Covid-19 thay đổi thói quen sử dụng truyền thông xã hội
Truyền thông - Ngày đăng : 13:59, 15/07/2020
Gia tăng người dùng phương tiện truyền thông xã hội
Theo phân tích của cơ quan tư vấn DataReportal, ước tính có khoảng 4,57 tỷ người hiện đang sử dụng Internet - hơn một nửa nhân loại. Đây là mức tăng hơn 7% kể từ cùng thời điểm này năm ngoái. Trong khi đó, người dùng phương tiện truyền thông xã hội đang phát triển nhanh chóng, tăng hơn 8% kể từ tháng 4/2019 lên 3,81 tỷ vào tháng 4/2020.
Theo một báo cáo được công bố vào tháng 4 bởi We Are Social, Hootsuite và Kepios có tiêu đề "Báo cáo thống kê toàn cầu số tháng 4 năm 2020", số người dùng điện thoại di động đã tăng 128 triệu người trong 12 tháng qua. Điều này đã thúc đẩy gia tăng người dùng phương tiện truyền thông xã hội trên toàn thế giới.
Ở Đông Nam Á, hơn 55% dân số sử dụng phương tiện truyền thông xã hội. Việc sử dụng truyền thông xã hội trong khu vực đã tăng lên theo cấp số nhân và không có dấu hiệu chậm lại. Một báo cáo năm 2018 của Viện ISEAS-Yusof Ishak cho biết tỷ lệ sử dụng phương tiện truyền thông xã hội ở Brunei là 95%, Singapore là 83% và Malaysia là 75%. Một số quốc gia khác có tỷ lệ thấp hơn là 35% ở Lào và 34% ở Myanmar.
Tuy nhiên, theo báo cáo tổng quan kỹ thuật số toàn cầu năm 2020, Lào - nơi có tỷ lệ sử dụng phương tiện truyền thông xã hội là 35% trong 2 năm trước, hiện đã ở mức 43%. Các quốc gia thành viên ASEAN khác cũng cho thấy việc sử dụng truyền thông xã hội gia tăng trong thời gian gần đây.
Nghiên cứu đặc biệt về Covid-19 của GlobalWebIndex khảo sát người dùng Internet tại 17 quốc gia cho thấy gần một nửa số người dùng đã dành thời gian nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông xã hội, trong khi đó khoảng một nửa số người dùng này cho biết họ đã sử dụng mạng xã hội nhiều hơn so với trước thời gian giãn cách xã hội.
Theo kết quả cuộc khảo sát, Philippines có số lượng người dùng lớn nhất với sự gia tăng thời gian dành cho các nền tảng truyền thông xã hội. Khoảng 64% người Philippines được khảo sát cho biết, thời gian sử dụng mạng xã hội của họ tăng lên, so với mức trung bình toàn cầu là 47%.
Facebook là nền tảng xã hội được sử dụng nhiều nhất trên thế giới vào tháng 4/2020.
Dựa trên Báo cáo toàn cầu về kỹ thuật số 2020, Facebook là nền tảng xã hội được sử dụng nhiều nhất trên thế giới vào tháng 4 năm nay. Theo sau là YouTube, WhatsApp, Facebook Messenger và WeChat. Ngoài ra, Twitter cũng chứng kiến bước nhảy hàng quý lớn nhất trong số các nền tảng xã hội.
Trích dẫn báo cáo của App Annie cho thấy TikTok vẫn duy trì được số lượng người dùng hoạt động của mình và vẫn bám đuổi Instagram về số người dùng hàng tháng cho mỗi nền tảng ứng dụng di động.
Theo một báo cáo về phương tiện truyền thông, TikTok - một dịch vụ mạng xã hội chia sẻ video của Trung Quốc đã trở nên phổ biến trong đại dịch với 28,8 triệu người ở Mỹ đã sử dụng ứng dụng này trong tháng 3. Trên toàn cầu, ứng dụng này hiện có khoảng 800 triệu người dùng.
Đại dịch COVID-19 đã chứng kiến thông tin sai lệch lan truyền mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Thông tin sai lệch bùng nổ trên các phương tiện truyền thông xã hội
Theo Trợ lý Giáo sư Mary Dunn giảng dạy về quảng cáo và truyền thông tích hợp tại Quinnipiac: "Truyền thông xã hội có thể là công cụ hữu hiệu giúp chúng ta không cảm thấy cô đơn trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, chia sẻ giải pháp giải quyết vấn đề cho những thách thức mới mà chúng ta đang phải đối mặt và cho phép chúng ta ghi lại những trải nghiệm của mình trong khoảng thời gian đặc biệt này".
Tuy nhiên, việc tiếp xúc liên tục với các phương tiện truyền thông và mạng xã hội có thể làm trầm trọng thêm các rủi ro về sức khỏe tâm thần. Thông tin và những câu chuyện giật gân về Covid-19 được chia sẻ nhiều lần khiến người dùng dễ hoang tưởng và lo lắng về cuộc khủng hoảng sức khỏe hơn mức cần thiết.
"Truyền thông xã hội có thể là tích cực và cũng có thể là tiêu cực bởi mọi người đăng những nội dung thực sự truyền cảm hứng và các hoạt động làm giàu... nhưng họ cũng thường... đăng tải những câu chuyện khủng khiếp", nhà tâm lý học lâm sàng, TS. GS Khoa Khoa học Xã hội và Hành vi của Trường Y tế Công cộng Yale, Sarah Lowe, chia sẻ với truyền thông.
Đại dịch COVID-19 đã chứng kiến thông tin sai lệch lan truyền mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông xã hội trên toàn cầu. Các quốc gia như Malaysia và Việt Nam cũng đã phải áp dụng nhiều biện pháp xử phạt đối với những người đã đăng tin giả, tin sai sự thật trên các nền tảng xã hội.
"Thông tin sai lệch đang gây ra những thiệt hại, nhưng nó không rõ ràng như thời kỳ đầu của cuộc khủng hoảng. Các công ty truyền thông xã hội cũng không xem nhẹ vấn đề này. Họ đã loại bỏ những tài khoản tham gia vào việc lan truyền những thông tin sai lệch về Covid-19", Rich Hanley, Phó Giáo sư Báo chí của Đại học Quinnipiac chia sẻ.
Thế giới đã thay đổi đáng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta. Và, thay đổi thói quen sử dụng truyền thông xã hội là một trong những thay đổi rõ ràng nhất nhằm đối phó cũng như thích nghi với cuộc sống và công việc trong thời kỳ giãn cách xã hội.