Hải quan số tiết kiệm 5,7 triệu USD chi phí cho các doanh nghiệp
Kinh tế số - Ngày đăng : 09:38, 26/06/2020
Ứng dụng cơ chế một cửa ASEAN (ASW) được coi là một công cụ quan trọng để thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP, làm giảm thời gian làm thủ tục thông quan hàng hóa, thời gian, tiết kiệm kinh phí cho doanh nghiệp (DN) và xã hội, góp phần đưa Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới và khu vực.
Thông qua ứng dụng ASW, mọi sự kết nối, trao đổi thông tin giữa các quốc gia ASEAN luôn được bảo mật, an toàn, đặc biệt các thông tin về thương nhân, đơn vị vận tải, hàng hóa, tình trạng quản lý của các cơ quan Chính phủ sẽ dễ dàng được chia sẻ, tham khảo, đối chiếu tại tất cả các nước thành viên.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho biết, từ năm 2018 đến nay, Việt Nam đã ứng dụng ASW, đặc biệt là thực hiện trao đổi giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D bản điện tử trên toàn bộ hệ thống ngành hiệu quả, qua đó đã tiết kiệm được khoảng 5,7 triệu USD chi phí giao dịch cho DN.
Thông qua ứng dụng ASW, Việt Nam đã kết nối trao đổi thông tin C/O mẫu D điện tử với 9 nước ASEAN gồm: Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào và Philippines.
Tính đến đầu tháng 6/2020, Việt Nam đã gửi đi các nước ASEAN gần 385.000 C/O điện tử. Thay vì chuyển phát nhanh C/O sang các quốc gia bằng đường bưu điện thì khi thực hiện C/O điện tử, DN đã tiết kiệm được khoảng 15 USD/hồ sơ.
Như vậy, việc triển khai ứng dụng ASW, Tổng cục Hải quan đã đưa Việt Nam vào nhóm các nước dẫn đầu thực hiện cơ chế một cửa ASEAN. Kể từ năm 2015, Việt Nam là 1 trong 5 nước đầu tiên thực hiện trao đổi giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D bản điện tử cùng với các nước tiên tiến trong khu vực như: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan.
Để đạt được kết quả trên, thời gian qua Việt Nam luôn thực hiện tốt những cam kết, tích cực các điều khoản về hiệp định ASW. Bên cạnh đó, kể đến một nhân tố quan trọng góp phần tạo ra kết quả qua ứng dụng ASW, chính là việc Việt Nam đã triển khai hiệu quả, đồng bộ nền tảng NSW.
Thông qua NSW, hệ thống cho phép xuất trình, xử lý dữ liệu, ra quyết định một lần đối với việc giải phóng và thông quan hàng hoá. Việc ra quyết định một lần sẽ do cơ quan Hải quan, đơn vị ngành đại diện duy nhất ra quyết định cho phép đối với việc giải phóng hàng hóa trên cơ sở quyết định của các bộ ngành chức năng được kịp thời gửi tới các cơ quan Hải quan.
Tính đến 30/5, NSW trên toàn quốc đã ghi nhận được 13 bộ ngành tham gia kết nối, với 198 thủ tục hành chính, hơn 3,1 triệu hồ sơ hành chính của 38.700 DN được xử lý trên NSW.