Chuyển đổi số - Trọng tâm trong Chiến lược thương mại hậu Covid-19 của Hàn Quốc
Kinh tế số - Ngày đăng : 11:14, 22/07/2020
Ngày 21/7 vừa qua, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MTIE) đã công bố "Chiến lược thương mại mới hậu Covid-19", trong đó nhấn mạnh đến ba sự thay đổi về trật tự thương mại thế giới hậu Covid-19 bao gồm: thoát khỏi toàn cầu hóa (Deglobalization), chuyển đổi kỹ thuật số (Digitalization) và tái cấu trúc mạng lưới cung cấp (Decoupling).
MTIE nhận định sau khi khủng hoảng Covid-19 kết thúc, chủ nghĩa "ưu tiên lợi ích quốc gia" sẽ ngày càng lan rộng khiến xu hướng bảo hộ mậu dịch cũng được đẩy mạnh, cơ chế đa phương đặt trọng tâm vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) suy yếu dần. Ngược lại, thương mại dựa trên nền tảng kỹ thuật số sẽ ngày càng phát triển, cạnh tranh giữa các quốc gia cũng khốc liệt hơn. Xu hướng tái cấu trúc mạng lưới tập trung vào các nước phát triển sẽ được đẩy nhanh. Theo đó, chiến lược của MTIE đặt trọng tâm vào đối phó chủ động với những thay đổi trên, thiết lập trật tự thương mại dựa trên hợp tác và liên minh.
Để thực hiện chiến lược này, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định lập cơ chế phối hợp quốc tế nhằm xúc tiến thương mại và đầu tư thuận lợi. Đầu tiên, Chính phủ sẽ mở rộng áp dụng ưu đãi về quy trình nhập cảnh nhanh cho nhân lực thiết yếu của doanh nghiệp, bổ sung Singapore, các Tiểu vương quốc Ả-Rập thống nhất (UAE) và Indonesia bên cạnh Trung Quốc hiện nay.
Chính phủ sẽ thành lập "Trung tâm hỗ trợ tổng hợp về đi lại cho doanh nhân" trực thuộc Hiệp hội thương mại quốc tế (KITA), hỗ trợ một cửa về mọi khó khăn liên quan tới quá trình nhập cảnh vào Hàn Quốc và xuất cảnh ra nước ngoài của nhân lực các doanh nghiệp.
Dự kiến trung tâm này sẽ ra mắt vào tháng 8, gồm nhân viên của Bộ Công nghiệp, KITA, Phòng Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc (KORCHAM), Cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), nhằm hỗ trợ về chuyến bay, giấy xác nhận tình trạng sức khỏe và cấp giấy miễn cách ly.
Chính phủ sẽ thảo luận áp dụng chế độ hỗ trợ xuất nhập cảnh khi xảy ra đại dịch ("pandemic free passport") giữa ba nước Đông Bắc Á là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), với nội dung giảm thiểu các biện pháp hạn chế đầu tư, thương mại, giúp nhân lực thiết yếu của các doanh nghiệp đi lại dễ dàng, trao đổi hàng hóa, thông quan thuận lợi khi xảy ra đại dịch.
Đồng thời, Hàn Quốc đang xúc tiến Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các quốc gia đang phát triển sử dụng một mô hình mới có tên là K-FTA. Thông thường, các FTA chỉ tập trung mở cửa thị trường hàng hóa thông qua hạ mức thuế quan. Nhưng theo mô hình mới, mỗi bên đóng một vai trò cụ thể: Hàn Quốc sẽ cung cấp hỗ trợ phát triển dưới hình thức công nghệ hoặc cơ sở hạ tầng... trong khi các nước đang phát triển sẽ tập trung vào việc mở cửa thị trường thương mại.
Ví dụ, với mô hình FTA mới, Hàn Quốc sẽ hỗ trợ kinh nghiệm phát triển công nghiệp của mình, giúp quốc gia đối tác xây dựng hạ tầng công nghiệp, từ đó cải thiện tiếp cận thị trường và khuyến khích dỡ bỏ hàng rào thuế quan.
Kết quả FTA mô hình mới sẽ giúp Hàn Quốc và các nước đang phát triển tránh xung đột lợi ích ở các lĩnh vực quan tâm chung hoặc về mục tiêu đàm phán,... và xây dựng mối quan hệ kinh tế bền vững hơn.
Ngoài ra, Chính phủ cũng quyết định tăng cường hợp tác kinh tế kỹ thuật số, như Hiệp định đối tác kỹ thuật số (DPA) với các quốc gia tầm trung tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sau Singapore, để giúp các doanh nghiệp địa phương tham gia vào thị trường thương mại điện tử toàn cầu.
Chính phủ hy vọng rằng các biện pháp này có thể giúp Hàn Quốc phản ứng nhanh trước những thay đổi lớn hơn trong tương lai.