Thực hiện khai báo y tế điện tử để phòng, chống dịch

Bản tin ICT - Ngày đăng : 15:32, 27/07/2020

Chính quyền các địa phương và người dân cần cộng tác trong việc thực hiện khai báo y tế điện tử (thông qua các ứng dụng NCOVI, Bluezone), để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Sáng 27/7, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19) đã họp triển khai công tác phòng, chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.

Thực hiện khai báo y tế điện tử để phòng chống dịch - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Cử những chuyên gia giỏi nhất vào Đà Nẵng để triển khai quyết liệt các biện pháp dập dịch

Tại cuộc họp, các chuyên gia và thành viên Ban Chỉ đạo đã phân tích cơ chế lây nhiễm, diễn biến, dự báo tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng và đề ra các giải pháp tối ưu để ứng phó trong thời gian tới.

Kết quả điều tra dịch tễ ban đầu cho thấy các trường hợp mắc bệnh đều liên quan đến 3 cơ sở: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình, 3 bệnh viện này nằm chung trên một khu đất.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, kết quả phân tích nguồn gen của virus từ các bệnh nhân cho thấy đây là chủng virus mới xuất hiện ở Việt Nam (trước đây Việt Nam đã phát hiện ra 5 chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau). Chủng này có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng trước đây đã ghi nhận. Tuy nhiên, chưa có căn cứ xác định độc lực của virus này tăng lên so với các chủng trước.

Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Đà Nẵng, cử những chuyên gia giỏi nhất vào địa phương để triển khai quyết liệt các biện pháp dập dịch, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; tổng rà soát nhằm tìm ra nguồn lây sớm nhất; tổ chức điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19. Đối với 2 bệnh nhân nặng, đến sáng nay các chỉ số sức khỏe tương đối ổn định.

Về việc phong tỏa cụm 3 bệnh viện tại Đà Nẵng, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết sẽ áp dụng giống như Bệnh viện Bạch Mai trước đây. Đồng thời, Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tối đa nhất về nguồn lực để cùng với địa phương tổ chức hiệu quả cách ly, truy vết, điều trị, xét nghiệm, khoanh vùng, dập dịch…

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề xuất giải pháp triển khai các biện pháp xét nghiệm phù hợp với từng khu vực để nâng cao hiệu quả tầm soát; tổ chức phân tuyến cơ sở khám chữa bệnh bảo đảm đáp ứng nhu cầu của người dân; tổ chức công tác bảo đảm hậu cần phục vụ khu vực phong tỏa…

Cần tổ chức giãn cách xã hội, phong tỏa ổ dịch hợp lý

Các chuyên gia cho rằng, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, cần tổ chức giãn cách xã hội, phong tỏa ổ dịch hợp lý; không phong tỏa tất cả mà phong tỏa từng nấc; thực hiện giãn cách xã hội tại Đà Nẵng, mọi người hạn chế ra khỏi nhà, không tụ tập đông người.

Đối với người dân, tất cả những người đi từ Đà Nẵng có liên quan đến ổ dịch này khi trở về địa phương khác phải cách ly 14 ngày và theo dõi chặt chẽ như những người tiếp xúc gần; còn những người khác từ Đà Nẵng về phải khai báo y tế và theo dõi sức khoẻ;…

Bên cạnh đó, cần mở rộng xét nghiệm để nhanh chóng phát hiện các ổ dịch, kịp thời khoanh vùng, dập dịch triệt để. Các chuyên gia cho rằng những giải pháp này không chỉ áp dụng riêng với Đà Nẵng mà ở các địa phương khác cũng cần kiểm soát chặt các trường hợp nghi nhiễm; đồng thời tăng cường kiểm soát bảo đảm an toàn dịch tễ tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Thực hiện khai báo y tế điện tử

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đều nhấn mạnh tính nghiêm trọng của vấn đề và cho rằng chúng ta không được chủ quan, lơ là. Thời gian tới cần siết chặt công tác quản lý biên giới, đường mòn, lối mở, quản lý người nhập cảnh; khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép. Chính quyền các địa phương và người dân phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng trong việc quản lý người nhập cảnh.

Đối với các cơ sở y tế, các đại biểu cũng đề nghị cần phải nâng mức độ cảnh báo và bảo đảm an toàn dịch tễ, cũng như khả năng phát hiện người nhiễm bệnh; quản lý những người về địa phương từ Đà Nẵng về theo đúng quy định;…

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề nghị chính quyền các địa phương và người dân cộng tác trong việc thực hiện khai báo y tế điện tử (thông qua các ứng dụng NCOVI, Bluezone), để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Tiếp tục phát huy những kinh nghiệm trước đây trong công tác phòng, chống dịch bệnh

Sau khi nghe ý kiến thảo luận của các chuyên gia và các thành viên Ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, chúng ta cần phải tiếp tục phát huy những kinh nghiệm trước đây trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Hoan nghênh Bộ Y tế cử các đội chuyên gia giỏi nhất vào hỗ trợ Đà Nẵng khoanh vùng, dập dịch, Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là kinh nghiệm xử lý các ổ dịch lớn như ở bệnh viện Bạch Mai.

Thực hiện khai báo y tế điện tử để phòng chống dịch - Ảnh 2.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP

"Chúng ta vừa phải dập dịch nhanh, vừa giữ xã hội ổn định và phát triển nên phải có những quyết định rất chính xác. Vai trò của lực lượng điều tra dịch tễ học, phối hợp với công an, quân đội để xác định nhanh nhất nguồn lây, véc-tơ truyền bệnh là vô cùng quan trọng".

Không chỉ Đà Nẵng, mà tất cả các tỉnh, thành phố phải tăng cường công tác rà soát các bệnh nhân có triệu chứng đến khám ở các bệnh viện, phòng khám tư nhân; kiểm soát chặt chẽ người nước ngoài nhập cảnh.

Bộ Y tế khẩn trương triển khai xét nghiệm bằng các loại kit thử mà Việt Nam sản xuất; bảo đảm đầy đủ kit thử, trang thiết bị y tế và những điều kiện cần thiết khác để sẵn sàng ứng phó với các diễn biến của dịch bệnh.

Tinh thần là chống dịch như đánh trận, quyết liệt nhưng phải bình tĩnh, bảo đảm ổn định kinh tế, xã hội.

PV