3 nguyên nhân chính thúc đẩy các doanh nghiệp Việt chuyển đổi số
Diễn đàn - Ngày đăng : 08:20, 30/07/2020
PV: Bà từng nói xu hướng nổi bật trong 5 năm gần đây là Chuyển đổi số - Digital transformation. Những thay đổi cụ thể nào ở các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang cho thấy xu hướng nổi bật đó?
Bà Thi Anh Đào: Trong 5 năm gần đây, mọi người dễ dàng nghe được các từ khóa trên phương tiện truyền thông đại chúng như Big Data, Công nghiệp 4.0, và mọi người quan tâm nhiều hơn đến câu chuyện chuyển đổi số. Các DN Việt Nam có những cách tiếp cận khác nhau và mức độ chuyển đổi số cũng khác nhau.
Dĩ nhiên, DN quan tâm nhiều hơn công cụ, nền tảng công nghệ để giúp cho mọi hoạt động DN mang đậm tính chất kỹ thuật số nhiều hơn, sử dụng công nghệ nhiều hơn để đẩy mạnh quá trình sản xuất, kinh doanh của mình.
Hiện nay, các DN nhỏ và vừa (SME) thậm chí cá thể hộ gia đình có thể đăng ký sản phẩm cần bán lên Foody, Grab và nhận đơn hàng qua ứng dụng đó. Những DN lớn ứng dụng nền tảng hệ thống quản lý như CRM, ERP và được dùng online nhiều hơn. Đối với DN lớn, họ có nhiều tiềm lực đầu tư hơn với các giải pháp như SaleForce, Microsoft Dynamic hay những DN SME có thể dùng những công cụ được sản xuất trong nước để quản lý dự án, quản lý hành chính, nhân sự…
Có 3 nguyên nhân chính tác động trên thị trường:
(1) Khách hàng đã tương tác nhiều hơn trên những nền tảng đa dạng khác nhau. Ngoài trực tiếp bán hàng ở cửa hàng, trên Facebook thì những ngành thực phẩm đồ uống thức ăn nhanh (F&B) còn có thể được bán trên Foody hay Grab, hay chính tại website DN (e-commerce)… Nếu không có CRM, nhân viên kinh doanh sẽ không biết được khách hàng đó mình tiếp cận ở cửa hàng hay Facebook, Grab hay Foody và có thể dẫn đến việc trùng khách hàng. Thêm nữa, doanh nghiệp chưa đo lường được doanh thu đến từ kênh bán hàng nào, dẫn đến bức tranh sai về kinh doanh.
(2) Do thị trường cạnh tranh ngày càng lớn đòi hỏi DN cần tối ưu hóa hoạt động kinh doanh. Trong đợt dịch COVID - 19 này càng thấy rõ hơn. Các DN mong muốn làm sao tiếp cận được nhiều khách hàng và chuyển khách hàng tiềm năng thành khách hàng có nhu cầu mua sản phẩm của mình. Các DN nhìn lại hoạt động của mình xem đã tối ưu hóa chưa và làm sao tiết kiệm chi phí, tăng dự trữ sống sót sau dịch.
(3) Xu hướng hay mức độ ứng dụng công nghệ của người làm kinh doanh đã được quan tâm rất nhiều. SME dễ dàng tiếp cận công nghệ, dễ dàng thay đổi hơn vì quy mô nhỏ hơn. Bây giờ, một cửa hàng nhỏ không cần phải chạy quảng cáo, thậm chí không cần mở fanpage mà chỉ cần live stream hay Facebook cũng có nhiều công cụ giúp họ có thể chốt đơn hàng. Nếu muốn làm bài bản hơn, DN có thể đăng ký lên các trang thương mại điện tử (e-commerce) hay một marketplace có sẵn các công cụ hỗ trợ.
PV: Thực tế chuyển đổi số ở Việt Nam được bộc lộ rõ nét ở đối tượng DN nào? DN lớn hay các SME?
Bà Thi Anh Đào: Đối với DN lớn, chuyển đổi số gần như bắt buộc vì tính cạnh tranh. Tuy nhiên, mức độ ứng dụng chuyển đổi số có thể khác nhau tùy theo nhu cầu và tính cấp thiết. Cũng giống như trước đây khi mới tiếp cận khái niệm "phát triển bền vững", các DN Việt Nam chịu nhiều sức ép từ bên ngoài, từ các tập đoàn nước ngoài vốn đã thực thi trước đó, buộc các DN trong nước phải thực thi chiến lược này nhằm đáp ứng đòi hỏi của nhà mua quốc tế.
Trong đổi mới sáng tạo, các DN nước ngoài có nhiều lợi thế hơn vì họ đã thực thi những cái có sẵn từ tập đoàn toàn cầu. Từ năng lực nghiên cứu phát triển, cách thức phát triển sản phẩm, làm thương hiệu, hệ thống quản lý của họ được chuẩn hoá chuyên nghiệp ở phạm vi toàn cầu. DN Việt có vẻ yếu thế hơn vì công cụ, kinh nghiệm quản lý và ứng dụng các mô hình phát triển khoa học công nghệ còn chưa đủ sức để cùng nhịp cạnh tranh với các DN nước ngoài.
Theo tôi, câu chuyện chuyển đổi số trong các DN lớn sẽ rõ nét hơn. DN lớn cần bộ máy quản lý, cần hệ thống quản lý chuyên nghiệp để có thể kiểm soát tốt công việc kinh doanh. DN nào cũng có dữ liệu (data), quan trọng cách khai thác tốt, tối ưu data đó được hay không? Chính những hiểu biết về người dùng này giúp cho người điều hành đưa ra chiến lược đúng đắn. Do đó, DN lớn gần như là đối tượng đi đầu trong chuyển đổi số.
Các doanh nghiệp SME nếu vượt qua giai đoạn khó khăn này thì chắc chắn cũng nhận thức được cần phải tối ưu bộ máy. Ngoài ra, kinh nghiệm, kiến thức quản lý của SME hạn chế hơn; thêm nữa, tiềm lực tài chính đầu tư cho chuyển đổi số cũng bị giới hạn.
Mức độ đầu tư chuyển đổi số giữa DN lớn và SME rất khác nhau. Doanh nghiệp lớn thì sẽ có nhiều nhu cầu hơn nhưng SME thì thường là tối ưu hóa vận hành làm cho lợi nhuận cuối cùng lớn nhất hay bán hàng nhiều nhất. Đối với DN lớn, ngoài mục tiêu lợi nhuận kinh doanh còn có bài toán xác định vị thế dẫn đầu thị trường, liên quan đến vấn đề xây dựng thương hiệu.
PV: Bà có thể chia sẻ một vài trường hợp ứng dụng chuyển đổi số thành công?
Bà Thi Anh Đào: Để nói chuyển đổi số tại các DN Việt thì còn khá sớm. Tuy nhiên, một ví dụ điển hình về SME ứng dụng chuyển đổi số mà tôi có thể chia sẻ đó là của một chuỗi 10 cửa hàng kinh doanh sản phẩm mẹ & bé. Mục tiêu của DN này cần chuẩn hóa hệ thống, nâng cao
việc quản lý cho hiệu quả hơn, chuẩn bị cho quy mô mở rộng hệ thống. Sau một năm thực hiện, họ đã quyết định không cần mở rộng quy mô lớn hơn nhưng cần phải đạt mục tiêu tối ưu hóa vận hành DN. Qua đó, họ biết được cửa hàng nào hiệu quả hay không, và lựa chọn mô hình bán hàng, tiếp thị như nào cho phù hợp. Năm 2020, họ mong muốn xây dựng được một mô hình chuẩn cho cửa hàng và nếu cửa hàng nào kinh doanh không hiệu quả thì sẽ đóng.
Một ví dụ khác, Saigon Coop là một đơn vị rất có nhiều tiềm năng vì định hướng của họ rất rõ ràng. Cũng chính vì thế mà trong đợt dịch vừa rồi, họ phản ứng rất nhanh. Các cửa hàng tiện lợi của Saigon Coop, chuỗi Coop Smile đều được chuyển qua hình thức bán hàng online, bán hàng qua fanpage. Sau một tuần bán hàng online, họ tiếp tục triển khai thanh toán qua MoMo, Grab. Rõ ràng, họ tận dụng được hạ tầng sẵn có và đối tác để có thể chuyển đổi một cách nhanh chóng.
Tóm lại, việc hoàn thiện triển khai chuyển đổi số trong các DNp Việt hiện còn khá hạn chế. Các SME chỉ chú trọng vào những khâu nào cần phải chuyển đổi để nhanh chóng thấy được hiệu quả.
PV: Vì COVID - 19, chuyển đổi số trong một số ngành như bán lẻ, giáo dục đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ. Vì sao lại là bán lẻ và giáo dục mà không phải là các ngành khác?
Bà Thi Anh Đào: Chuyển đổi số trong một số ngành nhưbán lẻ, giáo dục đã có sựchuyển đổi mạnh mẽ. Nếu nói về số lượng thì tôi cho rằng không đúng. Còn nói về tính phản xạ, sức ép chuyển đổi số là rất lớn. Đây là 2 ngành bị ảnh hưởng nặng nhất dịch COVID-19.
Trong thời điểm dịch, các trường, các trung tâm giáo dục trong nước rất hoang mang việc dạy online sẽ như thế nào, trong khi các trường quốc tế thì gần như họ dễ dàng phản ứng nhanh hơn với việc này. Lấy ví dụ trường ILA đã ứng dụng CRM và ERP. Họ quản lý nhu cầu từng người cụ thể. Ngoài việc đạt bài thi kiểm tra, thì hệ thống sẽ cho thấy rất rõ bạn đang yếu kỹ năng gì nghe, đọc, viết và từ đó có những khuyến mãi cho khóa học rèn luyện riêng cho kỹ năng đó. Tìm kiếm một khách hàng mới sẽ khó hơn tối ưu hóa việc phục vụ khách hàng đã có. Và khi khách hàng đã có niềm tin và trải nghiệm thì họ sẽ tiếp tục sử dụng dịch vụ của mình.
Đối với bán lẻ, đặc biệt ngành hàng FMCG có những cửa hàng doanh số tăng gấp 3 thông qua bán online vì hầu hết, khách hàng và nhân viên đều sợ lây nhiễm nên họ đặt hàng qua mạng. Trong dịch, vì sức ép nên DN phải bán hàng online nhưng sau dịch thì sức ép gần như không còn nữa. DN nào thấy được sự thay đổi rất lớn về hành vi người tiêu dùng thì có thể tận dụng thêm cơ hội bán hàng.
Trước dịch, người dùng hầu như không hứng thú việc mua bán online nhưng sau dịch, họ có cơ hội trải nghiệm nhiều tiện ích mua sắm online. Do đó, nhiều DN muốn tích hợp mô hình bán hàng vừa online vừa offline, gọi là bán hàng đa kênh. DN nếu biết tận dụng sẽ tăng được nguồn doanh thu vốn chỉ biết đến bán hàng truyền thống.
PV: Trong ngành quảng cáo - truyền thông - makerting, chuyển đổi sốđang diễn ra như̛ thế nào?
Bà Thi Anh Đào: Trong năm vừa qua, ngành quảng cáo, truyền thông marketing ứng dụng chuyển đổi số nhiều hơn. Nhiều DN đầu tư những giải pháp, công cụ thực hiện cho việc quảng cáo tốt hơn. Chẳng hạn, khi đưa một chiến dịch quảng cáo, một thông điệp truyền thông thì DN có thể tương tác với khách hàng dễ dàng nhanh chóng, biết được phản ứng của họ và DN hoàn toàn có thể đo lường (về nội dung, hình ảnh, độ tương tác,…) cũng như thay đổi (nếu có) cho phù hợp.
Trước đây, một mẫu quảng cáo có thể phát trên tất cả các kênh thì bây giờ có thể chia ra làm nhiều nhóm khách hàng khác nhau và hướng đến mục tiêu cụ thể hơn. Một số DN ứng dụng mô hình từ nước ngoài, thường là tập đoàn toàn cầu theo mô hình công ty mẹ - con.
Ở Việt Nam, tuy đã có những ứng dụng công nghệ trong quảng cáo, nhưng lại có khá ít những nhà cung cấp giải pháp công nghệ chuyên phục vụ cho các phân đoạn khác trong marketing, dẫn đến chi phí cho việc đầu tư giải pháp CNTT cho marketing (mar-tech) rất cao. Chẳng hạn, đầu tư cho một giải pháp camera có thể theo dõi khách hàng từ khi họ bước vào cửa hàng cho đến khi mua được sản phẩm mong muốn là không hề nhỏ. Qua đó, nhà bán lẻ sẽ biết được cách sắp xếp những món hàng tại nơi có vị trí hợp lý và bản thân nhà bán lẻ có thể quay lại cung cấp dịch vụ cho nhãn hàng để sản phẩm "luôn trong tầm ngắm". Những công cụ này dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) và dạy robots nắm bắt nhu cầu tìm kiếm thông tin của khách hàng một cách tinh vi hơn, phục vụ cho họ tốt hơn.
PV: Isobar đã tham gia vào quá trình chuyển đổi sốở Việt Nam, vậy theo bà những khó khăn khi các DN Việt Nam thực hiện chuyển đổi số là gì?
Bà Thi Anh Đào: Trở ngại đầu tiên là hầu hết DN đều cho là chi phí đầu tư cho chuyển đổi số rất lớn. Bởi góc nhìn của họ đầu tư cho toàn một hệ thống lớn nên chi phí nhiều. Tuy nhiên, trong chiến lược phát triển DN cần ứng dụng chuyển đổi số trong 5 năm thì giai đoạn đầu không nhất thiết họ phải đầu tư toàn bộ. DN có thể đánh giá công đoạn nào là quan trọng nhất và đầu tư cho nó trước.
Ngoài ra, DN Việt Nam chưa hiểu hết giải pháp công nghệ để họ có thể quyết định mức độ đầu tư và luôn luôn có ấn tượng là đầu tư rất lớn. Trong những giải pháp mà chúng tôi đóng gói, chẳng hạn như cho ngành nhà hàng. Họ vẫn có thể đầu tư chuyển đổi số với kinh phí 500 - 700 triệu đồng. Do đó, DN phải xác định nhu cầu mình mong muốn tới đâu để người tư vấn kỹ thuật đưa ra các giải pháp phù hợp cho DN. DN cần tư duy hiểu đúng về chuyển đổi số, tài chính tiềm lực đầu tư, con người.
PV: Để chuyển đổi số thành công thì yếu tố quan trọng nằm ở đâu: Nhân lực, công nghệ, tài chính hay môi trường tác động?
Bà Thi Anh Đào: Cái khó nhất của chuyển đổi số không phải là công nghệ mà là con người. Vì cho dù CEO tin tưởng vào chuyển đổi số mà cấp quản lý và nhân viên họ không thực hiện, không ứng dụng thì cũng khó mà thành công.
Trong nhiều mô hình chuyển đổi số khi tư vấn cho doanh nghiệp, tôi luôn xoay quanh 4 trụ cột: (1) Thu hút khách hàng, bán được hàng - Engaging with customers; (2) Nhân viên làm việc tốt hơn với những công cụ, quy trình thúc đẩy sự hợp tác giữa các bộ phận - Empowering Employees; (3) Tối ưu hóa vận hành - Optimising Operations; (4) Chuyển đổi sản phẩm - Transforming Products.
Tuy nhiên, giai đoạn đầu thực thi chuyển đổi số không có nghĩa là thực thi hết 4 trụ cột này. Ví dụ, SME lúc nào cũng đặt bài toán về doanh thu, chi phí rất lớn. Cho nên thực thi chuyển đổi số thì phải giải quyết bán được hàng. Quan trọng, lựa chọn giải pháp phù hợp chứ không cần giải pháp hoàn hảo nhất.
Bên cạnh đó, DN cần chuẩn bị văn hóa DN và năng lực kỹ thuật số của nền tảng của nhân viên cũng sẵn sàng cho việc chuyển đổi số, có thể gọi là "mức độ sẵn sàng cho chuyển đổi số" (DX readiness)
Trân trọng cảm ơn Bà!
Bà Thi Anh Đào sáng lập Emerald Consulting vào năm 2009 khi mới 24 tuổi. Năm 2015, bà cùng Emerald gia nhập Dentsu Aegis Network và tháng 4/2016 cho ra mắt Isobar Vietnam.
Bà là một trong 30 đại diện đầu tiên trong danh sách Forbes 30 Under 30 do Forbes Việt Nam bình chọn và cũng là đại diện Việt Nam đầu tiên trong 40 gương mặt Women to Watch của khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Campaign Asia - Pacific vinh danh vào năm 2016.
(Bài đăng trên ấn phẩm in tạp chí TT&TT Số 5+6 tháng 6/2020)