Bạc Liêu: Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 xuống còn dưới 1%
Truyền thông - Ngày đăng : 14:49, 03/06/2020
Hoàn thành chỉ tiêu sớm hơn so với kế hoạch đề ra
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy về giảm nhanh hộ nghèo, Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Bạc Liêu (Ban Chỉ đạo) đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, địa phương huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo.
Với sự nỗ lực, sáng tạo, quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, hộ nghèo giảm 5.732 hộ, đạt 143% kế hoạch năm (từ 4,3% xuống còn 1,38%). Hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh sớm hơn 2 năm. Đối với hộ cận nghèo, giảm 2.164 hộ, tương đương 1,41% (từ 5,58% xuống còn 4,17%), tỷ lệ hộ cận nghèo còn lại là 4,17%.
Đặc biệt, công tác giảm nghèo của Bạc Liêu đã từng bước đi vào chất lượng, bền vững, thể hiện qua tỷ lệ hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới rất thấp. Trong năm 2019, chỉ có 4 hộ tái nghèo và 94 hộ nghèo phát sinh mới (chiếm tỷ lệ khoảng 1% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh).
Để đạt được kết quả này, một trong những giải pháp tập trung thực hiện là làm tốt công tác tuyên truyền để hộ nghèo nâng cao nhận thức, tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Các cấp, ngành đã tập trung huy động nhiều nguồn lực, giải pháp cho chương trình giảm nghèo như: huy động vốn, phương tiện sản xuất; phân công cán bộ, đảng viên, hội viên nhận đỡ đầu hộ nghèo; triển khai các mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo giúp các hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. Các địa phương cũng đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ và chương trình đầu tư cho hộ nghèo.
Theo đó, Tỉnh đã phân công 71 đơn vị, sở ngành, cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp (DN) nhận giúp đỡ cho 5.634 hộ nghèo, với số tiền trên 22 tỷ đồng; toàn tỉnh đã vận động Quỹ "Vì người nghèo và An sinh xã hội" với tổng số tiền trên 178 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng trường học, cầu giao thông nông thôn, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương...
Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ nông dân ở huyện Hòa Bình đã chuyển đổi thành công đất trồng kém màu mỡ sang nuôi tôm cho hiệu quả kinh tế cao. (Ảnh: NHCSXH)
Về chính sách nhà ở, Ban Chỉ đạo xác định đây là nhu cầu mang tính cấp bách của hộ nghèo, đòi hỏi các địa phương phải chủ động, vận động nguồn lực để hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu cơ bản về nhà ở cho hộ nghèo. Trong năm 2019, Bạc Liêu đã xây 1.569 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo với tổng số tiền trên 43 tỷ đồng.
Bên cạnh nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách hàng năm, Đảng bộ và chính quyền TP. Bạc Liêu đã tranh thủ vận động nguồn lực xã hội hóa từ các DN, mạnh thường quân cho công tác giảm nghèo đạt kết quả khá tốt như vận động trên 600 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo thiếu hụt về nhà ở; vận động Quỹ Vì người nghèo và An sinh Xã hội trên 60 tỷ đồng; vận động gạo, quà, nhu yếu phẩm cho hộ nghèo hàng năm khoảng 02 tỷ đồng, từ đó góp phần vào sự thành công trong việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn thành phố Bạc Liêu.
Nông dân nghèo Bạc Liêu vay vốn trồng lúa năng suất, chất lượng cao. (Ảnh: NHCSXH)
Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 xuống còn dưới 1%
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa chương trình giảm nghèo trong thời gian tới, đặc biệt là mục tiêu năm 2020, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn dưới 1%, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành và các tổ chức đoàn thể cần phối hợp, quyết tâm và thật sự quyết liệt trong công tác giảm nghèo bền vững. Phấn đấu đến cuối năm 2020 trên địa bàn tỉnh không còn người nghèo khó khăn về nhà ở, có 4/7 địa phương không còn hộ nghèo trên địa bàn, 2 đơn vị không còn hộ cận nghèo.
Bên cạnh đó, Tỉnh cũng yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng về giảm nghèo bền vững năm 2020; giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các nội dung kế hoạch giảm nghèo bền vững năm 2020; Tiếp tục triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ưu tiên tập trung đào tạo nghề cho lao động nghèo ở địa phương.
Đặc biệt, đối với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tranh thủ thêm nguồn vốn của Trung ương để hỗ trợ, giúp cho hộ nghèo được vay vốn xây dựng nhà ở theo Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ, vay vốn sản xuất, kinh doanh, có thu nhập ổn định và thoát nghèo bền vững. Đồng thời, rà soát để xem xét cho vay kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng theo quy định, giải ngân nhanh nguồn vốn đã được phân bổ, không để tồn đọng; Có kế hoạch vận động hỗ trợ xây dựng, sửa chữa hoặc xây dựng mới nhà ở, tạo điều kiện cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.