Hơn 200 chuyên gia ASEAN - Nhật Bản tìm cách phòng chống tấn công mạng xuyên quốc gia

An toàn thông tin - Ngày đăng : 10:40, 25/06/2020

Phòng chống tấn công mạng xuyên quốc gia là chủ đề chính của cuộc diễn tập quốc tế ASEAN – Nhật Bản năm 2020 diễn ra trong 1 ngày 25/6.

Diễn tập do Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), Cục An toàn thông tin (ATTT), Bộ TT&TT chủ trì tổ chức cho hơn 200 thành viên mạng lưới ứng cứu sự cố ATTT mạng quốc gia, các đơn vị CNTT của các Bộ, ban, ngành, các cơ quan trung ương, các tỉnh/thành phố trên toàn quốc.

10 nước ASEAN và Nhật Bản cùng tiến hành cuộc diễn tập, sự kiện được tổ chức thường niên từ năm 2013 và đã trở thành sự kiện lớn về an toàn mạng trong khu vực.

Hơn 200 chuyên gia ASEAN - Nhật Bản tìm cách phòng chống tấn công mạng xuyên quốc gia  - Ảnh 1.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng: Chúng ta cần phải chuẩn bị để đối đầu với trước những khó khăn và thách thức

Phát biểu khai mạc Diễn tập, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết năm 2020 là năm rất đặc biệt, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 làm thay đổi cách thức sinh hoạt, làm việc của người dân gần như trên toàn thế giới. Người dân, tổ chức phải thích nghi với cách thức làm việc mới: làm việc từ xa, làm việc tại nhà – làm việc trực tuyến trên môi trường mạng.

Theo đó, Thứ trưởng nhấn mạnh: "Điều này làm cho công tác đảm bảo an toàn mạng càng trở nên hết sức quan trọng".

Theo báo cáo của các công ty an ninh mạng toàn cầu như InSights, Team Cymru và VMware Carbon Black, trong đợt diễn ra dịch bệnh Covid-19, các cuộc tấn công mạng đã gia tăng đột biến. 

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nhận định: Tội phạm mạng đã lợi dụng sự hoang mang, lo lắng của người dân để đánh cắp thông tin cá nhân, lợi dụng các kẽ hở của các doanh nghiệp khi cho nhân viên làm việc tại nhà để phát tán mã độc, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính.

Tại Việt Nam, trong nửa đầu năm qua (đến hết 5/2020), qua giám sát, Cục ATTT đã phát hiện 1.495 cuộc tấn công mạng, giảm 43,9% so với cùng kỳ năm 2019. Số liệu này đã thể hiện sự nỗ lực và vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp CNTT-TT trong việc triển khai bảo đảm ATTT.

Tuy nhiên, trên thực tế, tin tặc ngày càng tinh vi và phức tạp, cách thức tấn công mạng ngày càng đa dạng, do vậy, các sự cố có thể giảm, nhưng mức độ, nguy cơ từ các cuộc tấn công từ bên ngoài vào các hệ thống của Việt Nam thì sẽ theo xu hướng phát triển của công nghệ trên toàn cầu và ngày càng gia tăng.

Trước thực tế này, theo Thứ trưởng,  quan trọng là chúng ta cần phải chuẩn bị ra sao, đối phó thế nào để đối đầu với trước những khó khăn và thách thức trước mắt.


Hơn 200 chuyên gia ASEAN - Nhật Bản tìm cách phòng chống tấn công mạng xuyên quốc gia  - Ảnh 2.

Quyền Giám đốc VNCERT/CC Nguyễn Đức Tuân: Vẫn còn những hạn chế cho đảm bảo ATTT

Cũng tại cuộc diễn tập, Quyền Giám đốc VNCERT/CC Nguyễn Đức Tuân cũng phân tích thêm một số thách thức, hạn chế để thực hiện đảm bảo ATTT như mức độ quan tâm của người đứng đầu đối với ATTT còn thấp, kinh phí cho ATTT/CNTT còn thấp và triển khai ATTT không đúng cách (chưa triển khai ATTT 4 lớp, đầu tư nhiều trang thiết bị và nguồn nhân lực trình độ chưa cao).

Diễn tập trên cơ sở các tấn công mạng thực tế

Theo VNCERT/CC, chương trình diễn tập quốc tế ASEAN – Nhật Bản 2020 với nội dung về chính sách xử lý và chia sẻ thông tin về sự cố giả mạo website là hoạt động thường niên giữa các nước thành viên Đông Nam Á và Nhật Bản nhằm nhanh chóng phối hợp ngăn chặn, giải quyết và khắc phục các sự cố tấn công mạng xuyên biên giới, giải quyết các sự cố về giả mạo website, nâng cao nhận thức, thực hành các kỹ năng và đánh giá lại các quy trình trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng - chính là để góp phần phòng chống, đối phó với những khó khăn và thách thức trên.

Tại Việt Nam, Diễn tập ASEAN – Nhật Bản tổ chức 3 địa điểm tập trung tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM theo sự điều phối chung của VNCERT/CC.

Hơn 200 chuyên gia ASEAN - Nhật Bản tìm cách phòng chống tấn công mạng xuyên quốc gia  - Ảnh 3.

Diễn tập tại đầu cầu Hà Nội

Đặc biệt, năm 2020, ngoài hình thức tập trung (offline), Diễn tập còn được tổ chức theo hình thức từ xa (online). Đây cũng là điểm mới, phù hợp với bản chất của tấn công mạng, nhất là trong bối cảnh bệnh dịch Covid-19 hiện nay. Những người tham gia diễn tập có thể ở bất cứ đâu và chỉ cần kết nối mạng, đăng ký tài khoản trên hệ thống diễn tập của VNCERT/CC, hoặc đăng ký bằng địa chỉ email, tham gia các nhóm chat trên mạng xã hội do VNCERT/CC tổ chức là có thể được trải nghiệm hoạt động quốc tế này.

Ưu tiên chính của diễn tập tại Việt Nam là nhằm nâng cao năng lực và phát triển mạng lưới ứng cứu sự cố ATTT mạng quốc gia. Ngoài các hoạt động diễn tập, mạng lưới còn có kế hoạch tổ chức rất nhiều hoạt động khác là hỗ trợ lẫn nhau trong các hoạt động phòng, chống các tấn công mạng, phản ứng nhanh trong ứng cứu sự cố máy tính.

Mạng lưới ứng cứu sự cố ATTT mạng quốc gia ngoài không chỉ bao gồm các thành viên có nghĩa vụ tham gia theo Quyết định số 05/2017/QĐ-TTg ngày 16/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ mà còn các tổ chức, doanh nghiệp tự nguyện đăng ký tham gia với mục đích chia sẻ thông tin, hỗ trợ công tác ứng cứu, phát triển mạng lưới. Các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu tham gia mạng lưới thì có thể liên hệ với VNCERT/CC để được hướng dẫn gửi hồ sơ đăng ký tham gia.

Lan Phương