Huyện Ngọc Hồi, Kon Tum: Thực hiện hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững
Truyền thông - Ngày đăng : 16:57, 27/05/2020
Ngọc Hồi là một huyện miền núi biên giới nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Kon Tum. Toàn huyện có 7 xã và 1 thị trấn với 76 thôn, tổ dân phố; có 05 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới thuộc diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020. Dân số toàn huyện khoảng 58.138 người, dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm khoảng 57,16% trong đó có DTTS rất ít người là Brâu.
Giai đoạn 2016 - 2020, huyện Ngọc Hồi đã được đầu tư, hỗ trợ hơn 114 tỷ đồng từ các Chương trình mục tiêu quốc gia; trong đó, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được bố trí là 34.249 triệu đồng.
Huyện Ngọc Hồi đã thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia. (Ảnh: TH)
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền; sự cố gắng, nỗ lực của các ban, ngành đoàn thể huyện; sự đồng thuận, tích cực tham gia thực hiện của người dân, việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với người dân khu vực nông thôn được nâng cao, môi trường ngày càng được cải thiện. Các chương trình đã góp phần tích cực trong công tác giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo… đồng thời góp phần tạo sự chuyển biến tích cực nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân.
Kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới đã có bước phát triển; tỷ lệ hộ đói nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội giảm dần; trình độ dân trí, chất lượng nguồn lao động được nâng cao; chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Tính đến cuối năm 2019, tổng số hộ nghèo của huyện là 791 hộ, chiếm tỷ lệ 4,96% (giảm 6,48% so với cuối năm 2015); 100% xã có trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; 100% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; có gần 40% lao động qua đào tạo; có 78,4% người trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục THCS trở lên; 90% các hộ dân thuộc địa bàn xã, thị trấn được tiếp cận thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội thông qua kênh phát thanh, truyền hình; sách, ấn phẩm truyền thông…
Nhiều hộ gia đình đầu tư trồng cây cà phê thoát nghèo. (Ảnh: Mai Hương)
Nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, huyện đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ giống cây trồng (cây cà phê, sâm dây), vật nuôi (bò), hỗ trợ vật tư (phân bón, thuốc chống mối, thuốc bảo vệ thực vật), công cụ phục vụ sản xuất (bình phun thuốc) và tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê.
Trong giai đoạn 2016 – 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ngọc Hồi cũng đã triển khai cho hơn 10.470 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi, với tổng số tiền giải ngân hơn 337 tỷ đồng; đưa tổng dư nợ tín dụng do Ngân hàng Chính sách xã hội huyện quản lý đạt hơn 350 tỷ đồng, tăng hơn 120 tỷ đồng so với năm 2016, với hơn 7.960 hộ còn dư nợ.
Song song với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng cũng được quan tâm giữ vững. Nguồn vốn tín dụng đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và nhất là thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện. Tính đến hết tháng 02/2020, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi đã có hơn 2.570 hộ vươn lên thoát nghèo.
Để thực hiện hiệu quả hơn nữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động một cách thường xuyên, sâu rộng để người dân hiểu, đồng thời phát huy mọi nguồn lực để cùng chung sức, chung lòng hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn.