Giới khoa học với cuộc chiến chống tin giả về COVID-19
Truyền thông - Ngày đăng : 20:33, 26/05/2020
Trong đại dịch COVID-19, ngoài nhiệm vụ nghiên cứu điều chế vắcxin và thuốc điều trị bệnh, các nhà khoa học còn có thêm nhiệm vụ “phản công” những thông tin sai lệch về đại dịch, đang lan truyền trên mạng nhanh không kém gì virus SARS-CoV-2.
Theo các chuyên gia, nạn lan truyền thông tin sai lệch về COVID-19 có thể tạo ra một nguy cơ y tế nghiêm trọng và cách xử lý hiệu quả nhất là cung cấp những thông tin dễ hiểu về phòng chống dịch cho người dân.
Tháng 2/2020, tạp chí Y khoa Lancet (Anh) đã cảnh báo rằng việc quan trọng nhất trong đại dịch COVID-19 là phải “nhanh chóng phổ biến các thông tin đáng tin cậy” bao gồm việc xác định minh bạch các ca bệnh, chia sẻ dữ liệu, liên lạc thông suốt và nghiên cứu đã được xác nhận. Tuy nhiên, các nghiên cứu khoa học nghiêm ngặt và cần nhiều thời gian đang phải cạnh tranh với tính tức thời của truyền thông xã hội, trong khi công luận thường đòi hỏi những câu trả lời chắc chắn và dứt khoát.
Bà Kinga Polynczuk-Alenius, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Helsinki (Phần Lan) nhận xét trong đại dịch COVID-19, các thuyết âm mưu đưa ra những giải thích toàn diện, đơn giản, có vẻ hợp lý và kín kẽ. Ngược lại, các kiến thức khoa học thường phức tạp, hay thay đổi và gây tranh cãi, tạo cho mọi người, kể cả những người ra quyết sách chính trị, ấn tượng rằng các kiến thức này “lung tung và tự mâu thuẫn.”
Thực trạng đó khiến các nhà khoa học phải vào cuộc. Viện Pasteur Paris đã lập ra một trang web để cung cấp thông tin cho người dân về virus SARS-CoV-2, sau khi có quá nhiều thông tin sai lệch về loại virus này xuất hiện trên mạng. Hiện có khoảng 16.000 thuê bao mới hằng tháng trên các trang truyền thông xã hội của viện, so với mức 4.000 thuê bao trước đại dịch.
Hồi đầu tháng 5/2020, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế cũng thiết lập mạng lưới toàn cầu đầu tiên gồm những người có ảnh hưởng lớn trên truyền thông xã hội để chống lại các thông tin sai lệch và phổ biến những thông tin “cứu mạng” trong dịch COVID-19. Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang tiến tới một thỏa thuận với Facebook để phổ biến thông tin trực tiếp cho người dùng thông qua các dịch vụ tin nhắn cá nhân.
Các nhà khoa học muốn tạo ra một “văn hóa khoa học” để giúp người dân có thể hiểu được những gì họ được nghe và đọc, bởi vì việc bác bỏ một thông tin tốn công sức gấp 10 lần so với lan truyền chúng. Kết quả nghiên cứu năm 2018 của tạp chí Khoa học đã phát hiện ra rằng “tin giả lan truyền nhanh hơn tin thật.” Do vậy, các chiến dịch thông tin không nên chỉ được xem là liều thuốc đặc trị chuyên chống tin giả./.