Những con số biết nói

Diễn đàn - Ngày đăng : 10:09, 20/07/2020

Chuyển đổi số là quá trình sử dụng công nghệ số nhằm làm mới hoặc thay đổi những quy trình kinh doanh cũ, văn hóa, trải nghiệm khách hàng nhằm đáp ứng những nhu cầu của kinh doanh và thị trường. Chuyển đối số cần được phân biệt rõ với số hóa (Digitalization). Tại Việt Nam, cuộc tấn công của COVID-19 cùng với các lệnh giãn cách xã hội đã giúp doanh nghiệp nhận ra vai trò ngày một quan trọng của chuyển đổi số.

Chuyn đổi s còn nhiu thách thc

Kinh tế thế giới chứng kiến nhiều biến động sau cuộc bùng phát đại dịch COVID-19 trên toàn cầu. Giãn cách xã hội, sự lựa chọn không mong muốn cho đa số nhân loại đã trở thành giải pháp tình thế trên một quy mô chưa từng có. Tuy nhiên, đây thực sự là cơ hội để con người nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa quá trình chuyển đổi số.

COVID-19 cũng có thể coi là một hồi chuông nhắc nhở đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp cần đẩy mạnh quá trình số hóa. Đảm bảo kinh doanh liên tục trong thời đại hiện nay gần như là bất khả thi nếu không có công nghệ phù hợp, trong đó các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến chịu ảnh hưởng vì sự gián đoạn ít nghiêm trọng hơn so với các doanh nghiệp kinh doanh thông thường như chúng ta đã chứng kiến trong cuộc khủng hoảng.

Những con số biết nói - Ảnh 1.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Chuyển đổi số là quá trình sử dụng công nghệ số nhằm làm mới hoặc thay đổi những quy trình kinh doanh cũ, văn hóa, trải nghiệm khách hàng nhằm đáp ứng những nhu cầu của kinh doanh và thị trường. Chuyển đối số cần được phân biệt rõ với số hóa (Digitalization). Tại Việt Nam, cuộc tấn công của COVID-19 cùng với các lệnh giãn cách xã hội đã giúp doanh nghiệp nhận ra vai trò ngày một quan trọng của chuyển đổi số.

Từ góc độ kinh tế vĩ mô, việc số hóa doanh nghiệp cũng có thể giúp tăng cường hoạt động kinh tế của một quốc gia. Theo ước tính, việc số hóa các doanh nghiệp nhỏ và vừa của ASEAN có thể tạo ra thêm 1,1 nghìn tỷ đô la giá trị GDP trên toàn khu vực vào năm 2025.

Tại Việt Nam, theo Báo cáo về nền kinh tế số tại Đông Nam Á của Google, Tamesek và Bain & Company năm 2019, kinh tế số của Việt Nam và Indonesia tăng trưởng như "rồng được tháo xích" và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á (khoảng 38%) và dự kiến có thể đạt mục tiêu 43 tỷ USD vào năm 2025. Đại dịch COVID-19 sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp trong khu vực tiến hành chuyển đổi số nhanh hơn nữa.

Tuy nhiên, những con số từ trước COVID-19 cho thấy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam diễn ra chậm chạp: thiếu kỹ năng số và nhân lực, thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số, thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp vẫn là những điểm yếu trong công cuộc chuyển đổi số

Báo cáo của VCCI cho thấy, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chiếm tới hơn 98% số lượng doanh nghiệp, song trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế, có đến 80 - 90% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980 - 1990.

Theo kết quả khảo sát của Bộ Công thương, có tới 16/17 ngành khảo sát đang có mức độ sẵn sàng thấp trước xu hướng tham gia ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động của doanh nghiệp. Đáng chú ý, số doanh nghiệp mới bắt đầu biết về chuyển đối số chiếm tới trên 80%.

Chính phđang hành động

Nhận rõ những khó khăn trước mắt trong chuyển đổi số, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt và thực tế theo hướng đi trước, dẫn đường, kéo toàn bộ xã hội chuyển đổi theo.

Những con số biết nói - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến “Giới thiệu Cổng Dịch vụ công quốc gia và các lợi ích dành cho doanh nghiệp”

Tại Hội nghị trực tuyến "Giới thiệu Cổng Dịch vụ công quốc gia và các lợi ích dành cho doanh nghiệp" diễn ra mới đây tại Hà Nội, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Ousmane Dione chia sẻ: Việt Nam đã phòng chống đại dịch COVID-19 quyết liệt và hiệu quả. Thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch đã được công nhận và ngợi ca trên toàn cầu. Nhưng bài học kinh nghiệm nổi bật nhất có lẽ là yêu cầu chuyển đổi kỹ thuật số và đáp ứng nhanh các nhu cầu dịch vụ công đặt ra đối với các chính phủ.

Được khai trương từ ngày 9/12/2019, đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã có những kết quả tích cực, thể hiện được mục tiêu Chính phủ phục vụ người dân, doanh nghiệp, cụ thể đã có trên 140.000 tài khoản đăng ký, trên 35 triệu lượt truy cập, trên 10,8 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, trên 160 nghìn hồ sơ được thực hiện qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Hệ thống cũng tiếp nhận hỗ trợ trên 11.000 cuộc gọi; tiếp nhận trên 5.600 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; đã tích hợp được 728 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong đó có 395 dịch vụ công dành cho doanh nghiệp.

Điều này cho thấy một nỗ lực khác của Chính phủ để tiếp tục thúc đẩy cải cách chính phủ điện tử cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Một số nhóm thủ tục hành chính có tần suất thực hiện lớn đã được tích hợp lên cổng và phục vụ hiệu quả cho doanh nghiệp như: Nhóm thủ tục về đăng kí/thông báo khuyến mãi của doanh nghiệp; nhóm thủ tục xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O); nộp phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông; một số thủ tục mảng bảo hiểm, thuế… và nhiều thủ tục cụ thể khác. Trường hợp doanh nghiệp cần thực hiện một thủ tục cùng lúc ở nhiều địa phương (ví dụ thủ tục thông báo khuyến mãi), thay vì phải làm với từng nơi, doanh nghiệp có thể gửi một lần cho nhiều địa phương thông qua hệ thống này.

Bên cạnh việc xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển các dịch vụ công lên môi trường số, Chính phủ đang thúc đẩy phát triển thương mại điện tử vì đây là hoạt động thiết thực nhất đối với người dân và nền kinh tế số. Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định 645/ QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, mục tiêu năm 2025 cần đạt 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600USD/người/năm. Doanh số thương mại điện tử của mô hình thương mại điện tử doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2C) (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Phấn đấu 80% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động...

Một trong những trụ cột quan trọng của chuyển đổi số phải kể đến công nghệ điện toán đám mây (ĐTĐM). Hiện các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam đều đã chuyển dịch theo xu hướng này và nhu cầu khai thác ĐTĐM cũng đang tăng trưởng mạnh. Dịch COVID-19 đã và đang gây áp lực đến gần như mọi góc cạnh của nền kinh tế toàn cầu, nhưng đối với lĩnh vực điện toán đám mây và hệ sinh thái bao quanh công nghệ này lại đang là điểm sáng hiếm hoi trong bối cảnh hiện tại. Đặc biệt đại dịch đã buộc nhiều cơ quan, doanh nghiệp phải chuyển sang hình thức làm việc từ xa, một yếu tố góp phần tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu và ĐTĐM.

Ngày 22/5/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát động Chiến dịch thúc đẩy Chuyển đổi số bằng nền tảng điện toán đám mây Việt Nam. Thông qua chiến dịch này, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) hiệu triệu, kêu gọi toàn thể xã hội thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn bằng nền tảng điện toán đám mây Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định: "Việt Nam phải làm chủ các hạ tầng và nền tảng chuyển đổi số cho từng ngành, từng lĩnh vực, và đây chính là cơ hội cho Make in Vietnam. Thị trường Việt Nam là một thị trường đủ lớn với 100 triệu dân, đứng thứ 12 về dân số trên thế giới. Việt Nam có khát vọng vươn lên thông qua chuyển đổi số".

Việt Nam là một trong số những nước sớm ban hành tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật cho hạ tầng ĐTĐM. Bộ trưởng hy vọng tới đây sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác phát triển hạ tầng ĐTĐM vì đây sẽ là thành phần quan trọng nhất của hạ tầng số. Hạ tầng số phải được đầu tư trước, thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế số. Sự ra mắt của hạ tầng ĐTĐM là bước chuẩn bị để đón nhận Đề án Chuyển đổi số quốc gia sẽ được Thủ tướng Chính phủ ký trong những ngày tới.

Li ích đong đếm được t chuyn đổi s

Với "cú hích" đến từ dịch bệnh COVID-19, chuyển đổi số sẽ diễn ra mạnh mẽ và toàn diện trên các lĩnh vực. Chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp Việt Nam linh hoạt trong thay đổi mô hình hoạt động, tiết giảm chi phí, duy trì hoạt động để tồn tại và hồi phục mạnh mẽ sau khi dịch đã qua.

Những con số biết nói - Ảnh 3.

Lãnh đạo Bộ TT&TT cùng đại diện các doanh nghiệp thực hiện nghi thức phát động Chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số bằng Nền tảng điện toán đám mây Việt Nam

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh việc thực hiện thủ tục qua Cổng Dịch vụ công quốc gia vừa tiết kiệm chi phí, thời gian, vừa tăng tính minh bạch thông qua hoạt động giám sát. "Cổng Dịch vụ công quốc gia giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều về thời gian, chi phí, thủ tục hành chính. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.490 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng Dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm".

Giá trị của Cổng Dịch vụ công quốc gia đã được chứng minh trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19 vừa rồi. Với các biện pháp giãn cách xã hội được đưa ra nhằm ngăn chặn lây nhiễm, người sử dụng dịch vụ và cán bộ cơ quan nhà nước có thể truy cập và cung cấp các dịch vụ công thiết yếu bằng phương thức trực tuyến, để bảo vệ người dân, doanh nghiệp và cán bộ cơ quan nhà nước. Đặc biệt, từ ngày 12/5, Cổng Dịch vụ công quốc gia cung cấp thêm 6 dịch vụ công hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Theo đó, 6 dịch vụ công được cung cấp là: Hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động; Kê khai gia hạn nộp thuế doanh nghiệp; Kê khai gia hạn nộp thuế cá nhân; Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất; Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị trong thực hiện hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc này không chỉ giúp rút ngắn thời gian chi trả hỗ trợ, mà còn giúp giám sát các hành vi trục lợi, khai gian trong hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. "Vừa qua Cổng Dịch vụ công quốc gia đã phát hiện ra việc này", ông Mai Tiến Dũng cho biết.

Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, lần đầu tiên ghi nhận giá trị pháp lý của thủ tục trực tuyến, kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử, công nhận hồ sơ ký số của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm bớt các loại hồ sơ giấy cũng như các quy trình giao dịch trực tiếp với cơ quan nhà nước, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần xây dựng nền kinh tế số.

Việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đem lại lợi ích rất lớn cho người dân, doanh nghiệp và Cổng Dịch vụ công quốc gia là "kênh" hữu hiệu để "điện tử hóa" thủ tục hành chính. Việc thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia còn tạo thêm kênh giám sát, bảo đảm tính minh bạch của các bộ, ngành, địa phương.

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến nên bắt đầu từ việc đơn giản hóa các quy trình kinh doanh. Bởi cho dù có bao nhiêu dịch vụ được cung cấp trực tuyến chăng nữa, mà nếu những dịch vụ đó không giúp làm giảm thời gian và chi phí giao dịch cho doanh nghiệp thì cũng không mang lại nhiều ý nghĩa đối với họ.

Do đó, điều quan trọng là Chính phủ hiểu rõ những lĩnh vực làm phát sinh nhiều thời gian và chi phí trong toàn bộ chuỗi cung ứng dịch vụ để tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ. Dữ liệu và thông tin được khởi tạo và thu thập thông qua Cổng thông tin, chẳng hạn như chi tiết giao dịch trực tuyến và phản hồi, sẽ là điểm khởi đầu rất đáng quan tâm để Chính phủ phân tích các lĩnh vực còn vướng mắc và giải pháp để gỡ bỏ rào cản cho doanh nghiệp trong quy trình hiện tại.

Các cơ sở dữ liệu khác, chẳng hạn như đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, giấy phép xây dựng, nộp thuế cũng sẽ là những điểm định hướng hữu ích nếu được phân tích nhằm tối ưu hóa dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh đó, đối với người dân và các tổ chức, doanh nghiệp, việc ứng dụng các nền tảng như học từ xa, khám chữa bệnh từ xa, làm việc từ xa, hội nghị truyền hình, dịch vụ kế toán từ xa, nền tảng làm báo điện tử, nền tảng về an toàn an ninh mạng, hạ tầng về ĐTĐM… giúp các tổ chức, doanh nghiệp trong nước tiết kiệm chi phí, linh hoạt, an toàn hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tốc độ phát triển của nền kinh tế số Việt Nam.

Được biết, thị trường ĐTĐM trong nước hiện nay đạt khoảng 200 triệu USD với mức tăng trưởng hàng năm trên 30%. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20% thị phần, 80% vẫn dùng đám mây đặt tại nước ngoài, còn rất khiêm tốn.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá, lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử. Đây cũng là định hướng để doanh nghiệp Việt làm chủ công nghệ, phát triển nền tảng điện toán đám mây Việt Nam. Trong thời gian tới Bộ sẽ đánh giá và công bố các nền tảng điện toán đám mây Việt Nam đáp ứng Bộ tiêu chí để các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước sử dụng

Việc phát triển các công nghệ mới về viễn thông, ĐTĐM, hội nghị truyền hình dựa trên các chuẩn mở, dựa trên mã nguồn mở là hướng đi đúng và phù hợp nhất đối với chúng ta. Đây chính là thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp viễn thông và CNTT trong nước khai phá, phát triển.

(Bài đăng trên ấn phẩm in Tạp chí TT&TT Số 5+6 tháng 6/2020)

Mạnh Vỹ