Ứng dụng AI, đám mây là xu hướng bắt buộc, cốt lõi cho chuyển đổi số
Diễn đàn - Ngày đăng : 17:45, 09/07/2020
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Trần Minh Khôi, Giám đốc sản phẩm mảng AI của Viettel IDC cho biết: Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu và Việt Nam. Đại dịch Covid-19 đẩy nhanh chuyển đổi số từ 20 – 25 năm. Quá trình chuyển đổi số là một trong những động lực giúp doanh nghiệp (DN) thay đổi từ nhân sự, tổ chức dữ liệu, kinh doanh.
Trong khi đó, ông Vũ Minh Trí, CEO VNG Cloud, Chủ tịch Câu lạc bộ điện toán đám mây (ĐTĐM) và Trung tâm dữ liệu cho biết sau: Covid-19, nhiều DN đã nhận thấy nếu không chuyển đổi số thì không thể tồn tại. Tác động của Covid-19 đã thúc đẩy nhiều DN chuyển đổi lên đám mây.
Không chỉ chịu tác động bởi Covid-19, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch VIA cho biết: Năm 2020 được dự báo là năm của ĐTĐM khi phần lớn các khối lượng công việc, lượng thông tin đều được đưa lên đám mây. Lượng thông tin đã bùng nổ mà các phương tiện lưu trữ truyền thống hiện không thể đáp ứng được. Đây cũng là xu hướng và yêu cầu tất yếu của quá trình phát triển.
"ĐTĐM không chỉ đơn thuần là một trung tâm dữ liệu mà còn có thể gọi là trung tâm điều hành, vận hành của các tổ chức, đặc biệt đối với các DN", ông Liên cho hay.
Theo dự báo của các chuyên gia, trong 2 – 3 năm tới, ĐTĐM sẽ thực sự bùng nổ. Việc sử dụng ĐTĐM cũng gắn với công nghệ AI. Ứng dụng AI và ĐTĐM sẽ giúp nâng cao năng lực, tiềm năng của các DN trong phát triển kinh doanh.
ĐTĐM sẽ mang lại khả năng truy cập và sử dụng các công cụ số, năng lực điện toán số cho mọi loại hình DN, cho phép chính phủ và các cơ quan chức năng có thể quản lý và vận hành lượng dữ liệu khổng lồ một cách an toàn, đồng thời thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ cao như AI và học máy (machine learning).
Theo một nghiên cứu từ tập đoàn tư vấn Boston, việc ứng dụng ĐTĐM có thể gia tăng 30 tỷ USD vào GDP của Singapore và Indonesia cũng như tạo ra hàng chục ngàn việc làm. Việt Nam hoàn toàn có thể được hưởng lợi từ những tác động tích cực tương tự bằng cách khuyến khích các tổ chức áp dụng những dịch vụ mới nhất về ĐTĐM công.
Việc ứng dụng ĐTĐM đang đem lại thay đổi tại Việt Nam. Bên cạnh các DN ĐTĐM toàn cầu, các dịch vụ và ứng dụng trên nền ĐTĐM Việt Nam cũng đang phát triển đa dạng và phong phú, tiêu biểu như các sản phẩm của 4 DN ĐTĐMlà thành viên CLB ĐTĐM và Trung tâm dữ liệu Việt Nam (VNCDC) đã được Bộ TT&TT lựa chọn làm nòng cốt trong việc thúc đẩy chuyển đổi số, dẫn đầu các tiến bộ công nghệ, cải thiện cơ sở hạ tầng và cung cấp sản phẩm, dịch vụ.
Đối với DN nói chung, các dịch vụ ĐTĐM giúp tăng hiệu suất làm việc, cắt giảm chi phí và chủ động xây dựng kế hoạch. Đối với chính phủ, việc vận hành các dịch vụ trực tuyến sẽ hiệu quả, tinh giản và đáng tin cậy hơn. Đối với các DN nhỏ và khởi nghiệp, công nghệ giúp tăng khả năng phát triển và vận hành một cách nhanh chóng.
Cần hỗ trợ DN ứng dụng AI
Mặc dù, ứng dụng AI là xu hướng bắt buộc, cốt lõi cho chuyển đổi số trong thời gian tới. Tuy nhiên, ông Khôi cho rằng sau quá trình tìm hiểu về AI, nhiều DN còn ngần ngại, nên cần sự tư vấn. Khi ứng dụng AI, DN cần cần bắt đầu từ việc nhỏ, mang lại ích lợi lớn.
Ông Khôi lấy ví dụ về ứng dụng AI trong việc chấm công ở những DN, khu công nghiệp lớn. Thường các DN, nhà máy thực hiện chấm công bằng vân tay, nhưng trong đợt dịch Covid-19 chấm công bằng vân tay hoàn toàn phải dừng lại để ngăn chặn dịch bệnh. Đồng thời, thời gian chấm công bằng vân tay rất lâu khi mỗi người phải mất 1 - 2 phút. Khi DN, nhà máy chấm công bằng công nghệ nhận diện khuôn mặt AI thì có thể chấm công vài trăm người chỉ trong vài phút.
"Ứng dụng nhỏ này đã giải quyết bài toán lớn là hạn chế việc tập trung đông người gây ùn tắc, thời gian cho cả người lao động và cấp quản lý. AI cũng có thể ứng dụng giải bài toán lớn cho ngành y tế, giao thông thông minh, ngân hàng - tài chính".
Cũng dẫn chứng một ví dụ ứng dụng AI, ông Trí cho biết các tổng đài (call center) ứng dụng AI sẽ phát huy hiệu quả khi giúp giảm số lượng nhân viên giám sát, giảm thời gian, khối lượng công việc xử lý cuộc gọi.
Tuy nhiên, ông Trí cho rằng bất kỳ tổ chức, DN nào ứng dụng AI cũng phải suy nghĩ về mục tiêu, ngân sách. Các DN nhỏ và vừa có nhu cầu ứng dụng AI nên chọn ứng dụng, mô hình có sẵn và nhập dữ liệu vào.
Điểm xuất phát để sử dụng AI chắc chắn sẽ phải chuyển đổi số vì AI dựa trên dữ liệu. Có hai hướng tiếp cận ứng dụng AI là ứng dụng theo hướng từ dưới đi lên và hướng mục tiêu.
Theo hướng từ dưới lên, thì mỗi một DN có dữ liệu khác nhau và mỗi dữ liệu nằm trong cơ sở dữ liệu (CSDL) khác nhau phải tìm cách kết nối dữ liệu lại và xây dựng kho dữ liệu lớn và tốn nhiều tiền. Thời gian xây dựng thì mất vài năm và tốn hàng chục triệu USD và chưa phát huy AI được ngay. Cách tiếp cận này dành cho DN lớn.
Cách tiếp cận thứ hai làm theo hướng mục tiêu là DN phải hiểu khách hàng, xem ứng dụng AI cần dữ liệu nào, lấy các CSDL kết hợp, xử lý và cho ra mô hình AI, rồi chạy qua các dịch vụ ĐTĐM có sẵn để đạt kết quả. Do đó chỉ mất khoảng 1 tuần là có được mô hình AI và đưa vào vận hành.
Ông Trí cũng cho rằng AI cũng giống như đứa trẻ phải nuôi lớn có nghĩa là nhập dữ liệu theo đặc thù ngành rồi ứng dụng học máy (machine learning) để có thể phát huy hiệu quả.