Sắp có vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên?

Đời sống xã hội - Ngày đăng : 15:40, 06/06/2020

Đến thời điểm hiện nay, chưa có bất cứ một nhà sản xuất vắc xin nào trên thế giới có thể khẳng định mình sẽ thành công trong sản xuất vắc xin Covid-19.

Cuộc khủng hoảng virus corona đã tạo ra một thế giới khác - một thế giới bình thường mới. Kiểm tra nhiệt độ, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, làm việc tại nhà và học từ xa là một số quy tắc mới mà tất cả chúng ta phải nắm bắt và thích nghi. Chính phủ các nước đã áp đặt nhiều biện pháp nghiêm ngặt để kiểm soát sự lây nhiễm của dịch bệnh, bao gồm hạn chế đi lại và phong tỏa toàn thành phố. Covid-19 không chỉ là mối đe dọa về sức khỏe mà còn gây tác động nghiêm trọng đến các doanh nghiệp địa phương và nền kinh tế nói chung.

Nhiều người tin rằng chỉ đến khi tìm thấy một loại vắc-xin hiệu quả thì trạng thái bình thường mới có thể tồn tại vô thời hạn. Thông báo gần đây của Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, cho biết ông không ủng hộ việc cho học sinh quay trở lại trường cho đến khi thế giới tìm ra vắc-xin chống Covid-19. 

"Tôi sẽ không cho phép mở cửa trường học, nơi những đứa trẻ sẽ ở cạnh nhau. Không một ai đến trường trừ khi tôi chắc chắn trẻ em được an toàn. Phải có vắcxin trước đã", Đài CNN dẫn phát biểu tối 25/5 của ông Duterte.

Tính đến 6h sáng ngày 5/6/2020, đã có 6.698.615 người đã bị nhiễm virus Covid-19 và tổng số ca tử vong được ghi nhận đã lên tới 393.142. Các nhà khoa học và các công ty dược phẩm trên khắp thế giới - từ các quốc gia thành viên ASEAN đến các nước châu Âu - hiện đang làm việc không ngừng nghỉ để nghiên cứu và phát triển một loại vắcxin ngừa căn bệnh này kể từ khi xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc.

Theo Liên minh vắc-xin và tiêm chủng toàn cầu (GAVI), tính đến ngày 11/5, có hơn 102 loại vắc-xin đang được các nhà nghiên cứu đang phát triển, trong đó ít nhất 9 loại đang được thử nghiệm lâm sàng trên người.

Sắp có vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên? - Ảnh 1.

Vậy những phát triển mới nhất trong cuộc chạy đua tìm vắcxin Covid-19 là gì? Theo GAVI, trước khi các ứng cử viên vắc-xin tiến hành thử nghiệm lâm sàng ở người, chúng trải qua các thử nghiệm ở giai đoạn 1 để kiểm tra độ an toàn của vắc-xin, xác định liều lượng và bất kỳ tác dụng phụ tiềm ẩn nào ở một nhóm ít người. Thử nghiệm giai đoạn 2 tiếp tục kiểm chứng độ an toàn và bắt đầu đánh giá hiệu quả trên nhóm đối tượng lớn hơn. Giai đoạn cuối, các thử nghiệm ở Giai đoạn 3, mà ít loại vắc-xin nào thực hiện được, là xác nhận và đánh giá hiệu quả của vắc-xin và kiểm tra xem có bất kỳ tác dụng phụ hiếm gặp nào mà chỉ thấy được khi tiến hành thử nghiệm với các nhóm đối tượng lớn hàng ngàn hoặc hàng chục ngàn người.

Một số ứng cử viên vắc-xin Covid-19 đang trong giai đoạn 2 bao gồm Viện Sản phẩm Sinh học Bắc Kinh và Viện Sản phẩm Sinh học Vũ Hán, cả hai đều thuộc Tập đoàn Dược quốc gia Trung Quốc Sinopharm. Ngoài ra, còn có vắc-xin mRNA của Công ty công nghệ BioNtech ở Đức và vắc-xin phòng chống virus của Đại học Oxford ở Vương quốc Anh.

Mới đây nhất, theo công bố hôm 22/5 trên tạp chí The Lancet, vắc-xin do Viện Sản phẩm Sinh học Bắc Kinh nghiên cứu đã vượt qua các thử nghiệm lâm sàng ở người (giai đoạn 2), được xác định là vừa an toàn vừa tạo ra phản ứng miễn dịch chống lại virus, đánh dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến nhằm tiêu diệt chủng virus chết người. 

Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm các liều vắc-xin khác nhau ở 108 người trưởng thành khỏe mạnh không bị nhiễm virus corona. Kết quả, vắc-xin không tạo ra tác dụng phụ nghiêm trọng ở tất cả các liều và được dung nạp tốt ở những người trưởng thành. Sau hai tuần, vắc-xin đã tạo ra các kháng thể chống virus ở tất cả các mức, với các kháng thể kích hoạt ở mức liều cao nhất trong 61% những người thử nghiệm.

Dự kiến vắc-xin có thể sẵn sàng cung cấp ra cho thị trường vào cuối năm 2020 hoặc đầu năm tới. Tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu gồm 10 nhà khoa học của công ty TNHH MTV vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) thuộc Bộ Y tế vẫn đang làm việc không ngừng nghỉ cho những bước tiếp theo của quá trình tìm ra vắc xin ngừa Covid-19, sau khi tiến hành thử nghiệm trên chuột.

Đến thời điểm hiện nay, chưa có bất cứ một nhà sản xuất vắc xin nào trên thế giới có thể khẳng định mình sẽ thành công trong sản xuất vắc-xin Covid-19. Việt Nam đang đi sau một số nước trên thế giới khi họ đã tiến hành thử nghiệm vắc xin song song trên động vật và người. Song từ những kinh nghiệm của các nhà nghiên cứu trước, Việt Nam có thể tiếp thu học tập và áp dụng trên vắc-xin của mình.

Mặc dù cả thế giới đang hy vọng sớm có vắc-xin hoặc phương pháp chữa trị hiệu quả, nhưng người đứng đầu GAVI Seth Berkley cho biết: "Hiện chúng tôi thực sự không biết loại vắc-xin nào sẽ hoạt động hiệu quả và liệu sẽ có một loại nào không".

Theo tuyên bố của GAVI, cả kể khi vắc-xin Covid-19 sẵn sàng thì khả năng sản xuất mở rộng để đáp ứng đủ nhu cầu cho thế giới sẽ là một nhiệm vụ khó khăn.

TH