Cơ hội cho nền tảng số "Make in Việt Nam"
Diễn đàn - Ngày đăng : 09:33, 22/07/2020
Tạo sức bật cho quốc gia bằng Chuyển đổi số
Kinh tế thế giới chứng kiến nhiều biến động sau cuộc bùng phát đại dịch COVID-19 trên toàn cầu. Giãn cách xã hội, sự lựa chọn không mong muốn cho đa số nhân loại đã trở thành giải pháp tình thế trên quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, đây thực sự là cơ hội để con người nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa quá trình chuyển đổi số.
Từ trước đại dịch, International Data Coperation đã dự báo, đến năm 2022, giá trị chuyển đổi số trên thế giới ước đạt 2.000 tỷ USD và tăng trưởng cao gấp 4 lần so với mức tăng trưởng trung bình của thị trường dịch vụ công nghệ thông tin. Sau đại dịch, mọi việc có thể còn tiến nhanh hơn nữa.
Mỗi quốc gia, tổ chức hay cá nhân đều phải nỗ lực chuyển đổi, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Chuyển đổi số giúp tăng mạnh năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng kinh tế mới. Theo ước tính, chỉ riêng đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, dự đoán năm 2021, các sản phẩm và dịch vụ số đóng góp từ 25% - 60% GDP; chuyển đổi số làm tăng năng suất lao động từ 15% - 21% và làm thay đổi 85% công việc trong khu vực. Chuyển đổi số giúp Chính phủ hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn, hạn chế tham nhũng, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng về thu nhập, đào tạo, tiếp cận dịch vụ.
Theo một số nghiên cứu, các quốc gia đang phát triển có khả năng được lợi nhiều hơn từ chuyển đổi số, do xuất phát điểm thấp hơn, mới hơn, ít gánh nặng hơn, lại có cơ hội tiếp cận tri thức tốt nhất của nhân loại một cách bình đẳng, do vậy, có khả năng chuyển đổi số nhanh hơn, mang lại kết quả đột phá hơn.
Với hiện trạng và bối cảnh thế giới như trên, chuyển đổi số là quá trình tất yếu của Việt Nam để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Nếu chúng ta có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển.
Nắm bắt thời cơ này, Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu
Tại Việt Nam, theo Báo cáo về nền Kinh tế số tại Đông Nam Á của Google, Tamesek và Bain & Company năm 2019, kinh tế số của Việt Nam và Indonesia tăng trưởng nhanh dẫn đầu khu vực Đông Nam Á (khoảng 38%) và dự kiến có thể đạt mục tiêu 43 tỷ USD vào năm 2025. Đại dịch COVID-19 sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp trong khu vực tiến hành chuyển đổi số nhanh hơn nữa.
Chuyển đổi số thúc đẩy tăng cường kết nối, công nghệ kỹ thuật số, hệ thống thông tin và sử dụng Internet có khả năng tạo việc làm thông qua các ứng dụng và dịch vụ, như: nông nghiệp điện tử và tài chính kỹ thuật số; giảm thiểu bất bình đẳng bằng cách tạo điều kiện cho việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản như y tế điện tử và giáo dục trực tuyến; giúp xóa đói giảm nghèo; giám sát và giảm thiểu tình trạng biến đổi khí hậu và duy trì tài nguyên thiên nhiên; giúp các chính phủ kết nối tốt hơn với người dân thông qua các công cụ chính phủ điện tử cũng như cải thiện sự hiệu quả và tính minh bạch. Cả 3 trụ cột của phát triển bền vững gồm: phát triển kinh tế, hòa nhập xã hội và bảo vệ môi trường đều cần CNTT-TT như chất xúc tác chính để thực hiện.
Kinh tế nền tảng sốđóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số
Chuyển đổi số là quá trình sử dụng công nghệ số nhằm làm mới hoặc thay đổi những quy trình kinh doanh cũ, văn hóa, trải nghiệm khách hàng... nhằm đáp ứng những nhu cầu của kinh doanh và thị trường. Chuyển đối số cần được phân biệt rõ với số hóa (Digitalization). Tại Việt Nam, cuộc tấn công của COVID-19 cùng với các lệnh giãn cách xă hội đã giúp doanh nghiệp nhận ra vai trò ngày một quan trọng của chuyển đổi số.
Trong kinh tế số, "kinh tế nền tảng số" đóng vai trò quan trọng. Tại Việt Nam, khái niệm này liên tục được nhấn mạnh trong "Chương trình chuyển đổi số quốc gia" mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, kinh tế nền tảng số nên được đối xử như thế nào trong chiến lược chuyển đổi số, một cách phù hợp và khả thi còn trông chờ vào những hành động triển khai cụ thể. Sự tồn tại một cách đa dạng và có tổ chức của các nền tảng số cho phép quá trình chuyển đổi số diễn ra trong một môi trường thuận lợi hơn.
Lấy ví dụ đơn giản như Google và Facebook tạo ra các công cụ tìm kiếm và kết nối đi kèm với cơ sở hạ tầng mà một số các doanh nghiệp có thể tận dụng như quảng cáo, bán hàng, … Amazon Web Service cung cấp những công cụ để từ đó các tổ chức, doanh nghiệp xây dựng nên nền tảng riêng. Airbnb và Uber đưa ra những giải pháp để những cá nhân, tổ chức đang hoạt động theo phương thức truyền thống tìm kiếm những cách thức tối ưu hơn trong kinh doanh… Điều đó chứng tỏ rằng các nền tảng số hoạt động giống như một hệ thống cơ sở hạ tầng để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển đối số.
Để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần có sự giúp sức của không ít các nền tảng, ví dụ như BASE – chuyên cung cấp giải pháp cho doanh nghiệp trong thời kỳ 4.0 trong việc quản trị công việc, nhân lực và tài chính, Slack, Zoom, Skype, Microsoft Team giúp đỡ các công ty trong việc cải thiện hiệu quả giao tiếp, Ybox, Vietnamwork tối ưu hoá việc tuyển dụng nhân sự,...
Giới chuyên gia cũng nhận định các nền tảng số có tiềm năng to lớn giúp đẩy nhanh và tăng tốc độ "khuếch tán" của một loạt các công nghệ, ứng dụng và nền tảng tiên tiến trên toàn nền kinh tế, là công cụ đắc lực giúp các nước thu nhập thấp có bước tiến nhảy vọt để đạt được những mốc phát triển quan trọng, trong khi đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Nền tảng số giúp đẩy mạnh nâng cấp các dịch vụ quan trọng trong y tế, giáo dục, dịch vụ tài chính, nông nghiệp thông minh và hệ thống năng lượng carbon thấp. Nó còn có thể giúp giảm đáng kể chi phí triển khai các dịch vụ mới, như trong chăm sóc y tế, nâng cao vai trò của các nhân viên y tế cộng đồng với chi phí thấp, tạo điều kiện cho việc chẩn đoán và điều trị được thực hiện ở cấp cộng đồng thay vì các bác sĩ ở các cơ sở có chi phí cao.
Nền tảng số trong giáo dục cho phép sinh viên truy cập vào bài giảng trực tuyến chất lượng với chi phí thấp ngay cả khi thiếu hụt giáo viên chuyên môn tại địa phương. Ví dụ, cuộc cách mạng Khóa học trực tuyến quy mô lớn (MOOCs) cho phép sinh viên mọi nơi có thể truy cập miễn phí vào các khóa học chất lượng cao, bao gồm các khóa học về thiết kế và sử dụng CNTT-TT. Các tài liệu đào tạo đặc biệt cũng đang được cung cấp trên điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay và các thiết bị khác.
Các nền tảng tài chính trực tuyến cho phép người dân tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng ngay cả ở những khu vực không có ngân hàng.
Chính vì tầm quan trọng này, trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp Chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam đã chỉ rõ: Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả.
Phát triển nền tảng số mang tính thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số diễn ra một cách tự nhiên, khai mở giá trị mới, mang lại lợi ích rõ ràng cho xã hội. Nền tảng số được tích hợp sẵn các chức năng về bảo đảm an toàn, an ninh mạng ngay từ khi thiết kế, xây dựng.
Để triển khai nhiệm vụ này, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đã nêu 04 giải pháp cụ thể: Xây dựng hệ thống định danh và xác thực điện tử quốc gia, nền tảng trao đổi định danh và xác thực điện tử phục vụ giao dịch điện tử bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tận dụng và kế thừa những hệ thống, nền tảng sẵn có; Xây dựng hệ thống thanh toán điện tử cho phép doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử không thông qua tài khoản ngân hàng (Mobile Money); Xây dựng và làm chủ công nghệ điện toán đám mây phục vụ nhu cầu của cơ quan nhà nước và xã hội; Xác định danh sách các nền tảng số có khả năng triển khai dùng chung rộng khắp để có chính sách khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam đầu tư phát triển.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp này tạo ra các nền tảng dùng chung, từ đó giúp xã hội tiết kiệm chi phí khi thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số diễn ra thuận lợi hơn.
Ưu tiên cho nền tảng số của Việt Nam
Không ít lần, trong các cuộc họp và hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh: Việt Nam phải làm chủ các hạ tầng và nền tảng chuyển đổi số cho từng ngành, từng lĩnh vực, và đây chính là cơ hội cho Make in Vietnam. Thị trường Việt Nam đủ lớn khi Việt Nam có 100 triệu dân, đứng thứ 12 trên thế giới. Việt Nam có khát vọng vươn lên thông qua chuyển đổi số.
"Các nền tảng như học từ xa, khám chữa bệnh từ xa, làm việc từ xa, hội nghị truyền hình, dịch vụ kế toán từ xa, nền tảng làm báo điện tử, nền tảng về an toàn an ninh mạng,… không thể để toàn bộ dữ liệu của nền kinh tế số Việt Nam bị đưa ra và lưu trữ ở nước ngoài bởi các công ty nước ngoài".
Bộ trưởng khẳng định: Mỗi tuần Bộ TT&TT sẽ tổ chức ra mắt các hạ tầng, nền tảng và ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành, các lĩnh vực. Các DN công nghệ số Việt Nam trong đại dịch COVID-19 phải đẩy nhanh và làm chủ các hạ tầng, nền tảng số. Bộ TT&TT sẽ cầm nhịp công cuộc chuyển đổi này.
Kể từ khi công bố Chiến lược Chuyển đổi số quốc gia đến nay, 10 sản phẩm đã được công nhận là nền tảng chuyển đổi số quốc gia.
Đại diện Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, cho biết: Hầu hết các nền tảng được công nhận cho đến thời điểm này là các nền tảng đã được ứng dụng thành công trong thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và tối ưu hóa hoạt động của doanh nghiệp.
Nhu cầu của người dùng, của doanh nghiệp hiện tại rất đa dạng, do đó việc các nền tảng được tập trung, kết nối sẽ giúp nhanh chóng giải quyết tốt hơn các bài toán của xã hội, của nền kinh tế.
Sau khi được lựa chọn, các nền tảng sẽ được Bộ TT&TT bảo trợ, kết nối với các doanh nghiệp công nghệ lớn, các liên minh chuyển đổi số, công nghệ Việt Nam để hoàn thiện hơn nữa về chất lượng, lan tỏa tới đông đảo người dùng.
Theo đánh giá, phản hồi từ khách hàng của 10 nền tảng vừa được công bố, chất lượng của các sản phẩm này không thua kém các nền tảng nước ngoài, thậm chí tốt hơn ở một số lĩnh vực. Tới đây, Bộ TT&TT và Liên minh Chuyển đổi số Việt Nam sẽ tiếp tục các chương trình tìm kiếm, bảo trợ và phát triển các sản phẩm chuyển đổi số tiềm năng mới.
(Bài đăng trên ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 5+6 tháng 6/2020)