Chuyển đổi số ngành bán lẻ nên bắt đầu từ đâu?

Kinh tế số - Ngày đăng : 20:52, 31/07/2020

Thời đại 4.0 mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho ngành bán lẻ trên toàn thế giới nói chung và các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam nói riêng.

Thị trường bán lẻ đầy tiềm năng tại Việt Nam

Theo McKinsey, các nền kinh tế mới nổi tại khu vực châu Á đang trên đà tăng trưởng nhanh hơn gấp 2-3 lần những nền kinh tế đã phát triển – và Việt Nam là một trong các quốc gia chứng minh cho câu chuyện thành công đó. 

Một đất nước ổn định về chính trị, đi lên không ngừng về kinh tế và phát triển ngày một nhiều hơn các tầng lớp trung lưu đã tạo ra môi trường kinh doanh đầy hấp dẫn. Tất cả đã thể hiện vô cùng rõ nét trong ngành bán lẻ, khi tại Việt Nam, ngành này mở ra vô vàn cơ hội tăng trưởng cho các công ty khu vực lẫn trên toàn thế giới.

Theo báo cáo của McKinsey, quy mô hiện tại của thị trường là 108 tỷ USD, và dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 7,3% mỗi năm trong vòng 5 năm tới. Trong đó, cửa hàng tạp hóa và điện tử tiêu dùng là phân khúc lớn nhất của thị trường bán lẻ, ở mức 44% và 17%. Đặc biệt, thị trường kênh hiện đại Việt Nam dự kiến sẽ tăng nhanh trong 5 năm tới ở mức CAGR là 25,8% giữa năm 2018 và 2023, nhiều hơn gấp đôi so với các quốc gia trong khu vực.

Chuyển đổi số ngành bán lẻ nên bắt đầu từ đâu? - Ảnh 1.

Chuyển đổi số - Xu hướng tất yếu của ngành bán lẻ

Theo Nikki Baird, Phó chủ tịch về Đổi mới bán lẻ của Aptos, chuyển đổi số ngành bán lẻ là quá trình chuyển dịch từ mô hình kinh doanh tập trung vào sản phẩm theo chuỗi cung ứng (Supply chain) sang tập trung vào khách hàng dựa trên chuỗi giá trị số (Digital value chain) dựa trên dữ liệu.

Vai trò của chuyển đổi số và những tác động tích cực của công nghệ đã không còn là vấn đề cần phải bàn đến. Các ứng dụng công nghệ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa nhân sự, dễ dàng quản lý hệ thống, đem lại năng suất lao động cao hơn giúp các nhà bán lẻ nâng cao khả năng cạnh tranh. Không chỉ áp dụng trong quản lý kinh doanh, công nghệ còn tạo ra sự kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, tạo ra sự minh bạch và phát triển bền vững. Nếu không có công nghệ thì các nghiệp vụ như thanh toán, logistics... khó mà phát triển nhanh và hiệu quả.

Chuyển đổi số ngành bán lẻ nên bắt đầu từ đâu? - Ảnh 2.

Covid-19 có lẽ là minh chứng rõ ràng nhất cho câu nói "Doanh nghiệp Việt nếu không chuyển đổi số, tự khắc sẽ thụt lùi". Trong khi hàng loạt cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa vì tình trạng doanh thu về gần con số 0 do tác động của dịch thì các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada lại tự hào ghi nhận số đơn tăng 3-4 lần. 

Câu chuyện chuyển đổi số ngành bán lẻ không còn là vấn đề có nên hay không nên mà làm sao để chuyển mình thành công mới là bài toán các doanh nghiệp cần tìm lời giải?

Muốn chuyển đổi số thành công, đầu tiên các doanh nghiệp bán lẻ Việt cần cải thiện trải nghiệm đa kênh. Không chỉ dừng lại ở việc tiếp cận khách hàng qua nhiều nền tảng online và offline, việc sử dụng một phần mềm cập nhật toàn bộ thông tin về sản phẩm, khuyến mãi, trạng thái tồn kho theo thời gian thực là vô cùng cần thiết. 

Khách hàng của bạn sẽ chủ động nắm bắt được những vấn đề về sản phẩm họ đang quan tâm để đưa ra sự lựa chọn tốt nhất. Việc quản lý đồng bộ còn giúp doanh nghiệp vận hành kinh doanh trơn tru và hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ và phần mềm quản lý để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số đóng vai trò rất quan trọng. Đây là chìa khóa cho sự thúc đẩy hiệu suất. Hệ thống cho phép nhà lãnh đạo quản lý toàn bộ doanh nghiệp dựa trên quy mô và yêu cầu của doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy tối đa năng suất nhân sự, mang lại sự phát triển vượt bậc cho doanh nghiệp.

Đối với bất kỳ doanh nghiệp bán lẻ nào, dù quy mô to hay nhỏ thì một quy trình làm việc chuẩn chỉ rõ trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận chưa bao giờ là vô ích. Áp dụng phần mềm quản lý doanh nghiệp sẽ giúp quy trình trở nên minh bạch hơn khi được thiết lập trên hệ thống chung nên việc vận hành doanh nghiệp trở nên trơn tru hơn so với hình thức quản lý truyền thống, giúp tiết kiệm thời gian và quản trị hiệu quả hơn.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần đổi tư duy, phương thức vận hành và cách thức tiếp cận khách hàng thì mới có thể tận dụng hết lợi ích của việc chuyển đổi số.

TH