Những xu hướng E-Learning của năm 2020 - Cơ hội cho các doanh nghiệp
Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 07:51, 06/07/2020
Các nghiên cứu chỉ ra rằng ngành công nghiệp e-learning toàn cầu dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 11% vào năm 2020. Với tỷ lệ tăng trưởng cao như vậy, các doanh nghiệp hoàn toàn có cơ hội khi tham gia vào thị trường e-learning. Để tận dụng tốt những cơ hội vàng này, điều quan trọng là phải tuân theo các xu hướng e-learning mới nhất. Bởi những xu hướng mới này sẽ xác định lại tiêu chuẩn của ngành công nghiệp e-learning. Vậy, những xu hướng e-learning của năm 2020 là gì?
Nền tảng trải nghiệm học tập
Dấu mốc tiếp theo sau hệ thống quản lý học tập (LMS - Learning Management System) chính là nền tảng trải nghiệm học tập (LXP - Learning Experience Platform). Mục tiêu của LXP là cho phép học tập tự định hướng tuân thủ các tiêu chuẩn cập nhật của ngành giáo dục. Nhiều công ty phần mềm e-learning hàng đầu đã tham gia và bắt đầu khắc phục những vấn đề căn bản của mình trong thị trường LXP, vì họ hiểu rằng đó là tương lai của hệ thống đào tạo trực tuyến.
Nền tảng nâng cao trải nghiệm học tập trực tuyến của người dùng bằng cách cung cấp trải nghiệm cá nhân hóa. LXP cho phép người dùng khám phá các cơ hội học tập. Các hệ thống này là các điểm truy cập duy nhất và có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ, bao gồm tạo nội dung, cải thiện phát triển kỹ năng, cho phép kết nối và theo dõi các hoạt động học tập.
Gần đây, các nhà cung cấp LMS đang cung cấp các tính năng LXP như một tiện ích bổ sung, nhưng khá khó để thực hiện tất cả các tính năng trong phần mềm hiện có, LinkedIn Learning là một ví dụ như vậy. Trong khi đó, Workday Learning đã phát triển LXP mới cung cấp nội dung được tạo ngang hàng và hệ thống quản lý học tập tương tác. Khi phân tích sự tăng trưởng của thị trường, các nhà nghiên cứu đã tuyên bố rằng nền tảng trải nghiệm học tập LXP là tương lai của hệ thống e-learning.
Theo dõi phân tích người học
Theo dõi và lưu giữ báo cáo phân tích người học được sử dụng để cải thiện đào tạo e-learning và xem xét khả năng tiếp thu của người học. Hầu hết các tổ chức đào tạo được trang bị hệ thống quản lý học tập và hệ thống hỗ trợ với tính năng theo dõi. Phân tích và theo dõi hành vi của người học là một nhiệm vụ đơn giản không yêu cầu hệ thống hoặc nền tảng cao cấp. Ngay cả một hệ thống quản lý học tập hiện đại và cập nhật cũng cho phép các tính năng theo dõi và phục hồi dữ liệu và đáp ứng nhu cầu học tập và phát triển của người học. Một số thông tin cơ bản cần thiết trong quá trình theo dõi và phân tích là: Tỷ lệ hoàn thành khóa học, Thông tin về người học, Chủ đề người học chọn theo học, Những khó khăn thực sự mà người học phải đối mặt, Điểm mạnh và điểm yếu của người học và Ứng viên thích hợp cho một nhiệm vụ đào tạo cụ thể.
Phân tích những báo cáo với các thông tin như vậy sẽ giúp các tổ chức đào tạo chọn được những người học giỏi nhất sở hữu bộ kỹ năng phù hợp, để đáp ứng các mục tiêu đào tạo.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo
Trí tuệ nhân tạo (AI) đóng một vai trò lớn trong việc cải thiện trải nghiệm e-learning. AI sẽ đóng vai trò như một gia sư cá nhân hỗ trợ người học trong đào tạo trực tuyến. Lợi ích chính của gia sư AI là sẵn sàng đáp ứng yêu cầu sử dụng liên tục (24x7) và dễ dàng truy cập, tức là, có thể được truy cập trên bất kỳ thiết bị nào. Một LMS hiện tại có thể dễ dàng làm theo một robot hỗ trợ AI, thậm chí có thể dạy cho các sinh viên ngay chính tại ngôi nhà của họ. Sự thoải mái dễ chịu là một trong những lợi thế chính mà gia sư AI có thể nâng cao trải nghiệm e-learning.
Những trợ lý robot hỗ trợ AI này không thua kém gì con người, chúng có thể chuyển động và theo dõi động thái của học sinh, sinh viên. Hơn nữa, các sinh viên có thể giao tiếp bằng giọng nói với gia sư AI khi muốn đặt các câu hỏi, thậm chí những giáo viên, gia sư AI này có thể giúp người học chọn lựa được chương trình học phù hợp. Cụ thể, AI sẽ đóng vai trò như một người dẫn dắt thực thụ cho học viên khi tham gia khóa học e-learning. Toàn bộ những bài học và các hình thức hỗ trợ khác đều được công cụ AI hỗ trợ một cách tối đa. Để tăng thêm tính tương tác cao với học viên, các website e-learning thậm chí còn hỗ trợ công cụ chatbot để có thể trả lời các học viên trong thời gian nhanh nhất có thể. Ngoài ra, AI còn có thể giúp lập trình ứng dụng di động tích hợp e-learning một cách nhanh chóng.
Một số hoạt động e-learning phổ biến có sự hỗ trợ của AI:
Học 1-1 với trợ lý ảo: Đây là hình thức phổ biến, quen thuộc với người dùng khi có nhu cầu học online. Thay vì có một người gia sư hướng dẫn trực tiếp thì hình thức học 1-1 này sẽ hoàn toàn được vận hành bởi các trợ lý ảo. Và những bộ máy này cũng thông minh không kém gì con người.
Tự động thiết kế chương trình học theo ý thích của học viên: Một ứng dụng khác của e-learning đó chính là khả năng tự động thiết kế chương trình học của học viên. Cụ thể là sẽ thiết kế một khung chương trình học riêng biệt, phù hợp với độ tuổi, nhu cầu, sở thích và khả năng của người học. Cách thiết kế này hoàn toàn được vận hành tự động bởi AI.
Cải thiện khả năng tương tác với người dùng: Việc áp dụng công nghệ AI vào trong các website hoặc ứng dụng học trực tuyến này sẽ giúp việc tương tác của người học ngày càng mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Khi website e-learning có khả năng tương tác với người dùng được tốt hơn, điều đó đồng nghĩa với việc sản phẩm có thể giữ chân được người dùng một cách hiệu quả.
Cải thiện khả năng phân tích dữ liệu: Dữ liệu hiện nay có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc phân tích hành vi của người dùng. Và tất nhiên, việc phân tích dữ liệu vô cùng phức tạp chứ không hề đơn giản. Do đó, công nghệ AI chính là giải pháp để giúp cho các chủ sở hữu website có thể có được những dữ liệu tốt nhất, từ đó có thể hướng đến việc đem lại cho người dùng những trải nghiệm ấn tượng và thu hút hơn.
Công nghệ AR, VR và MR giúp trải nghiệm e-learning tốt hơn
Ngày nay, cũng có một tỷ lệ lớn người học thích quan sát mọi thứ kể cả thông tin hơn là đọc. Do đó, công nghệ AR (thực tế tăng cường), VR (thực tế ảo) và MR (thực tế hỗn hợp) đang phục vụ cho mục đích hiển thị rất tốt. Đây là những công nghệ rất cần thiết để nâng cao trải nghiệm học tập của người dùng cả hiện tại và tương lai.
Thực tế, trong 5 năm qua, đã có những phát triển đột phá trong ứng dụng VR và AR trong đào tạo. Nhờ các bộ xử lý nhanh hơn, các vi mạch nhỏ hơn và các cải tiến công nghệ như kính Apple, AR, Facebook Oc Oculus và Google Glass, các ứng dụng e-learning trước đây không thể tưởng tượng được, ví dụ như đào tạo bác sĩ về các quy trình y tế phức tạp, hiện đã gần như phổ biến. Một số trải nghiệm e-learning sử dụng AR/VR: Huấn luyện học sinh thông qua e-learning về các môn học mà trước đây thường là lĩnh vực của các viện nghiên cứu và đào tạo; Biến phòng học hoặc phòng hội thảo thành bất kỳ môi trường có thể tưởng tượng nào - sàn nhà máy, công trường xây dựng nhà cao tầng hoặc phòng thí nghiệm công nghệ cao, không có mối lo ngại nào về sức khỏe và an toàn liên quan - hoàn hảo cho việc học thử và sai sót; Giới hạn học trực tuyến chỉ trong phạm vi mà người thiết kế hướng dẫn có thể dám nghĩ hoặc hình dung.
Bằng cách kết hợp các môi trường và tình huống ảo vào chương trình giảng dạy điện tử, các nhà thiết kế hướng dẫn sẽ mang lại trải nghiệm học tập thực tế cho người học mà trước đó là chưa từng có. VR, AR cũng như MR đang trao quyền cho các nhà phát triển nội dung e-learning để làm cho việc học trở nên hấp dẫn hơn đối với người học.
Kết luận
Các công nghệ như AR, VR, MR và AI sẽ sớm được sử dụng hết tiềm năng của chúng trong e-learning. Ngoài ra, các phần mềm và công cụ phân tích là tương lai của các nền tảng e-learning, sẽ sớm trao quyền cho ngành công nghiệp giáo dục trực tuyến và cũng sẽ được sử dụng bởi mọi tổ chức khác. Tuy nhiên, bên cạnh việc cung cấp nhiều lợi ích, e-learning cũng có những nhược điểm nhất định. Chẳng hạn như, hầu hết những đánh giá, kiểm tra online đều bị giới hạn bởi tính khách quan; Tính chính thống và độ tin cậy của bài tập mà người học nộp cũng là một vấn đề lớn vì khi học trực tuyến không thể giám sát được ai là người làm bài; Những sự đánh giá được thực hiện trên máy tính thường có xu hướng chỉ dựa trên kiến thức và lý thuyết, không có tính thực hành cao. Ngoài ra, vấn đề về tính bảo mật trên các phần mềm hay hệ thống cũng cần được cân nhắc.
Tuy nhiên, đó là những nhược điểm mang tính chất đặc thù của phương pháp học trực tuyến và hoàn toàn có thể khắc phục được. Sự tiện lợi, linh hoạt và rất nhiều ưu điểm khác khiến cho e-learning sẽ tiếp tục là lựa chọn cho học tập trong tương lai, nhất là trong kỷ nguyên số hóa. Vì vậy, nếu muốn vượt trội trong cuộc đua giành thì phần trong ngành công nghiệp e-learning, các doanh nghiệp cần quyết tâm theo đuổi các xu hướng e-learning để vượt lên trên đối thủ của mình.
Tài liệu tham khảo
1. https://www.elearninglearning.com
2. https://techcrunch.com
3. https://edunet.vn
(Bài đăng trên Tạp chí TT&TT Số 3+4 tháng 5/2020)