Huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn đẩy mạnh ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả công việc

Chính phủ số - Ngày đăng : 18:52, 01/06/2020

Theo UBND huyện Na Rì, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, phục vụ tốt nhu cầu của người dân, thời gian qua, huyện chú trọng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết công việc.

Hạ tầng CNTT của huyện cơ bản đáp ứng yêu cầu và ngày càng được hoàn thiện

Theo đó, đến nay, hạ tầng CNTT của huyện cơ bản đáp ứng yêu cầu và ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước (CQNN), phục vụ công việc ngày càng tốt hơn, góp phần tạo môi trường làm việc điện tử rộng khắp, tăng năng suất, hiệu quả công việc.

Số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện được trang bị máy tính đạt tỷ lệ 100%. Các cơ quan chuyên môn thuộc huyện, UBND các xã, thị trấn đã kết nối vào đường truyền mạng truyền số liệu chuyên dùng. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức biết sử dụng và sử dụng thành thạo máy tính trong công tác chuyên môn đạt 100%. 21/22 xã ở mức độ tốt, 01 xã ở mức độ khá, không có đơn vị sử dụng phần mềm ở mức độ trung bình và yếu.

Huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc - Ảnh 1.

Huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Bác Kạn

Hiện nay, 100% các cơ quan, đơn vị, cơ sở trên địa bàn huyện đã thực hiện việc gửi - nhận văn bản điện tử trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc, phần mềm một cửa điện tử, một cửa điện tử liên thông. 100% văn bản (không mật) trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị của huyện đều được gửi bản điện tử và được ký số chuyên dùng đảm bảo giá trị pháp lý.

Bên cạnh đó, hệ thống phần mềm một cửa điện tử, một cửa điện tử liên thông và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ cao được duy trì sử dụng tốt tại các cơ quan chuyên môn thuộc huyện và UBND các xã, thị trấn. Hệ thống cung cấp chức năng tiếp nhận, quản lý, lưu chuyển xử lý hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và chức năng cung cấp DVCTT mức độ 3, 4 cho người dân, doanh nghiệp (DN), góp phần minh bạch hóa quá trình xử lý hồ sơ dịch vụ hành chính công, nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC cho người dân, DN.

Toàn huyện đã được cấp 254 chứng thư số cá nhân và 137 chứng thư số của cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn, các trường học trên địa bàn huyện, các đơn vị thuộc huyện đã sử dụng chữ ký số trong việc ký ban hành văn bản, giao dịch trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Các hồ sơ, TTHC của UBND huyện đều được tiếp nhận và trả kết quả theo quy trình trên hệ thống "một cửa" điện tử tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện DVCTT mức độ 3, 4

UBND huyện Na Rì cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện DVCTT mức độ 3, 4 và dịch vụ bưu chính công ích trong giải quyết TTHC trên địa bàn huyện đến năm 2020.

Hiện nay, trên Cổng thông tin điện tử huyện có 31 trang thông tin điện tử, trong đó 09 trang của các cơ quan, đơn vị thuộc huyện, 22 trang của các xã, thị trấn. Cổng thông tin điện tử đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ là kênh thông tin của huyện, có chuyên mục TTHC mức độ 1, 2 và chuyên mục DVCTT mức độ 3, 4. Mức độ tương tác đạt hơn 85,3%.

Cụ thể, 100% cán bộ, công chức được cấp tài khoản và sử dụng thường xuyên phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, phần mềm một cửa điện tử và mail công vụ; 100% các văn bản đi đến được số hóa và quản lý trên phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn đã sử dụng chữ ký số chuyên dùng để ban hành văn bản và giao dịch trong lĩnh vực bảo hiểm...

Cũng theo UBND huyện Na Rì, năm 2019, huyện đã tiếp nhận 23.265 hồ sơ TTHC trên phần mềm một cửa điện tử, trong đó tiếp nhận trực tuyến 3.100 hồ sơ; tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích hơn 1.000 hồ sơ.

Việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và thực thi công vụ được các đơn vị trong huyện quan tâm sâu sát. Đặc biệt, lãnh đạo các đơn vị thường xuyên chỉ đạo hoạt động ứng dụng CNTT gắn với cải cách hành chính tại đơn vị, từ đó góp phần quan trọng tạo nên phương thức làm việc hiện đại, nâng cao năng suất, hiệu quả, tính công khai, minh bạch trong giải quyết công việc và TTHC, tiết kiệm chi phí hành chính, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

XT