Phòng thí nghiệm pháp lý mới cấp thông tin, hỗ trợ pháp lý ứng phó COVID-19 toàn cầu

Đời sống xã hội - Ngày đăng : 10:08, 24/07/2020

Sáng kiến ​​Phòng thí nghiệm pháp lý COVID-19 tập hợp và chia sẻ các tài liệu pháp lý từ hơn 190 quốc gia trên thế giới để giúp các quốc gia thiết lập và thực hiện các khung pháp lý mạnh mẽ nhằm quản lý và kiểm soát đại dịch.

Mới đây, sáng kiến Phòng thí nghiệm pháp lý mới (www.COVIDLawLab.org) đã được công bố. Đây là một dự án chung của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) và Viện O'Neill về Luật Sức khỏe quốc gia và toàn cầu của Đại học Georgetown.

Sáng kiến nhằm mục tiêu đảm bảo rằng luật pháp bảo vệ sức khỏe và phúc lợi của các cá nhân và cộng đồng, đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn về nhân quyền quốc tế.

Phòng thí nghiệm pháp lý COVID-19 mới cung cấp thông tin và hỗ trợ pháp lý cho ứng phó COVID-19 toàn cầu - Ảnh 1.

Các quy định pháp luật có vai trò quan trọng trong việc xây dựng những hệ thống y tế mạnh mẽ; đánh giá và phê chuẩn các loại thuốc và vắc-xin an toàn và hiệu quả; thực thi các hành động để tạo ra môi trường làm việc và công cộng lành mạnh cũng như an toàn hơn.

Quan trọng hơn, những quy định này là chìa khóa để thực hiện hiệu quả các quy định sức khỏe quốc tế của WHO: Giám sát; phòng chống và kiểm soát nhiễm trùng; quản lý du lịch và thương mại và thực hiện các biện pháp để duy trì những dịch vụ y tế thiết yếu.

Ông Achim Steiner, đại diện UNDP cho biết: "Pháp luật và chính sách có căn cứ khoa học, bằng chứng và nhân quyền có thể cho phép mọi người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, bảo vệ bản thân khỏi COVID-19 và sống không bị kỳ thị, phân biệt đối xử cũng như bạo lực". Phòng thí nghiệm pháp lý COVID-19 là một công cụ quan trọng để chia sẻ các thực tiễn tốt về pháp luật và chính sách.

Trong thời điểm bùng phát đại dịch COVID-19 vừa qua, các quốc gia trên thế giới đã có rất nhiều hành động lập pháp khẩn cấp nhằm kiểm soát và giảm thiểu sự lây lan của đại dịch.

TS. Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh: "Các khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ rất quan trọng đối với việc ứng phó với COVID-19 của mỗi quốc gia". Tuy nhiên, các quy định pháp luật có tác động đến sức khỏe thường nằm ngoài ngành y tế. Do sức khỏe là vấn đề toàn cầu, nên các khung pháp lý phải phù hợp với các cam kết quốc tế để đáp ứng với những rủi ro sức khỏe cộng đồng hiện tại và mới nổi. Việc xây dựng, triển khai và thực thi kém có thể gây tổn hại cho người dân, gây ra sự kỳ thị và phân biệt đối xử, đồng thời cản trở nỗ lực chấm dứt đại dịch.

Theo Giám đốc điều hành của UNAIDS Winnie Byanyima, các quy định pháp luật không phù hợp thậm chí có thể làm trầm trọng thêm sự kỳ thị và phân biệt đối xử, xâm phạm quyền của người dân và làm suy yếu các ứng phó về sức khỏe cộng đồng.

Để đảm bảo ứng phó với đại dịch có hiệu quả, nhân văn và bền vững, các chính phủ phải sử dụng luật pháp như một công cụ để bảo vệ quyền con người và nhân phẩm của những người bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Phòng thí nghiệm pháp lý COVID-19 là một cơ sở dữ liệu về pháp luật mà các quốc gia đã thực hiện để đối phó với đại dịch. Nó bao gồm các tuyên bố khẩn cấp, các biện pháp kiểm dịch, giám sát dịch bệnh, các biện pháp pháp lý liên quan đến đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, và tiếp cận với thuốc và vắc-xin. Cơ sở dữ liệu này sẽ tiếp tục phát triển khi nhiều quốc gia và chủ đề được bổ sung thêm vào.

Nó cũng sẽ nghiên cứu về các khung pháp lý khác nhau cho COVID-19. Những phân tích này sẽ tập trung đánh giá tác động về nhân quyền của luật y tế công cộng và giúp các quốc gia xác định các thực tiễn tốt nhất để thực thi các phản ứng tức thời của họ đối với COVID-19 cũng như các nỗ lực phục hồi kinh tế xã hội khi đại dịch được kiểm soát.

TH