Làn sóng AI trong và sau đại dịch Covid-19

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 15:50, 02/06/2020

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang tác động đến mọi mặt của nền kinh tế và cuộc sống của con người. Làn sóng AI hậu đại dịch dự kiến sẽ còn diễn ra nhanh và mạnh hơn trước.

Đại dịch Covid-19 đang gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu, ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi nền kinh tế, gây ra suy thoái, làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và nợ toàn cầu lên mức cao kỷ lục.

Theo Liên Hiệp Quốc, chỉ trong năm 2020 và 2021, khoản nợ công phải trả của các nước đang phát triển sẽ tăng từ 2.600 - 3.400 tỉ USD. Ngân hàng thế giới (WB) ước tính Covid-19 sẽ đẩy khoảng 40-60 triệu người vào tình trạng nghèo đói.

Việc kêu gọi tinh thần đoàn kết cộng đồng đã góp phần thu hút được nguồn lực tài chính, hỗ trợ các quốc gia vượt qua đại dịch nhưng vẫn còn nhiều thách thức lớn phía trước, bao gồm rủi ro vỡ nợ quốc gia, doanh nghiệp (DN) phá sản, thất nghiệp gia tăng.

Trong bối cảnh đó, các quốc gia cần xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế mới với AI được hỗ trợ bởi mạng 5G, các DN và cá nhân cần nghiêm túc suy nghĩ và chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn tiếp theo hậu Covid-19. Cuộc suy thoái do virus corona đang thúc đẩy việc áp dụng nhiều mô hình kinh doanh mới nhanh chóng hơn.

Trí tuệ nhân tạo lên ngôi trong đại dịch

Các công ty giá trị nhất thế giới hiện nay đều nằm trong lĩnh vực khoa học máy tính và hơn 80% các động thái hằng ngày của thị trường chứng khoán Mỹ đều là các giao dịch bằng thuật toán thực hiện bằng máy có ứng dụng AI.

Ban đầu, sự phát triển của AI chỉ ảnh hưởng đến một số lĩnh vực, nhưng giờ đây nó dường như tác động đến mọi mặt của nền kinh tế và tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta. Những đối tượng chịu rủi ro lớn nhất trong cuộc cách mạng AI và bối cảnh đại dịch là những người dễ bị tổn thương nhất, những người có kỹ năng lao động thấp và những quốc gia nghèo nhất.

Làn sóng AI trong và sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Khi nói về Covid-19, tốc độ chắc chắn là chìa khóa để phòng và chống lại dịch bệnh này. Bằng cách sử dụng AI, con người có thể phát hiện ra và dự đoán chính xác sự lây lan của dịch bệnh này cũng như kiểm soát những người có nguy cơ do tiếp xúc với người bệnh.

Đại dịch đã thay đổi hoàn toàn các trung tâm khách hàng khi các chatbot AI được sử dụng để thay thế nhân viên làm việc tại đây. Thực tế, máy móc đang dần thay thế con người tại các tổng đài nhưng đại dịch đã đẩy nhanh tiến trình này nhanh hơn.

Khi gần 38 triệu người Mỹ đã mất việc do Covid-19 và một số công việc này có thể không còn nữa, trong khi các công ty Mỹ đang đứng đầu về AI lại phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trên thị trường chứng khoán toàn cầu, với các cổ phiếu công nghệ hàng đầu được biết đến với tên gọi chung FAANG (Facebook, Apple, Amazon, Netflix và công ty mẹ của Google - Alphabet). Những công ty có giá trị lớn nhất thế giới ngày càng liên quan tới AI.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Trung Quốc, với các công ty hàng đầu Baidu, Tencent và Alibaba đều là các DN AI. Alibaba và Tencent là hai DN có vốn hóa lớn nhất Trung Quốc và đều là những công ty hoạt động trên lĩnh vực AI.

Để thúc đẩy AI phát triển, chính phủ các quốc gia phải đối mặt với bài toán vừa tạo động lực phát triển khoa học công nghệ nhưng vừa phải giải quyết các thách thức từ AI. Từ năm 2017, đã có một số quốc gia và vùng lãnh thổ ban hành các quy định, chính sách và đề án đẩy mạnh phát triển AI với tham vọng trở thành người đi đầu, mở ra một thị trường mới mang lại giá trị kinh tế cao. Bên cạnh những phương thức khuyến khích đổi mới sáng tạo công nghệ AI thì các quốc gia đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể để ứng phó với những thách thức mới đặt ra.

Chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch "dẫn đầu ngành AI thế giới" vào năm 2030. Tuyên bố này đã tạo nên cảm giác bất an cho Mỹ và các quốc gia khác về việc Trung Quốc có thể dùng AI để siết chặt kiểm soát công dân và phát triển ra các phát minh quân sự tinh vi hơn.

Đài Loan cũng đang hợp tác chặt chẽ với các công ty tư nhân để trở thành điểm đến hàng đầu của công nghệ AI. Bộ Khoa học và Công nghệ của Đài Loan dự định xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo AI, bao hàm nhiều mặt như quản lý nhân tài, công nghệ, tên miền và các ngành công nghiệp. Mục tiêu của họ không chỉ là xây dựng một xã hội thông minh mà còn là biến Đài Loan thành quốc gia chủ chốt trong chuỗi giá trị AI toàn cầu.

Làn sóng AI trong và sau đại dịch Covid-19 - Ảnh 2.

Một quốc gia đáng khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 là Hàn Quốc. Đất nước này hiện đang xem 5G và AI là những công nghệ cốt lõi để xây dựng kinh tế hậu Covid-19. Dịch bệnh chỉ khiến cho tham vọng về AI của Hàn Quốc trở nên mạnh mẽ hơn.

Năm 2019, tổng thống Moon Jae-in đã khởi động Chiến lược AI quốc gia, tập trung nỗ lực công nghiệp và giáo dục vào các cơ hội phát triển AI còn tiềm ẩn, hứa hẹn sẽ giải quyết những thách thức lớn nhất mà xã hội Hàn Quốc đang đối mặt.

AI đồng hành cùng cuộc chiến chống Covid-19

Trong đại dịch Covid-19, các ngành công nghệ cao đang hỗ trợ con người trên phạm vi toàn cầu. Trước khi dịch bệnh diễn ra, ít ai nghĩ Trung Quốc có thể xây dựng một bệnh viện dã chiến hiện đại chỉ trong vài ngày. Năng lực công nghệ của Trung Quốc được thể hiện bằng những bệnh viện thông minh được xây dựng một cách nhanh chóng với vai trò rõ rệt của robot.

Công nghệ còn giúp những người sử dụng smartphone theo dõi sức khỏe cá nhân thông qua các ứng dụng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hay các chính phủ, trong đó có Việt Nam với ứng dụng NCOVI hay Bluezone.

Đó là một trong hàng loạt tiến bộ công nghệ đang được ứng dụng hiệu quả trong cuộc chiến chống Covid-19. Khoa học dữ liệu làm nền tảng cho AI hoạt động và khoa học máy tính cùng với những công nghệ hiện đại khác đang góp phần ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.

Mặc dù chặng đường đẩy lùi Covid-19 vẫn còn nhiều gian nan. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là AI cũng như nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành y tế trên toàn thế giới, thế giới đang dần chuyển sang "giai đoạn bình thường mới".

TH