ASEAN hậu Covid-19: Cơ hội và thách thức
Hội nhập - Ngày đăng : 16:32, 31/05/2020
Thế giới sẽ không bao giờ trở lại như trước Covid-19. Đại dịch sẽ được kiểm soát nhưng sẽ để lại những dấu ấn thay đổi trong lối sống, cách làm việc cũng như cách quản lý của chính phủ các nước.
Mặc dù không ai có thể biết được toàn bộ những thay đổi sắp tới sẽ ra sao, nhưng chúng ta có thể thấy rõ được một số vấn đề trong giai đoạn này. Đối với Đông Nam Á, các nhà lãnh đạo của khu vực sẽ cần phải chú ý và giải quyết nhiều vấn đề nếu muốn vượt qua những thách thức phía trước.
An ninh lương thực và y tế
Các vấn đề về an ninh lương thực, công nghệ y tế và khả năng tự cung ứng sẽ là những vấn đề nổi bật được đề cập đến trong chương trình nghị sự quốc gia của tất cả các nước thành viên ASEAN cũng như tại các Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEAN, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương hay Hội nghị cấp cao Đông Á trong thời gian tới.
Covid-19 đã thúc đẩy các viện nghiên cứu trong khu vực hợp tác để sản xuất các thiết bị vật tư y tế và bộ dụng cụ xét nghiệm như phòng áp lực âm, tấm che mặt và khẩu trang, các robot vận chuyển phục vụ trong thời gian phòng, chống dịch.
Các nhu cầu từ đại dịch cũng đóng vai trò là chất xúc tác tích cực cho sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của các công ty công nghệ trong nhiều lĩnh vực này. Việc thúc đẩy hợp tác cùng nhau là rất quan trọng trong bối cảnh của khu vực Đông Nam Á hiện nay.
Việt Nam tăng cường sản xuất vật tư y tế phòng chống dịch Covid-19. (Ảnh: Baocongthuong)
Hậu đại dịch Covid-19 có lẽ bài học quan trọng mà các chính phủ có thể rút ra từ cú sốc của việc phong tỏa và nguồn cung bị gián đoạn. Đó là phải tập trung vào việc tăng cường sức mạnh nền kinh tế trong nước và xây dựng khả năng tự cung ứng trong các lĩnh vực như lương thực và y tế để tránh tình trạng phải đối mặt với những thiếu hụt trong các cuộc khủng hoảng trong tương lai.
Mặc dù tâm lý tự bảo vệ mình của mỗi nước là điều dễ hiểu, nhưng sẽ tốt hơn đối với các quốc gia nếu có thể tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để cải thiện an ninh lương thực và y tế.
Ví dụ, Thái Lan và Singapore dồi dào nguồn lương thực, với cách quản lý và công nghệ tiên tiến, nên chung tay để tăng cường an ninh lương thực và y tế cho hai quốc gia và cả khu vực. Các quốc gia có lợi thế khác nhau ở ASEAN có thể kết hợp và hợp tác theo nhiều cách để phát triển khu vực này thành một trung tâm về an ninh lương thực và y tế.
Vai trò của các tổ chức khu vực
Bất chấp sự sự hạn chế vai trò của các thể chế đa phương trong việc nhanh chóng tăng cường hợp tác, chúng ta bắt đầu thấy sự hợp tác giữa các tổ chức khu vực.
Ngày 14/4, các nhà lãnh đạo của ASEAN và ASEAN + 3 (Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) đã tổ chức hội nghị trực tuyến bàn về cách thức tăng cường hợp tác đối phó với Covid-19.
Hội nghị trực tuyến ngày 14/4 bàn về cách thức tăng cường hợp tác đối phó với Covid-19. (Ảnh: VGP)
Trong thời gian vừa qua, chúng ta cũng đã chứng kiến những nỗ lực tương tự trong hợp tác về kinh tế và y tế cộng đồng ở cấp khu vực, giữa các nước thành viên thuộc Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á, Liên minh châu Phi, Liên minh châu Âu và Tổ chức các nước châu Mỹ.
Có lẽ các tổ chức khu vực muốn trở thành các thể chế đi đầu trong việc hợp tác toàn cầu. Với những gì chúng ta đang thấy hiện nay, thế giới hậu Covid-19 có thể không phải là một thế giới lưỡng cực. Thay vào đó, nó có khả năng là một thế giới đa cực, với các tổ chức khu vực trở thành những người chơi chính.
Liệu một thế giới đa cực, dựa trên các vấn đề, có thể xác định được cách thức quan hệ quốc tế sẽ tiến hành trong tương lai hay không? Nếu có, ASEAN sẽ đứng ở đâu trong một thế giới hậu Covid-19 bị phân mảnh như vậy?
Và ASEAN cần phải làm gì để thể hiện vai trò của mình trong một thế giới mà an ninh lương thực và y tế ngày càng quan trọng?
Lối sống và kinh doanh
Đây là một lĩnh vực khác mà thế giới cũng sẽ không bao giờ có thể quay trở lại như cũ. Với sự phát triển của công nghệ số trong các lĩnh vực như truyền thông và hội nghị, giáo dục, dịch vụ tài chính, y học, lối sống và bán lẻ, các doanh nghiệp liên kết với công nghệ sẽ được hưởng lợi rất lớn.
Du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng lớn trong đại dịch Covid-19. (Ảnh: AFP)
Du lịch, chiến lược tăng trưởng theo hướng xuất khẩu thông thường, các ngành công nghiệp chế tạo và các nhà phân phối logistics thông thường sẽ thua cuộc trong thời kỳ khủng hoảng lớn này.
Ví dụ, kinh doanh du lịch sẽ bị ảnh hưởng lớn khi các công ty chuyển sang hình thức họp trực tuyến. Nhiều ngành công nghiệp đã chuyển sang sử dụng robot và trí tuệ nhân tạo để vượt qua những thách thức đặt ra do yêu cầu tránh lây nhiễm.
Trong khi không thể phủ nhận những sự thay đổi đang diễn ra này, thách thức lớn nhất là xác định được mức độ của những sự thay đổi để thích ứng với điều đó.
Một lần nữa, các nước Đông Nam Á sẽ phải tự hỏi: Họ sẽ phải chuẩn bị để thích ứng với những thay đổi gây gián đoạn về lối sống và phương thức kinh doanh này như thế nào? Phương châm "ASEAN lấy con người làm trung tâm" và ý tưởng "không để ai bị bỏ lại phía sau" được nhắc đến rất nhiều sẽ được thực hiện như thế nào trong thế giới hậu Covid-19?
Lời kêu gọi hành động
Những tác động chính trị, kinh tế và công nghệ từ Covid -19 đã làm gia tăng sự cần thiết phải xây dựng lại chiến lược của ASEAN trong tương lai.
Các nhà lãnh đạo và các bộ trưởng ASEAN cần tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực có tiềm năng.
An ninh lương thực và y tế cần phải là ưu tiên cấp bách trong chương trình nghị sự. Mỗi nước thành viên ASEAN có thể đề xuất cách thức tiềm năng và có lợi thế so sánh để góp phần xây dựng kế hoạch hành động của cộng đồng ASEAN.
ASEAN cũng cần đẩy mạnh hợp tác để thúc đẩy chủ nghĩa khu vực như một cách thức để chống lại đại dịch. Các quốc gia ASEAN đã hợp tác hiệu quả trong các cuộc khủng hoảng trước đây như dịch SARS, dịch cúm gia cầm, trận sóng thần năm 2004 và bão Nargis năm 2008. Sẽ không thể bảo vệ hay giúp đỡ được người dân một cách hiệu quả nếu mỗi quốc gia hành động riêng lẻ một mình.
Các nhà lãnh đạo và các bộ trưởng ASEAN cần xây dựng một chương trình để tuyên truyền cho người dân về thế giới hậu Covid-19 cũng như cách thức phản ứng và thích nghi nhanh chóng với những gián đoạn trong cuộc sống và các hoạt động sinh kế của họ.
Chính phủ các nước ASEAN cũng vậy, cần rất nhiều sự trợ giúp trong lĩnh vực chính phủ điện tử và giáo dục trực tuyến, để đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho người dân, giúp họ có thể tồn tại trong thế giới hậu Covid-19.
Giờ là lúc cần hành động. Mặc dù vẫn còn khó để nhìn nhận thế giới hậu Covid-19 sẽ như thế nào, nhưng cần phải chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với mọi tình huống.