CMC hướng tới tập đoàn công nghệ toàn cầu quy mô 1 tỷ USD
Kinh tế số - Ngày đăng : 15:31, 16/07/2020
Theo báo cáo của Ban điều hành, năm tài chính 2019, kết quả kinh doanh hợp nhất của Tập đoàn công nghệ CMC đạt doanh thu 5.381 tỷ đồng, lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 309 tỷ đồng.
Các lĩnh vực kinh doanh chủ chốt như Kinh doanh Quốc tế, Dịch vụ Viễn thông đều có mức tăng trưởng tốt, lần lượt đạt 49% và 13% tăng trưởng về doanh thu, 18% và 22% tăng trưởng về lợi nhuận. Năm đầu tiên sau khi hoàn tất tái cấu trúc trên cả 2 miền, khối Giải pháp công nghệ giữ mức tăng trưởng -10% doanh thu và -9% lợi nhuận.
Năm 2019 đánh dấu việc CMC đã đàm phán, ký kết hợp đồng đầu tư chiến lược và hoàn tất các thủ tục phát hành riêng lẻ 25 triệu cổ phiếu CMG cho Samsung SDS - đơn vị thành viên của Samsung.
Sau khi hoàn tất thủ tục đầu tư và góp vốn vào CMC, Samsung SDS đã và đang tăng cường, thúc đẩy các hoạt động hợp tác toàn diện với CMC trong việc phát triển các lĩnh vực: giải pháp nhà máy thông minh, điện toán đám mây, phân phối thiết bị thông minh… Hai bên cũng đang hợp tác đầu tư, thúc đẩy tìm kiếm các cơ hội kinh doanh trong các mảng giải pháp bán lẻ, bảo mật, hệ thống quản lý tòa nhà (BMS)… để thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, mở rộng phạm vi sang thị trường Châu Á - Thái Bình Dương và phát triển kinh doanh toàn cầu.
Trong hoạt động nghiên cứu phát triển, năm 2019 CMC đã ra mắt Hệ sinh thái hạ tầng mở cho doanh nghiệp (DN) và tổ chức C.OPE2N. Đây là hệ thống kiến trúc mở, tích hợp tất cả thế mạnh công nghệ của CMC như nền tảng điện toán đa đám mây (Multi-Cloud), nền tảng dữ liệu (Data Lake), Trí tuệ nhân tạo (AI) và nền tảng ứng dụng; cho phép chính phủ, các cơ quan tổ chức và các DN đồng thời cung cấp các dịch vụ điện toán và phát triển các ứng dụng đa nền tảng.
Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC (CIST) cũng phát huy vai trò dẫn dắt với việc thực hiện 25 hạng mục nghiên cứu, bắt đầu có nhiều sản phẩm, giải pháp hoàn chỉnh được triển khai thực tế như: hệ thống chữ ký số CA, Data Matching cho Bảo hiểm, Hải quan; AI Box (Smart Camera) ứng dụng cho kiểm soát vào ra; Ứng dụng AI cho phát hiện bất thường, phát hiện tấn công mạng…
Theo kế hoạch năm 2020, CMC đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất là 6.009 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 359 tỷ đồng tương ứng với mức tăng trưởng 12% và 16%. Trong đó, khối Giải pháp Công nghệ, Kinh doanh Quốc tế, Dịch vụ Viễn thông lần lượt tăng trưởng 5%, 71%, 15% doanh thu và 1%, 305%, 9% lợi nhuận.
Việc đặt kế hoạch như vậy dựa trên dự đoán thị trường phần cứng trong năm 2020 sẽ tăng trưởng 6% so với năm 2019, trong khi thị trường dịch vụ CNTT và phần mềm tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, lần lượt là 11% và 13%. Viễn thông, Ngân hàng -Tài chính, Bảo hiểm, DN dịch vụ chuyên nghiệp và khối chính phủ sẽ là các đối tượng có mức đầu tư IT lớn trong năm 2020.
Định hướng chiến lược của CMC đến năm 2023 là trở thành tập đoàn toàn cầu với quy mô 1 tỷ USD và 10.000 nhân sự. Tập đoàn sẽ tập trung vào các thị trường chiến lược: Tài chính ngân hàng, doanh nghiệp, chính phủ và mở rộng phát triển thị trường quốc tế. Trong lĩnh vực giải pháp công nghệ, CMC hướng tới vị thế dẫn đầu về tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho tổ chức, DN, dẫn đầu về cung cấp giải pháp an ninh bảo mật, điện toán đám mây và dịch vụ dữ liệu.
Tập đoàn sẽ CMC đầu tư chuyên sâu về các giải pháp và các sản phẩm chuyển đổi số cho tổ chức, DN, bên cạnh các giải pháp ngành cho tài chính ngân hàng và khối DN. Lĩnh vực Kinh doanh Quốc tế đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ số Top 5 Việt Nam, tập trung vào các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á, Châu Âu, Bắc Mỹ…
Đối với dịch vụ viễn thông, CMC hướng đến vị trí số 1 Việt Nam về cung cấp dịch vụ hội tụ (CSP), số 1 về cung cấp dịch vụ Cloud (Private & Public), hướng tới mục tiêu là Trung tâm số (Digital Hub) của khu vực châu Á – Thái Bình Dương.