Tri thức trẻ: Nền tảng cho phát triển, sức mạnh của quốc gia

Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 11:18, 03/08/2020

Trí thức gắn liền với sự hình thành của xã hội loài người, là nền tảng tiến bộ xã hội, là nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Đối với mỗi quốc gia, trong từng giai đoạn lịch sử, đội ngũ trí thức trẻ luôn là hạt nhân cho công cuộc xây dựng và phát triển, là tiêu chí để đánh giá trình độ phát triển của quốc gia đó.

Trong bối cảnh hiện nay, khi mà thế giới đang chuyển mình cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, vai trò của đội ngũ trí thức trẻ, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ, ngày càng được đề cao, là nền tảng cho phát triển, phản ánh sức mạnh của quốc gia. Hơn lúc nào hết, những trí thức trẻ, nhà khoa học trẻ nói riêng và thanh niên nói chung "phải làm chủ nước nhà một cách xứng đáng nhất".

1. Vai trò của đội ngũ trí thức trẻ, nhà khoa học trẻ

1.1. Vai trò trong hoạt động nghiên cứu KH&CN

"Vốn con người" mà bản chất là "tri thức" chính là nguồn gốc của phát triển, trong mối quan hệ với các nguồn vốn vật chất và quá trình sản xuất hàng hóa, sự sáng tạo của con người đã kết tinh và phát huy hiệu quả tối đa các nguồn lực. Trí thức sản sinh ra tri thức mới, đó là khoa học: "Trí thức là hiểu biết. Trong thế giới chỉ có hai thứ hiểu biết: một là hiểu biết sự tranh đấu sinh sản. Khoa học tự nhiên do đó mà ra. Hai là hiểu biết tranh đấu dân tộc và tranh đấu xã hội. Khoa học xã hội do đó mà ra"1

Nhưng nếu tri thức khoa học mà không áp dụng được vào thực tiễn thì mới chỉ là "trí thức một nửa", muốn "trở thành một người trí thức hoàn toàn thì phải đem cái tri thức đó áp dụng vào thực tiễn"2Quá trình con người đưa tri thức của mình vào hoạt động sáng tạo ra tri thức mới cũng như ứng dụng tri thức vào hoạt động sáng tạo tạo ra của cải vật chất cũng chính là hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN.

Tri thức là nguồn lực quan trọng nhất để phát triển khoa học công nghệ, và tiếp theo khoa học công nghệ lại là nguồn lực quan trọng nhất để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Có thể dễ dàng lấy được để minh chứng cho nhận định này, không chỉ từ lịch sử phát triển của Việt Nam mà còn từ nhiều quốc gia trên thế giới như: Nga, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Israel, Singapore, …

Tri thức trẻ: Nền tảng cho phát triển, sức mạnh của quốc gia - Ảnh 1.

Trong nước, ngày càng có nhiều nhà khoa học trẻ được giao làm chủ trì, chủ nhiệm các đề tài cấp Nhà nước, các chương trình trọng điểm cấp Quốc gia. Nhiều nhà khoa học trẻ nhận được các nguồn kinh phí tài trợ cho nghiên cứu khoa học từ các quỹ tài trợ nghiên cứu Nafosted đã góp phần đáng kể vào sự phát triển vượt bậc trong nghiên cứu cơ bản của Việt Nam trong những năm gần đây. Nhiều gương điển hình tiên tiến của các nhà khoa học trẻ với thành tích được ghi nhận trong nghiên cứu KH&CN, nhiều giải thưởng trong nghiên cứu ứng dụng KH&CN được trao cho các nhà khoa học trẻ có công trình có giá trị cao về khoa học, công nghệ và thực tiễn nhằm tôn vinh, ghi nhận những cống hiến, góp phần khuyến khích, tạo động lực và điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo,… trong thời gian vừa qua đã cổ vũ tinh thần cũng như tiếp thêm động lực cho các nhà khoa học trẻ tiếp tục say mê nghiên cứu, cống hiến cho khoa học công nghệ.

Có thể nói rằng, trong tầng lớp trí thức của mỗi quốc gia thì trí thức trẻ, các nhà khoa học trẻ là lực lượng to lớn có những ưu thế vượt trội về thể chất và trí tuệ, và một khi tận dụng được ưu thế này, họ có thể trở nên mạnh mẽ và "hăng hái nhập cuộc với đổi mới, nhạy cảm và thích ứng nhanh chóng với những đổi mới, cải cách mà thời cuộc và xã hội đặt ra".

1.2. Vai trò trong ứng dụng KH&CN vào phát triển kinh tế, xã hội

Đội ngũ trí thức là lực lượng tiên phong trong lĩnh vực kinh tế, là nguồn lực xã hội, là lực lượng sản xuất trực tiếp quyết định việc nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh tế của quá trình sản xuất vật chất. Sự dịch chuyển mạnh mẽ trong xu hướng tri thức hóa đang diễn ra trên toàn thế giới đặt ra yêu cầu cấp bách đối với nguồn nhân lực chất lượng cao. Trí thức nói chung và trí thức trẻ nói riêng cần phải trở thành những chủ thể sáng tạo và cống hiến, là tài sản xã hội, động lực trí tuệ, đặc biệt quan trọng trong các hoạt động KH&CN hướng tới xây dựng nền kinh tế tri thức.

Trong thời đại giá trị hàng hóa được đánh giá bởi hàm lượng chất xám kết tinh bên trong thì việc ứng dụng KH&CN, sự tham gia của trí thức với tư cách là nhà quản lý, là chủ thể khai thác giá trị khoa học, giá trị tri thức và chuyển hóa vào hàng hóa. Những trí thức trẻ đang là lực lượng quan trọng, chủ yếu trong tiếp thu, sáng tạo và ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, làm tăng năng suất lao động xã hội, phát triển lực lượng sản xuất xã hội. Chúng ta cũng chứng kiến ngày càng nhiều các sản phẩm đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của những con người trẻ Việt Nam đang chiếm lĩnh thị trường, làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Chúng ta ghi nhận nhiều bạn trẻ đang làm việc ở các tập đoàn lớn của thế giới như Microsoft, Google, Facebook, Yahoo, Apple và được đánh giá rất tốt. Ở Silicon Valley, một số bạn trẻ thành công và dần được nắm giữ những vị trí quan trọng trong những tập đoàn lớn của Mỹ. Có những nhóm bạn trẻ đã làm được sản phẩm uy tín quốc tế cao, ví dụ như sản phẩm Misfit được xếp hạng là một trong 10 sản phẩm công nghệ tiêu biểu của Mỹ năm 2013.

Khi KH&CN trở thành động lực phát triển thì cùng với đầu tư cho cơ sở hạ tầng như đổi mới trang thiết bị, máy móc và cơ sở vật chất thì vấn đề đầu tư cho con người, cho xây dựng đội ngũ trí thức trẻ luôn là ưu tiên của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Tài nguyên trí tuệ được coi như là nguồn lực quan trọng cho hoạt động khởi nghiệp, phát triển kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn có tình trạng khả năng học hỏi, thích ứng, linh hoạt, sáng tạo của trí thức trẻ, đặc biệt là trong nghiên cứu khoa học còn chưa đem lại hiệu quả cao. Tư duy làm chủ KH&CN của trí thức trẻ trong nhiều trường hợp còn bị động và phụ thuộc vào môi trường khách quan, vào ý chí, năng lực và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi cá nhân

1.3. Vai trò là nền tảng cho phát triển, sức mạnh của quốc gia

Phát triển của một quốc gia, suy cho cùng chính là sự phát triển con người, điều kiện sống của con người. Bánh xe phát triển của bất kỳ một quốc gia nào cũng nằm trên vai của sựsáng tạo và năng suất lao động của dân số trẻ, trong đó có tầng lớp trí thức trẻ. Ở bất kỳ một xã hội nào thì tầng lớp trí thức trẻ cũng là động lực của tăng trường và phát triển, bời vì họ cung cấp lực lượng lao động để sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Thanh niên nói chung và trí thức trẻ nói riêng cũng nắm trong tay vận mệnh của đất nước, bởi họ chính là tương lai của đất nước; việc họ hành động hay không hành động ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của xã hội. Sự chuyển đổi của xã hội từ thế hệ này sang thế hệ khác rất quan trọng đối với khát vọng hình thành và phát triển của mỗi quốc gia; vì lẽ đó, khát vọng tương lai không chỉ đảm bảo cho sự phát triển trong tương lai của chính các trí thức trẻ mà còn là sự chuẩn bị cho thế hệ lãnh đạo đất nước, là vị thế chủ nhân đất nước trong tương lai.

Vai trò của thanh niên đối với phát triển là hiển nhiên đối với sự phát triển của bất kỳ xã hội nào. Edward Wadie Saidnói rằng: "Không có cuộc cách mạng lớn trong lịch sử hiện đại mà không có trí thức; ngược lại, không có phong trào phản cách mạng lớn mà không có trí thức". Thanh niên là nền tảng cho sự trẻ hóa xã hội, nhưng thanh niên và tri thức trẻ không chỉ được đề cập tới bởi vai trò tái tạo xã hội mà quan trọng hơn, mà còn được đề cập đến bởi vai trò lãnh đạo của tương lai. Không những thế, những trí thức trẻ, nhà khoa học trẻ còn thực sự là khoản đầu tư lớn cho phát triển của một quốc gia, được coi như thước đo để đánh giá mức độ mà một quốc gia có thể tái sản xuất cũng như phát triển. Mức sống, thái độ, hành vi và trách nhiệm xã hội của thanh niên nói chung và trí thức trẻ nói riêng có mối tương quan tích cực với phát triển của đất nước.

Ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ vai trò quan trọng của trí thức trong đó nhấn mạnh đến tri thức trẻ đối với sự thành bại của cách mạng. Người chỉ rõ trọng trách của đội ngũ trí thức trong cách mạng dân tộc dân chủ là: "Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà, mà anh em văn hóa và trí thức phải làm cũng như là những chiến sỹ anh dũng trong công cuộc kháng chiến để dành lại quyền thống nhất và độc lập cho Tổ Quốc"5

Vai trò của trí thức trong quá trình xây dựng quốc gia có thể được nhìn nhận dưới nhiều góc độ:

Đầu tiên, đó là vai trò phát ngôn, mỗi một trí thức là đại diện cho tinh hoa của dân tộc, mỗi một nhà khoa học là đại diện cho tri thức nhân loại; bằng lời nói, bằng hành động tuyên truyền đến người dân và thúc đẩy các hoạt động kinh tế xã hội một cách phù hợp, tiến đến sự phát triển toàn diện.

Thứ hai, mỗi trí thức trong đó là các trí thức trẻ được coi như một pháo đài tư tưởng để bảo vệ người dân, thúc đẩy sự tiến bộ xã hội và xây dựng đất nước. Lịch sử Việt Nam mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước đều cho thấy vai trò quan trọng của tầng lớp trí thức, họ chính là "nguyên khí quốc gia". Lịch sử cận đại của Việt Nam cũng chứng kiến những đóng góp to lớn của tầng lớp trí thức khi tham gia công cuộc xây dựng đất nước. Ngay từ khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc kêu gọi trí thức cùng các tầng lớp nhân dân khác hãy ủng hộ Đảng, gia nhập Đảng để đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, bởi Người biết "Trong các tầng lớp xã hội, người sĩ phu chiếm vị trí hàng đầu"6 cũng như "Lao động trí óc có nhiệm vụ rất quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, trong công cuộc hoàn thành dân chủ mới để tiến đến chủ nghĩa xã hội"7

Và thực tế cho thấy, nhiều trí thức tự nguyện đi theo cách mạng, và khi được tham gia, họ đã trở thành những nhà cách mạng lỗi lạc, những nhà kiến thiết đất nước, giữ trọng trách trong bộ máy của Đảng, Chính phủ như các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Lê Văn Hiến, Trần Đại Nghĩa, GS. Tạ Quang Bửu, Huỳnh Thúc Kháng, GS. Nguyễn Văn Huyên, Trần Tích Trí, Vũ Đình Hòe, GS. Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Tố, v.v..

Trí thức là đôi mắt, đôi tai và tiếng nói của nhân dân, của xã hội. Họ là người quan sát các sự kiện trên thế giới, các vấn đề nội bộ quốc gia, đánh giá ý nghĩa của chúng và thông báo cho dân chúng nói chung. Do đó, các trí thức trẻ cần phải tích cực tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội, tích cực tích lũy tri thức nhân loại để làm giàu vốn sống cho bản thân, làm tăng năng lực phản biện, qua đó góp phần đổi mới, cải tạo xã hội ngày một tốt hơn, phát huy tinh thần xung kích sáng tạo trong các hoạt động. Trong xã hội ngày nay, việc một thanh niên nói chung hay một trí thức nói riêng tự cô lập, tách mình ra khỏi tiến trình phát triển của xã hội, của quốc gia trong khi cả xã hội đang nỗ lực là điều không thể chấp nhận được.

Nhìn nhận một cách khách quan thì trí thức trẻ chính là sức mạnh của quốc gia, là năng lượng vận hành hệ thống chính trị, là tài sản vô giá của đất nước và là những nhà lãnh đạo tương lai của xã hội, trong họ luôn chứa đựng những giấc mơ, hoài bão cho những thay đổi tiến bộ trong xã hội.

2. Chủ trương của Đảng và nhà nước trong phát huy đội ngũ trí thức trẻ

Trong hơn 30 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, đặc biệt là đội ngũ trí thức trẻ. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6/8/2008 về xây dựng đội ngũ trí thức, khẳng định quan điểm: "Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị". Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 31/10/2012 về phát triển khoa học và công nghệ xác định rõ: "có chính sách trọng dụng đặc biệt" các "cán bộ KH&CN trẻ tài năng", "Chủ động phát hiện và đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ" "Phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ,tiềm năng". 

Cụ thể hóa tại Luật KH&CN năm 2013, "nhà khoa học trẻ" lần đầu tiên được đưa vào bộ luật, điều khoản về chính sách trọng dụng và sử dụng các cán bộ trẻ tài năng được cụ thể hóa là cơ hội cho các nhà khoa học trẻ. Trong Nghị định 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 của Chính phủ về Quy định việc sử dụng, trọng dụng các cá nhân hoạt động KH&CN cũng có nhiều nội dung liên quan đến cán bộ trẻ như: giao cho họ quyền tự chủ cao; tạo điều kiện cho họ tiếp cận, tham gia các chương trình KH&CN cấp quốc gia, thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu thuộc Quỹ Đổi mới KH&CN Quốc gia, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia, thực hiện việc chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp; tạo điều kiện cho họ tham gia các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta đã đề ra phương hướng nhiệm vụ phát triển đội ngũ trí thức trong giai đoạn 2016 - 2020 là: "Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đãi ngộ và tôn vinh xứng đáng những cống hiến của trí thức. Có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài của đất nước".

Không chỉ đối với trí thức trong nước, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26/3/2004 26/3/2004, của Bộ Chính trị về "Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài" quy định "Hoàn chỉnh và xây dựng mới hệ thống chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, phát huy sự đóng góp của trí thức kiều bào vào công cuộc phát triển đất nước". Sau khi tổng kết thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 "Về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/ TW của Bộ Chính trị khóa X về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới" tiếp tục khẳng định nhất quán quan điểm tập hợp, tạo điều kiện thuận lợi để trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cùng đóng góp tài trí xây dựng đất nước.

Cùng với các chủ trương, chính sách của Đảng, trong những năm qua, nhiều chương trình, đề án cấp kinh phí đào tạo các cán bộ trẻ tại các nước như Đề án 165, Đề án 322, Đề án 911, Đề án 2395,…

3. Một số định hướng giải pháp nâng cao vai trò và đóng góp của trí thức trẻ, nhà khoa học trẻ

3.1. Phát huy hơn nữa vai trò của trí thức trẻ trong sáng tạo tri thức

Trí thức có vai trò quan trọng trong mọi mặt của đời sống xã hội, đến quá trình tăng trưởng, phát triển của xã hội. Xã hội nào biết vận dụng tiềm năng trí tuệ của trí thức sẽ phát triển vượt bậc; ngược lại, nếu không nhìn nhận đúng mức vị trí và vai trò của trí thức, xã hội ấy sẽ lạc hậu. Khi nguồn lực trí tuệ được đề cao vai trò, thậm chí là vai trò tiên phong, quyết định đến sự phát triển của xã hội thì lực lượng trí thức trẻ sẽ được coi trọng hơn, quốc gia đó sẽ có các chính sách phát triển nguồn lực con người.

Khi xem xét trí thức là tài sản của xã hội thì làm thế nào để phát huy và sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực này là một vấn đề quan trọng và cấp thiết. Đối với trí thức trẻ hoạt động khoa học và công nghệ, bài toán cơ chế đang đặt ra là cần phải làm gì để có thể đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học của trí thức trẻ trong thực tiễn nhiều nhất, đem lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội tương xứng với vị trí và vai trò của họ. Vấn đề này không chỉ mang ý nghĩa với đối với các chủ thể quản lý, các nhà hoạch định chính sách mà còn đối với toàn thể xã hội trong đó có cả nhóm trí thức trẻ.

Mặt khác, phân tích ở trên cho thấy, có những lý do để thanh niên trở thành một phần không thể thiếu đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế. Đầu tiên, họ có xu hướng được hưởng nhiều thành quả giáo dục và tiếp cận tri thức mới hơn so với những thế hệ trước. Do đó, họ có thể tiếp thu tốt hơn các thành tựu khoa học và công nghệ, các ý tưởng mới và dễ dàng thích nghi hơn với sự thay đổi. Thứ hai, thế hệ trẻ dường như có xu hướng chấp nhận rủi ro nhiều hơn so với những

như thay đổi các quy tắc và quy trình chính trị xã hội có thể cản trở sự phát triển kinh tế. Thách thức với những nhà hoạch định chính sách là làm thế nào để khai thác những nhà trí thức trẻ, nhà khoa học trẻ với đầy hoài bão thành động lực phát triển, biến những tiềm năng thành kết quả tích cực. Một mặt trái của việc không phát triển và khai thác đầy đủ tiềm năng của giới trẻ có thể biến thành những tiêu cực, bao gồm cả tổn thất kinh tế, biến động chính trị và xã hội bởi chính những hoài bão không được thúc đẩy, những tiềm năng không được khai thác. Thanh niên có nhiều khả năng trở thành thất vọng vì không được coi trọng, vì bất bình đẳng xã hội, vì thiếu cơ hội việc làm, trình độ học vấn thấp, ít tham gia vào việc ra quyết định xã hội,...

3.2. Phát huy đóng góp của trí thức trẻ vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước

Trong công tác thanh niên nói chung và trí thức trẻ nói riêng, cần tìm cách tạo ra một môi trường an toàn, hỗ trợ và linh hoạt cho cá nhân phát triển và cung cấp các cơ hội học tập chính thức và không chính thức, tư vấn cá nhân, hướng dẫn và hỗ trợ. Điều cần thiết là những người trẻ tuổi được hỗ trợ phát triển bản sắc riêng và được xã hội tôn trọng. Chú trọng xây dựng một môi trường thực sự dân chủ, tôn trọng và bảo vệ các điều kiện lao động sáng tạo, các chế độ đãi ngộ thích đáng đối với trí thức.

"Hiện nay có một thực tế là, đội ngũ trí thức trẻ ở nước ta đông đảo, phẩm chất tốt, trình độ không thua kém các nước trong khu vực, song hiệu quả công tác và nghiên cứu khoa học không cao, còn nhiều tiềm năng chưa được phát huy"8

Cần tạo điều kiện và cơ hội cho cho phép những người trẻ tuổi bày tỏ ý kiến và tham gia vào các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội cũng như cộng đồng. Để phát huy tối đa đóng góp của đội ngũ trí thức trẻ, cần có môi trường thật sự cởi mở, dân chủ, tôn trọng tranh luận bình đẳng, trên cơ sở khoa học và tính thuyết phục, không áp đặt, những ý tưởng mới được khuyến khích, các tài năng trẻ có đất phát triển. Hãy tạo điều kiện cho họ theo đuổi hoài bão chân chính của mình để đóng góp cho đất nước.

Môi trường kinh tế - xã hội và chính trị luôn tạo ra cơ hội cũng như thách thức lớn đối với tầng lớp trí thức trẻ. Mặc dù các trí thức trẻ có thể được coi là có vai trò lớn trong đóng góp cho các vấn đề kinh tế - xã hội, nhưng thực tế cần phải xem họ như là tài sản quan trọng trong đời sống kinh tế, chính trị và xã hội trong cộng đồng, chứ không dừng lại dừng lại ở việc đóng góp. Do đó, cần có chính sách và cơ chế để tạo điều kiện phát huy năng lực chuyên môn, khoa học của các chuyên gia, các nhà khoa học và công nghệ trình độ cao, những tài năng lớn trong các lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật...

3.3. Trí thức trẻ nâng cánh ước mơ của đất nước

Về phía chính phủ, cần rà soát và ban hành các cơ chế, chính sách, tăng đầu tư cho hoạt động thanh niên, đặc biệt là các trí thức trẻ trong nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ. Hãy để trí thức tự khẳng định, phát triển, cống hiến cho sự phát triển của đất nước và được xã hội tôn vinh.

Đảng và Chính phủ luôn coi trọng vai trò của trí thức, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 30/5/2019 Ban bí thư đã có kết luận số 52-KL/TW về tiếp tục thực hiện; ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 52- KL/TW tại Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 21/01/2020. Một lần nữa, các giải pháp để trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đặc biệt là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học trẻ tài năng cũng như đào tạo, bồi dưỡng nhân tài được thực hiện. Tuy nhiên, để có thể phát huy tối đa hiệu quả, cần thực hiện song hành chính sách thu hút, phát huy, trọng dụng, đãi ngộ và vinh danh trí thức với đào tạo, bồi dưỡng trí thức; tránh trọng dụng mà thiếu bồi dưỡng sẽ làm mai một năng lực của các trí thức hay không đào tạo, bồi dưỡng mà tập trung vào tìm kiếm để trọng dụng thì không khai thác hết sức trẻ của thanh niên, của các trí thức trẻ tiềm năng.

Về phía chủ quan, một mặt, trí thức trẻ phải tu dưỡng, rèn luyện để có được những thành tựu cá nhân, đóng góp vào những thành công chung của tầng lớp trí thức trẻ nói riêng và thanh niên nói chung; để nhận biết và phân biệt họ với các bộ phận khác trong xã hội. Sự "nhận biết" này "căn cứ vào việc đánh giá tính sáng tạo của họ trong quá trình lao động trí óc phức tạp, ở giá trị của những sản phẩm khoa học"9. Mặt khác, trí thức cần phải tham gia một cách sâu rộng và toàn diện với các bộ phận khác trong xã hội để có thể phát huy vai trò xung kích, sáng tạo vốn là bản chất của thanh niên.

Kết luận:

Để kết luận cho bài viết, xin trích lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói: "Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội", Người cũng nói "Thanh niên là người tiếp sức cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai", "là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hoá trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội". Và gần đây, kết luận bài phát biểu trước tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh với thanh niên: "Nhất định các đồng chí phải làm chủ nước nhà một cách xứng đáng nhất!

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội

2. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội

3. Hoàng Chí Bảo: "Thanh niên với việc chọn nghề để lập thân, lập nghiệp", http://www. tapchicongsan.org.vn

4. Edward Wadie Said là giáo sư văn học tại Đại học Columbia, một trí thức công cộng, và là người sáng lập của lĩnh vực học thuật nghiên cứu hậu thuộc địa

5. Gửi anh em văn hóa và trí thức Nam bộ, ngày 25-5-1947, Hồ Chí Minh, tt, t.5, tr. 131.

6. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, H.2011, tr. 423

7. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 7, Sđd, tr.71; tr.72

8. Nguyễn Minh Tư, Tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức trẻ sáng tạo và cống hiến, https://www. nhandan.com.vn/chinhtri/item/28529602-tao-dieu-kien-cho-doi-ngu-tri-thuc-tre-sang-tao-va-cong-hien.html

9. Võ Văn Thắng (2013), Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, Tạp chí Triết học, số 2 (261).

(Bài đăng trên ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 5+6 tháng 6/2020)

Bùi Thế Duy (Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ