Hưng Yên: Cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút doanh nghiệp
Truyền thông - Ngày đăng : 08:53, 23/06/2020
Tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính
Theo Quyết định số 45/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, ngày 7/12/2018, Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh đã đi vào hoạt động, cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4, thực hiện tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết đối với TTHC của 15 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh cùng một số cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn. Trung tâm hoạt động với mục tiêu lấy người dân và DN làm trung tâm để phục vụ, tạo bước đột phá trong công tác cải cách TTHC của tỉnh, thể hiện qua thái độ tích cực, cởi mở của chính quyền tỉnh đối với DN và khả năng phối hợp giữa các cơ quan trong việc giải quyết công việc liên quan đến phục vụ DN.
Thông qua hoạt động của Trung tâm, các TTHC được giải quyết công khai, minh bạch, được giám sát, kiểm tra, đôn đốc và thực hiện nhất quán nhằm bảo đảm tiến độ, đơn giản hóa quy trình, cắt giảm thời gian, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Tiếp nhận, giải quyết TTHC tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Hưng Yên.
Để minh bạch hóa công tác điều hành, quản lý kinh tế, cũng như các thông tin liên quan đến chủ trương, chính sách và các quy định của Chính phủ, các bộ, ngành của tỉnh nhằm phục vụ người dân, DN, UBND tỉnh Hưng Yên đã đẩy mạnh công bố, công khai các TTHC. Việc thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp CCHC, TTHC, ứng dụng CNTT trong phục vụ dịch vụ công của các cơ quan tỉnh Hưng Yên đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (CPI), tạo điều kiện thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Chỉ trong 9 tháng năm 2019, tỉnh Hưng Yên đã tiếp nhận 80 dự án đầu tư, nâng tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh lên 1.896 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 132 nghìn tỷ đồng và gần 5 tỷ USD. Trong đó, có nhiều dự án công nghệ cao, giá trị sản xuất lớn đi vào hoạt động. Tỉnh Hưng Yên đã giải phóng mặt bằng được hơn 2.500ha đất, giao cho các dự án đầu tư của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Đến nay, có gần 1.000 dự án đi vào hoạt động, góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm nghìn lao động.
Tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút đầu tư
Không dừng lại ở việc minh bạch hóa các TTHC, UBND tỉnh còn chỉ đạo các Sở, ngành triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ DN, tăng cường phối hợp thực hiện nhiệm vụ phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ DN, nâng cao năng lực cạnh tranh. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 45/KH – UBND ngày 29/3/2019; Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 02/NQ – CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hưng Yên năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Đồng thời, tỉnh công khai quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, minh bạch môi trường đầu tư; đơn giản hóa các thủ tục đầu tư; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư.
Một trong những biện pháp để thu hút nguồn vốn đầu tư đó là tỉnh đã xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư vào các ngành, lĩnh vực như: Phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, tỉnh quan tâm thu hút các dự án có quy mô lớn và vừa, sản phẩm cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, có giá trị gia tăng cao.
Sản xuất tại Công ty cổ phần Tiên Hưng (Tiên Lữ). (Ảnh: Báo Hưng Yên)
Để thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước, tỉnh đã hoàn thành nhiều quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp bảo đảm đồng bộ về giao thông, điện, cấp thoát nước, dịch vụ viễn thông; hỗ trợ DN trong đầu tư mở rộng sản xuất, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa để tạo nên những sản phẩm cạnh tranh, có chất lượng cao. Đồng thời, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất chưa sử dụng nhằm minh bạch hóa việc tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất, bảo đảm cơ sở cho việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, hỗ trợ khảo sát địa điểm.
Ông Nguyễn Đức Cường, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thuận Đức (Kim Động) chia sẻ: "Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư vào địa bàn Hưng Yên, doanh nghiệp luôn được tỉnh và các ngành chức năng, chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi. Đến nay, công ty có mức tăng trưởng khá, luôn thực hiện đầy đủ chính sách, nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước". Qua tìm hiểu được biết, Công ty Cổ phần Thuận Đức đi vào hoạt động từ năm 2007, sản xuất bao bì dệt chất lượng tốt, giá rẻ, bảo vệ môi trường. Đến hết năm 2019, Công ty có tổng nhân sự gần 1,4 nghìn người. Thu nhập bình quân người lao động đạt 8,9 triệu đồng/người/tháng. Công ty Cổ phần Thuận Đức là một minh chứng trong số hàng trăm DN thực hiện thành công các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, tỉnh Hưng Yên tiếp tục xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động phục vụ tốt nhất cho người dân và DN. Khuyến khích các sáng kiến, cải tiến rút ngắn quy trình, giảm số lượng và đơn giản hóa TTHC. Đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao (mức độ 3, mức độ 4) trong công tác tiếp nhận, xử lý các hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC của cá nhân, tổ chức, nhất là các hồ sơ trong lĩnh vực hợp tác đầu tư. Theo dõi, giám sát việc giải quyết TTHC tại các cơ quan, đơn vị để kịp thời đôn đốc, bảo đảm tiến độ, đồng thời làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong việc giải quyết TTHC cho người dân và DN.
Đồng thời, tỉnh Hưng Yên cũng tạo thuận lợi, hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức; đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại. Hỗ trợ, khuyến khích các DN đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất.