Người dân Quảng Bình thoát nghèo nhờ tín dụng chính sách
Truyền thông - Ngày đăng : 16:09, 26/06/2020
Dân thoát nghèo từ chính sách tín dụng
Từ năm 2014 đến 30/6/2019, doanh số cho vay của NHCSXH tỉnh Quảng Bình qua 3 chương trình, gồm: hộ nghèo, giải quyết việc, xuất khẩu lao động đạt trên 1.279 tỷ đồng với 41.700 lượt hộ vay vốn. Tổng dư nợ đạt trên 700 tỷ đồng với gần 18.400 hộ dư nợ. Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH đã tăng 38,5 tỷ đồng, chiếm 69,9% tổng số nguồn vốn ngân sách ủy thác qua NHCSXH.
Với những kết quả tín dụng như vậy, toàn tỉnh Quảng Bình có trên 44.900 hộ được hỗ trợ và vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm thường xuyên cho trên 11.500 lao động, đưa tỷ lệ lao động thất nghiệp chung toàn tỉnh từ 2,38% (năm 2014) xuống còn 1,98% (năm 2018); hỗ trợ 3.700 hộ nghèo và 88 hộ gia đình, người lao động có thu nhập thấp được vay vốn để xây dựng mới và sửa chữa nhà ở… Đây là những con số chứng minh cho tính hiệu quả và tầm quan trọng của nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Nhiều mô hình, dự án giảm nghèo được tỉnh triển khai hiệu quả, giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. (Ảnh: Báo Quảng Bình)
Ông Trịnh Đình Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Bình khẳng định, nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay để đầu tư sản xuất, kinh doanh, con em học tập, học nghề, xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm… góp phần quan trọng tạo sinh kế, giảm nghèo, tạo việc làm, cải thiện đời sống của người dân. Thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi, hộ nghèo và các đối tượng chính sách được nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực, tự vươn lên trong sản xuất, kinh doanh để tạo việc làm, tăng thu nhập nhằm vươn lên thoát nghèo bền vững.
Việc thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng của Nhà nước, NHCSXH tỉnh đã góp phần không nhỏ trong việc giảm dần tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh theo chuẩn nghèo của từng giai đoạn. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10,23% năm 2014 xuống còn 7,23% năm 2015 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015); giảm từ 14,42% năm 2016 xuống còn 6,14% năm 2019 (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2015 - 2020).
Vẫn còn đó những khó khăn
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quá trình triển khai nguồn vốn tín dụng ưu đãi ở các địa phương vẫn gặp không ít khó khăn.
Một trong những trở ngại lớn là công tác thông tin, tuyên truyền đã được quan tâm, nhưng việc tiếp cận các thông tin của người lao động, đối tượng chính sách vay vốn vẫn còn chưa đầy đủ, tạo vướng mắc cho người lao động.
Mặt khác, một số địa phương chưa phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa nguồn vốn tín dụng ưu đãi với công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn nên một số hộ vay vốn gặp khó khi sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi và để xảy ra tình trạng nợ quá hạn.
Không chỉ có vậy, một bộ phận hộ nghèo, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) còn thụ động trong sử dụng nguồn vốn vay, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước…
Từ nguồn vốn chính sách giúp người dân đầu tư phát triển sinh kế, vươn lên làm giàu. (Ảnh: T.H)
Chính vì vậy, ông Trịnh Đình Dương cho rằng, để góp phần thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh, các cấp chính quyền tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để các cấp, ngành và người dân hiểu rõ về vai trò, mục đích, ý nghĩa của nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đặc biệt, các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội có liên quan cần tích cực phối hợp với NHCSXH để tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Cụ thể, tạo điều kiện cho người nghèo và các hộ chính sách khác tiếp cận đầy đủ, dễ dàng nguồn vốn vay và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn vay đáp ứng nhu cầu vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của các đối tượng; có sự phối, kết hợp giữa nguồn vốn tín dụng ưu đãi với các trung tâm khuyến nông - lâm - ngư để triển khai tập huấn, hướng dẫn kỹ năng, kinh nghiệm trong sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chú trọng việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao kiến thức về kinh tế thị trường, kinh tế hộ gia đình thông qua các mô hình phát triển kinh tế…
Với những thuận lợi và khó khăn trong việc tận dụng một cách hiệu quả chính sách tín dụng để xóa đói, giảm nghèo, các cấp lãnh đạo có liên quan cần quy định cụ thể theo hướng phải tính một tỷ lệ nhất định, phù hợp các nguồn thu của ngân sách các cấp chuyển sang NHCSXH tạo nguồn cho đồng bào DTTS và hộ nghèo, cận nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn vay; Cơ chế cho hộ gia đình cá nhân vay như hiện nay là rất tốt nhưng để khai thác tiềm năng lợi thế so sánh của vùng DTTS và miền núi, tạo sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị (tiếp cận với nhu cầu của thị trường)..., do đó, đề nghị NHCSXH phối hợp với Ủy ban Dân tộc đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu cho các Hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi sự kinh doanh ở vùng DTTS và miền núi vay tín dụng chính sách xã hội với cơ chế đặc thù về thủ tục, mức vốn, lãi suất phù hợp đủ sức hấp dẫn để phát huy hiệu quả và xung lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi.