Các nước ASEAN hỗ trợ thiết thực người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 14:27, 03/06/2020
Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trong khu vực
Theo một báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hơn 1/6 lao động trẻ đã phải nghỉ việc, trong khi những người còn lại đã bị cắt giảm gần 1/4 số giờ làm việc.
Báo cáo nhanh số 4 của ILO "Covid-19 và thế giới việc làm" cho thấy thanh niên là đối tượng bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi đại dịch. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tăng nhanh đáng kể từ tháng 2, đã và đang tác động đến nữ nhiều hơn nam giới.
Đại dịch này tạo nên cú sốc đối với thanh niên ở ba phương diện. Đại dịch không chỉ làm họ mất việc làm, mà còn làm gián đoạn việc học hành và đào tạo, cũng như tạo ra nhiều trở ngại lớn đối với những người muốn tham gia thị trường lao động hay muốn thay đổi công việc.
Tại Đông Nam Á, tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt không kiểm soát và gần như là chưa từng có do đại dịch đang ảnh hưởng lớn tới rất nhiều quốc gia trong khu vực với các mức độ khác nhau.
Theo số liệu từ Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP), trước năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của Campuchia hiếm khi tăng quá mức 2% kể từ đầu những năm 1990, trong khi Việt Nam cũng chỉ ở mức dưới 2%. Trong khi, tỷ lệ thất nghiệp của Thái Lan cũng chỉ dao động trong khoảng 0,6%.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm cho mọi việc thay đổi. Tại Lào, nơi có tỷ lệ thất nghiệp chính thức khoảng 0,7% vào năm 2019 nay đã tăng lên đến gần 25%. Theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất trong 10 năm qua, với gần 5 triệu lao động Việt Nam phải nghỉ việc chỉ trong quý đầu năm nay. Các chuyên gia dự đoán tỷ lệ này sẽ còn tăng cao hơn khi các số liệu giảm tăng trưởng của quý 2/2020 được công bố.
Đối với Thái Lan, quốc gia được dự báo có mức sụt giảm kinh tế nặng nề nhất trong khối ASEAN, do phụ thuộc phần lớn vào du lịch toàn cầu, các báo cáo chỉ ra rằng tỷ lệ thất nghiệp ở nước này thậm chí sẽ tăng lên đến gần 25% nếu khủng hoảng kinh tế kéo dài trong vài tháng tới. Cụ thể, báo cáo hồi tháng 4 của ILO dự đoán khoảng 6 triệu lao động ở Thái Lan sẽ mất việc, nhưng con số thực tế thậm chí còn cao hơn nữa.
Chung tay hành động, giảm thiểu cú sốc kinh tế do Covid-19
Có thể thấy, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của nền kinh tế và xã hội, trong đó khu vực kinh tế phi chính thức chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Các nước thực hiện phong tỏa đã gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp (DN) quy mô nhỏ. Cùng với đó, sự suy giảm trong ngành du lịch và sản xuất là cú sốc lớn khiến các DN không chính thức xung quanh ngành nghề này, như buôn bán nhỏ, lái xe... lao đao. Sau một thời gian cầm cự đã có rất nhiều DN phải đóng cửa vĩnh viễn.
Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB), khả năng rơi vào nghèo đói của các hộ gia đình sống phụ thuộc vào các ngành nghề đặc biệt dễ bị tổn thương với tác động của Covid-19 là tương đối lớn, như ngành du lịch ở Thái Lan, ngành chế tạo chế biến ở Campuchia, Việt Nam và các hộ gia đình phụ thuộc việc làm ở khu vực phi chính thức ở tất cả các quốc gia. Tại một số quốc gia, tác động của Covid-19 còn bị trầm trọng hóa thêm bởi những diễn biến đặc thù của quốc gia, như hạn hán ở Thái Lan.
Tổng Giám đốc ILO, Guy Ryder, cho biết: "Khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh niên, đặc biệt là nữ giới, với tác động nặng nề và nhanh chóng hơn so với các nhóm dân số khác. Nếu chúng ta không kịp thời hành động để cải thiện tình hình, hệ quả mà Covid-19 gây ra có thể sẽ kéo dài hàng thập kỷ. Nếu tài năng, năng lực của họ bị gạt ra ngoài lề do thiếu cơ hội và kỹ năng, điều đó sẽ hủy hoại tương lai của tất cả".
Theo đó, cần có những phản ứng chính sách cấp bách, quy mô lớn và có mục tiêu để hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng, trong đó bao gồm hỗ trợ tài chính, các chương trình đảm bảo việc làm/đào tạo trên diện rộng ở các nước phát triển và các chương trình chú trọng tạo nhiều việc làm và đảm bảo việc làm ở những nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình. Các quốc gia trong khu vực ASEAN hiện đã làm rất tốt vấn đề này.
Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 15/2020/QĐ-TTg về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, hỗ trợ lao động bị giảm sâu thu nhập, có mức sống dưới mức sống tối thiểu với 62.000 tỷ đồng, dự kiến hỗ trợ cho hơn 20 triệu lượt đối tượng. Trong 7 nhóm hỗ trợ tập trung các nhóm lao động: bị tạm hoãn hợp đồng; nghỉ không hưởng lương; bị chấm dứt hợp đồng; không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp và tự do. Đồng thời, việc hỗ trợ được thực hiện với các hộ kinh doanh cá thể bị ngừng kinh doanh theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ và tạm dừng đóng vào quỹ bảo hiểm hưu trí tử tuất cho DN gặp khó khăn.
Tại Thái Lan, ngày 28/4, Chính phủ nước này đã thông qua đề xuất hỗ trợ tiền cho 10 triệu hộ nông dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Theo đó, mỗi hộ sẽ nhận được 5.000 baht tiền mặt mỗi tháng trong vòng ba tháng.
Trước đó, Chính phủ đã phê chuẩn khoản hỗ trợ 5.000 baht mỗi tháng trong ba tháng cho nhóm người làm việc tự do, người lao động bị sa thải và lao động tạm thời bị ảnh hưởng bởi các biện pháp ngăn chặn Covid-19. Lúc đầu, số người bị ảnh hưởng cần được hỗ trợ ước tính 4 triệu người, sau đó được mở rộng thành 9 triệu, 14 triệu và cuối cùng là 16 triệu người, với tổng tiền hỗ trợ là 240 tỷ baht.
Tại Campuchia, khoảng 55.000 công nhân dệt may và 4.300 người làm việc trong ngành du lịch hiện đang mất việc làm do tác động của dịch Covid-19 cũng sẽ được nhận khoản hỗ trợ lương 40 USD/người/tháng thông qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng Wing.