ châu Á" và sẵn sàng đóng vai trò hàng đầu trong sự lên ngôi của lục địa.
Thời gian vừa qua, mặc dù các quốc gia thành viên ASEAN bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19, nhưng đặc biệt 3 yếu tố là kiến thức kỹ thuật số, phát triển con người và ổn định chính trị sẽ thúc đẩy sự thịnh vượng của ASEAN.
ASEAN với 300 triệu người dùng Internet, 6 kỳ lân (công ty công nghệ đã đạt mức định giá ít nhất 1 tỷ USD) giúp đưa ASEAN trở thành thị trường trực tuyến phát triển nhanh nhất thế giới.
Lĩnh vực Internet của khu vực ASEAN trị giá hơn 50 tỷ USD và dự kiến sẽ còn tiếp tục phát triển nhanh chóng trong những năm tới. Sự tăng trưởng này trong nền kinh tế số sẽ không chỉ thúc đẩy doanh thu của chính phủ mà còn định hình sự kết nối thị trường giữa các quốc gia ASEAN, tăng cơ hội việc làm và giảm bất bình đẳng.
Ngành thương mại điện tử của ASEAN có thể vượt 88 tỷ USD vào năm 2025. (Ảnh minh họa: KT)
Theo Google và Temasek, ngành thương mại điện tử của ASEAN có thể vượt 88 tỷ USD vào năm 2025, tăng gấp 16 lần so với con số hiện nay. Thương mại điện tử đã tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương như Sarawak, Sulawesi và Mandalay, bằng cách cung cấp cho họ quyền tiếp cận thị trường bình đẳng.
Nhận thức được tầm quan trọng của sự phát triển con người trong công nghệ, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) gần đây về ASEAN đã đưa ra sáng kiến Digital ASEAN để tiếp tục phát triển các kỹ năng số cho người dân các nước thành viên. Tiềm năng to lớn của những người trẻ trong khu vực sẽ không phát huy được nếu không có đủ kiến thức về kỹ thuật số. Tiềm năng này được kết nối mật thiết với yếu tố quan trọng thứ hai đó là sự phát triển con người.
Tính đến năm 2018, ASEAN đã có khoảng 213 triệu người trẻ (trong độ tuổi 15-34), con số này dự kiến sẽ đạt đỉnh 220 triệu vào năm 2038. Đây chính là một cơ hội lớn đối với ASEAN. Điều quan trọng, những cá nhân này chỉ có thể đóng góp đáng kể nếu họ được trang bị các kỹ năng cần thiết cho thế kỷ 21, như bí quyết công nghệ và ngoại ngữ.
Những kỹ năng nghề nghiệp quan trọng theo suy nghĩ của giới trẻ trong khu vực ASEAN. (Số liệu: WEF)
Nâng cao năng lực cạnh tranh
Gần đây, nhiều người trẻ ASEAN đã đi du học ở các quốc gia châu Âu, Mỹ và Úc. Hy vọng là kinh nghiệm ở nước ngoài sẽ trang bị cho giới trẻ những kỹ năng và quan điểm để có thể cạnh tranh không chỉ trong khu vực, mà còn trên toàn cầu.
Tuy nhiên, trong số 10 trường đại học hàng đầu châu Á, chỉ có 2 trường đến từ ASEAN, và cả hai đều thuộc Singapore. Giáo dục chất lượng cao ở tất cả các cấp, và đặc biệt là giáo dục đại học, là điều cần thiết để thúc đẩy sự phát triển khu vực trên tất cả các lĩnh vực.
Giáo dục tốt và kinh nghiệm quốc tế là những yếu tố quan trọng nếu ASEAN cải thiện vị thế của mình trong chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu. Do đó, chính phủ các nước thành viên cần phải đầu tư nhiều hơn vào giới trẻ thông qua chi tiêu cho nghiên cứu và giáo dục cao hơn.
Sự ổn định chính trị đại diện cho một trong những thành tựu lớn nhất của ASEAN. Trước khi ASEAN thành lập năm 1967, Đông Nam Á là một trong những khu vực đầy biến động trên thế giới, với những xung đột thường xuyên xảy ra giữa các quốc gia. Nhưng kể từ khi thành lập, giờ đây ASEAN đã là một khối thống nhất.
ASEAN cũng đã tạo ra một khuôn khổ hợp tác mạnh mẽ nhằm khuyến khích và hỗ trợ các quốc gia thành viên trong việc giải quyết bất kỳ xung đột nào có thể xảy ra.
Sự ổn định này đã làm cho khu vực trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ASEAN đã tăng từ 123 tỷ USD năm 2016 lên mức cao nhất mọi thời đại là 137 tỷ USD trong năm 2017, với 8 trong số 10 quốc gia thành viên đều có sự gia tăng. Khoản đầu tư nước ngoài đáng kể này cũng sẽ góp phần chuyển giao kiến thức và kỹ năng cho người lao động ASEAN.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của ASEAN vẫn là bất bình đẳng kinh tế. Khoảng cách giữa quốc gia thành viên phát triển nhất và kém phát triển nhất vẫn còn rất lớn. ASEAN nên tối đa hóa ba điểm mạnh để thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giữa các quốc gia thành viên, cũng như áp dụng khuôn khổ ASEAN trong Cộng đồng kinh tế ASEAN để xây dựng lộ trình phát triển công bằng và chia sẻ hơn. Nếu có thể làm được điều này, sẽ có nhiều người châu Á giàu có hơn đến với khu vực trong thời gian tới.