Hà Nội phát huy hiệu quả từ mô hình “Khu dân cư, tổ dân phố điện tử”

Diễn đàn - Ngày đăng : 09:43, 09/06/2020

Nhằm nâng cao hiệu quả trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), những năm qua, mô hình “Khu dân cư, tổ dân phố điện tử” được triển khai trên địa bàn nhiều quận, huyện của Hà Nội và gặt hái được kết quả quan trọng.

Tạo nên tinh thần "công dân điện tử"

Theo đó, những năm qua, mô hình "Khu dân cư, tổ dân phố điện tử" được triển khai trên địa bàn nhiều quận, huyện của Thủ đô Hà Nội như: Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Hà Đông... Người dân không còn phải chen chúc, xếp hàng nhiều giờ tại trụ sở UBND phường để làm các thủ tục hành chính (TTHC).

Theo UBND phường Hạ Đình, người dân thuộc Khu dân cư số 6 (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) chỉ cần đến nhà sinh hoạt cộng đồng của khu để được các tình nguyện viên hướng dẫn thực hiện các DVCTT. Sau vài thao tác đơn giản, nhanh chóng trên máy vi tính có kết nối Internet, người dân được giải quyết các vấn đề liên quan đến TTHC một cách dễ dàng, sau đó tới ngày hẹn trả kết quả thì đến UBND phường nhận.

Mô hình này được phường Hạ Đình triển khai từ tháng 8/2015, giúp người dân tiết kiệm thời gian. Mục đích của mô hình là giúp người dân làm quen với việc thực hiện DVCTT. Khi công dân đã biết cách làm và có đủ trang thiết bị (máy vi tính nối mạng, máy scan hoặc thiết bị có khả năng chụp ảnh) có thể thực hiện các thủ tục ngay tại nhà. Áp dụng mô hình "Khu dân cư, tổ dân phố điện tử" giúp việc kê khai, làm TTHC của người dân đi vào nền nếp, từng bước tiếp cận với công nghệ mới, minh bạch và thuận tiện, từ đó tạo nên tinh thần "công dân điện tử".

Số hóa TTHC để cải thiện cuộc sống của người dân, xây dựng thành phố thông minh

Bên cạnh mô hình "Khu dân cư, tổ dân phố điện tử", nhiều cách làm hay đã được Hà Nội đẩy mạnh thực hiện nhằm tuyên truyền, khuyến khích người dân thay đổi thói quen thực hiện TTHC. Trong năm 2019, thành phố đã tổ chức Cuộc thi "Tìm hiểu DVCTT" với gần 900.000 lượt bài dự thi.

Theo UBND TP Hà Nội, cuộc thi đã tạo thành cuộc vận động lớn trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân Thủ đô trong xây dựng công dân điện tử, chính quyền điện tử (CQĐT) của thành phố.

Đặc biệt, với hơn 23.000 giáo viên và học sinh tham gia dự thi, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội là đơn vị dẫn đầu Cuộc thi "Tìm hiểu DVCTT" của thành phố. Việc triển khai cuộc thi tại các trường học trên địa bàn thành phố được coi là một trong những giải pháp quan trọng trong tuyên truyền sử dụng DVCTT. Sau cuộc thi, các học sinh sẽ là những tuyên truyền viên để hướng dẫn bố mẹ, người thân sử dụng DVCTT mọi lúc, mọi nơi.

Qua những giải pháp được thực hiện, việc sử dụng DVCTT trên địa bàn Thủ đô dần đi vào đời sống. Tính đến ngày 22/5, thành phố đã cung ứng 1.448 DVCTT mức độ 3 và 4 (đạt tỷ lệ 80%) trên một nền tảng thống nhất đồng bộ tại 30/30 quận, huyện, thị xã, trong đó có 1.125 DVCTT mức độ 3 và 323 DVCTT mức độ 4. Từ đó, đáp ứng yêu cầu số hóa các TTHC để cải thiện cuộc sống của người dân, xây dựng thành phố thông minh.

100% sử dụng, điều hành công việc trên phần mềm quản lý văn bản điện tử

Nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy hành chính Nhà nước, xây dựng, phát triển, vận hành hiệu quả CQĐT, hướng đến thành phố thông minh... là một trong những mục tiêu bổ sung trong Kế hoạch số 58/KH-UBND về việc thực hiện phát triển, ứng dụng CNTT năm 2020 được Hà Nội ban hành vừa qua.

Hà Nội phát huy hiểu quả từ mô hình “Khu dân cư, tổ dân phố điện tử” - Ảnh 1.

UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị trên địa bàn phải đảm bảo đáp ứng 100% sử dụng, điều hành công việc trên phần mềm quản lý văn bản điện tử với các bộ, ngành, cơ quan trung ương thông qua Hệ thống gửi, nhận văn bản điện tử trên nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu của thành phố (Ảnh: Anh Đức)

Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị trên địa bàn phải đảm bảo đáp ứng 100% sử dụng, điều hành công việc trên phần mềm quản lý văn bản điện tử với các bộ, ngành, cơ quan trung ương thông qua Hệ thống gửi, nhận văn bản điện tử trên nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu của thành phố.

Đối với công việc giải quyết các TTHC, UBND Hà Nội yêu cầu các đơn vị phải xử lý trên môi trường mạng, điện tử (cấp Sở, quận, huyện phải đảm bảo đạt mức tối thiểu 80%, cấp xã đạt 30%).

Bên cạnh đó, UBND Hà Nội cũng yêu cầu, các đơn vị phải đảm bảo rút ngắn thời gian họp từ 30% đến 50%, họp những vấn đề cót lõi, quan trọng, ưu tiên những vấn đề thực tiễn gắn nhu cầu cấp thiết phục vụ người dân. Đảm bảo tối thiểu 30% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) không sử dụng tài liệu giấy, tất cả công việc từ xử lý, trao đổi, điều hành phải được dữ liệu số chuyển qua văn phòng điện tử.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng cải cách hành chính, ngoài việc các đơn vị phải tích hợp 30% các DVCTT mức độ 3, 4 với Cổng dịch vụ công quốc gia, các đơn vị phải đảm bảo 100% hồ sơ giải quyết TTHC được cập nhật và sử dụng qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử dùng chung 3 cấp của Thành phố.

Đáp ứng nhu cầu giải quyết công việc và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, các đơn vị phải đảm bảo 100% DVC được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp, và các cơ quan Nhà nước phải công khai mức độ hài lòng của người dân khi tham gia sử dụng dịch vụ này.

Đối với công tác bồi dưỡng nghiệp vụ CNTT, đảm bảo 100% cán bộ công chức, viên chức thường xuyên đào tạo, tập huấn các lớp về trực tuyến CQĐT.

UBND Thành phố yêu cầu phải bảo đảm an toàn thông tin phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; theo đó đảm bảo 80% hệ thống thông tin cấp độ 3, 100% DVC mức độ 4 có giải pháp xác thực điện tử tập trung, 100% cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố được triển khai hóa đơn đơn điện tử.

Trường Thanh