Vai trò lớn của các công ty viễn thông trong phục hồi kinh tế - xã hội hậu Covid-19

Xu hướng - Dự báo - Ngày đăng : 16:51, 30/05/2020

Các công ty viễn thông đóng vai trò quan trọng trong phục hồi nền kinh tế và xã hội sau đại dịch. Các doanh nghiệp này cũng là đối tác tốt nhất của chính phủ trong việc thúc đẩy tài chính số.

Để thấy rõ vai trò của ngành viễn thông đối với phục hồi kinh tế xã hội sau đại dịch Covid-19, trước hết chúng ta cần nhận thấy rằng đây không phải là một cuộc suy thoái thông thường. Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết: "Đây là một tình huống éo le. Nó không giống các cuộc suy thoái thông thường". So sánh với sự suy thoái thông thường của một nền kinh tế, ảnh hưởng về kinh tế của Covid-19 mạnh hơn và gây xáo trộn nhiều hơn.

Do đó, phản ứng của ngành viễn thông ngoài việc hỗ trợ ngay lập tức cho các thuê bao dưới nhiều hình thức khác nhau, thì tùy theo môi trường địa chính trị, nền kinh tế quốc gia, sự giàu có của dân số, quan điểm bảo hộ hơn của Nhà nước cũng như sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng để đưa ra các biện pháp phục hồi thế giới trong giai đoạn hậu Covid.

Vai trò của các công ty viễn thông trong phục hồi hậu Covid-19 - Ảnh 1.

Đại dịch đóng vai trò là yếu tố thúc đẩy các xu hướng đang diễn ra như chuyển đổi số, điện toán đám mây,… Qua đó, giúp xã hội đạt được những kết quả về cả công nghệ và kinh tế. Điều này mang lại lợi ích của tất cả các bên liên quan, bao gồm các công ty viễn thông, chính phủ, doanh nghiệp và các công dân số nói chung.

VEON, một công ty viễn thông đa quốc gia có mặt tại 10 quốc gia với các nền kinh tế và mức độ thịnh vượng khác nhau, đã đưa ra những vấn đề đòi hỏi ngành viễn thông phải có hành động khẩn cấp.

Đẩy nhanh việc sử dụng các kênh trực tuyến

Việc phụ thuộc vào các cửa hàng vật lý không chỉ để mua một chiếc điện thoại hay thậm chí đơn giản hơn là chỉ để nạp tiền điện thoại, thực sự trở thành một bài toán lớn khi chính phủ các nước thực hiện giãn cách xã hội. Điều này cho thấy nhu cầu cấp thiết cần đẩy nhanh việc sử dụng các kênh trực tuyến để thực hiện hầu hết mọi giao dịch liên quan giữa khách hàng với nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.

Ví dụ, nếu như trước đây, khách hàng cần ra cửa hàng, hiệu tạp hoá… để mua thẻ cào cho điện thoại di động thì nay, việc đó không còn cần thiết. Việc chuyển đổi từ thuê bao trả trước sang trả sau vốn tốn thời gian và thủ tục giấy tờ khi chủ nhân phải ra cửa hàng của nhà mạng thì nay cũng có thể thao tác trên điện thoại. Hầu như mọi dịch vụ viễn thông, đăng ký gói cước, chuyển đổi thông tin… đã có thể được thực hiện trên một ứng dụng. Đây là một trong những dấu hiệu cho thấy rõ xu hướng chuyển đổi số trong ngành viễn thông. 

Điển hình như với nàh mạng Viettel, tất cả hành động có thể mất từ 1 đến 2 giờ như trước kia đã được thay bằng những cú chạm tay chỉ trong vài phút. Gần như 100% với các dịch vụ viễn thông của nhà mạng này đã được chuyển qua giao dịch số thông qua ứng dụng My Viettel.

Vai trò của các công ty viễn thông trong phục hồi hậu Covid-19 - Ảnh 2.

Mặc dù điều này được thực hiện dễ dàng hơn tại các quốc gia nơi có mức thâm nhập các dịch vụ ngân hàng cao, nhưng lại khó khăn hơn - nếu không nói là không thể - tại các quốc gia như Pakistan, nơi 2/3 dân số thậm chí không có tài khoản ngân hàng.

Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động không nhỏ đến nhiều ngành nghề và cuộc sống người dân. Chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, các hoạt động, hành vi trong sản xuất, kinh doanh, đời sống đã thay đổi rất lớn. Cụm từ được nhắc đến nhiều nhất là "cách ly" hay "giãn cách" xã hội. Người dân được khuyến cáo ở yên trong nhà. Nhà máy đóng cửa, doanh nghiệp cho phép nhân viên làm việc từ xa... để tránh dịch bệnh lây lan.

Dù vậy, nền kinh tế vẫn cần vận hành và giải pháp hữu hiệu nhất chính là số hóa mạnh mẽ hơn. Các doanh nghiệp cũng phải tuân theo dòng chảy chung này nếu muốn đáp ứng được nhu cầu của thị trường và người dùng.

Thúc đẩy tài chính số, đào tạo trực tuyến, y tế điện tử

Thực tế từ cuộc khủng hoảng đại dịch cũng cho thấy cần đẩy nhanh phổ biến các dịch vụ tài chính số, trong đó bao gồm cả các dịch vụ tài chính di động. Các dịch vụ này cho phép chi trả các khoản trợ cấp Covid nhanh nhất, an toàn nhất cũng như đảm bảo tính liên tục của một số hoạt động kinh tế thông qua thương mại điện tử hoặc dịch vụ điện tử. Đây còn là động lực mạnh mẽ để thu hẹp khoảng cách số tại nhiều các quốc gia trên thế giới.

Nhu cầu đối với một số dịch vụ, như đào tạo trực tuyến và y tế điện tử, cũng tăng cao. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, để không làm gián đoạn học tập, trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ học dài ngày để phòng chống dịch bệnh, nhiều trường học đã lên các phương án để đảm bảo việc học tập cho học sinh/sinh viên, áp dụng phương án triển khai chương trình học trực tuyến. Và chúng dần trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày hiện nay.

Tại Ukraine, dịch vụ bác sĩ trực tuyến của Kyivstar của nhà mạng VEON không chỉ cho phép khách hàng nhận được tư vấn từ xa của bác sỹ mà còn được cấp đơn thuốc trực tuyến.

Làm việc từ xa cũng là một xu hướng khác, đã và đang được áp dụng nhiều các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới. Điều này không chỉ do việc di chuyển trong đại dịch gặp nhiều khó khăn, mà vì làm việc tại từ xa đã chứng tỏ được tính hiệu quả và thuận tiện của nó.

Tất cả những kết qủa trên đều cho thấy vai trò quan trọng các công ty viễn thông đối với các nền kinh tế và xã hội, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng do đại dịch. Họ chính là đối tác tốt nhất để chính phủ đẩy nhanh việc xóa bỏ khoảng cách số và thúc đẩy phát triển các dịch vụ tài chính số.

TH