Lai Châu đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử
Truyền thông - Ngày đăng : 16:11, 25/05/2020
Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đạt nhiều kết quả
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lai Châu được thành lập từ tháng 7/2019 và đi vào hoạt động từ ngày 03/9/2019. Trung tâm là đầu mối tập trung của 15 sở, ngành thuộc UBND tỉnh và 02 doanh nghiệp Nhà nước (Công ty Điện lực tỉnh, Công ty Cổ phần nước sạch tỉnh).
Hiện nay, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh có 1.364 TTHC được đưa ra giải quyết (trong đó, giải quyết tại chỗ là 285 TTHC; 1.079 TTHC được giải quyết tại các cơ quan, đơn vị), các TTHC đưa vào Trung tâm đều được quy trình hóa theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; 100% hồ sơ, TTHC được giám sát chặt chẽ từ khâu tiếp nhận, xử lý đến hoàn trả kết quả; 100% hồ sơ, TTHC được số hóa xử lý trên môi trường mạng.
Đặc biệt, khi giải quyết công việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, toàn bộ quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của các sở, ban, ngành đều được kiểm soát chặt chẽ từ khâu tiếp nhận, xử lý đến trả kết quả bằng hệ thống phần mềm một cửa hiện đại, bảo đảm minh bạch, rõ ràng, đúng lịch hẹn.
Danh mục các TTHC, các khoản phí, lệ phí đối với các TTHC có quy định thu được niêm yết công khai, minh bạch, đầy đủ; các ki-ốt tra cứu thông tin về TTHC được đặt tại vị trí trước cửa ra vào của Trung tâm để các tổ chức, công dân thuận tiện tra cứu, theo dõi.
Nhằm tăng cường sự giám sát của nhân dân, giúp cơ quan hành chính Nhà nước nâng cao chất lượng phục vụ, Trung tâm cũng đã trang bị hệ thống camera, thiết bị khảo sát sự hài lòng của cá nhân, tổ chức tại tất cả các vị trí tiếp nhận và giải quyết TTHC.
Đồng thời, Trung tâm còn thực hiện lấy ý kiến đánh giá của công dân và tổ chức bằng phiếu đánh giá sự hài lòng đối với việc thực hiện giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Qua đó, góp phần nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp, phục vụ, giảm thiểu nhũng nhiễu, phiền hà đối với tổ chức, cá nhân, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh.
Người dân giao dịch tại các quầy giao dịch Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lai Châu. (Ảnh: laichau.gov.vn)
Tính đến ngày 14/2/2020, tổng số văn bản đến, đi điện tử tích hợp chữ ký số trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh là 1.496.585 văn bản, ước tính ban đầu đã tiết kiệm được hơn 7 tỷ đồng từ chi phí giấy, mực, cước bưu chính.
Tỉnh đã xây dựng hệ thống thư công vụ tỉnh với quy mô 3.000 hòm thư, cấp cho 4.228 cá nhân, tổ chức trong toàn tỉnh, đảm bảo an toàn, bảo mật trong giao dịch điện tử trên môi trường mạng; đã cấp 1.756 chữ ký số (trong đó 1.266 chữ ký số cá nhân, 490 chữ ký số của tổ chức), 120 chữ ký số trên thiết bị di động cho cá nhân. Cung cấp hơn 2.000 dịch vụ công trực tuyến, trong đó mức độ 2 là 1.903, mức độ 3 là 58, mức độ 4 là 73 dịch vụ... góp phần nâng cao chất lượng giải quyết TTHC, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước theo hướng công khai, minh bạch lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh trả kết quả cho công dân đến giao dịch. (Ảnh: Laichau.gov.vn)
Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử
Thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều biện pháp để xây dựng CQĐT, đặc biệt là năm 2019, thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025 và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TTTT và yêu cầu thực tiễn của địa phương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lai Châu quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương đã tạo ra sự đồng bộ trong triển khai thực hiện.
Riêng năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành 03 kế hoạch, 04 quyết định chỉ đạo điều hành; ban hành 194 văn bản bản đôn đốc, hướng dẫn tổ chức thực hiện. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, đặc biệt là nâng cao vai trò của người đứng đầu trong ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý điều hành nói riêng và xây dựng CQĐT nói chung.
Cổng thông tin điện tử tỉnh Lai Châu.
Hệ thống Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Cổng Thông tin đối ngoại tỉnh và các Cổng Thông tin của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã cập nhật kịp thời, đầy đủ các thông tin phục vụ đông đảo tổ chức, cá nhân, lượt truy cập ngày càng tăng.
Mạng Internet băng rộng đã phủ đến 100% số xã. Mạng máy tính trang bị cho cán bộ công chức cấp tỉnh, cấp huyện đạt tỷ lệ 1/1 người máy, 100% kết nối Internet; cán bộ công chức cấp xã đạt tỷ lệ 1,5 người/máy, 80% kết nối Internet.
Hạ tầng CNTT được quan tâm đầu tư, toàn tỉnh có 1.809 trạm BTS, phủ sóng di động đến 100% số xã (92% bản phủ sóng 3G, 78% bản phủ sóng 4G). Hệ thống hội nghị trực tuyến có 17 điểm cầu các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện và 99 điểm cầu cấp xã.
Tỉnh Lai Châu xác định, công tác xây dựng CQĐT là nhiệm vụ thường xuyên, và phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể, tuân thủ nguyên tắc, xác định rõ mục đích từng giai đoạn. Trên cơ sở đó, năm 2020 tỉnh ưu tiên nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thiện các yếu tố nền tảng của CQĐT như xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh kết nối vào nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia; xây dựng Kiến trúc CQĐT phiên bản 2.0; nâng cao tỷ lệ dịch vụ công mức độ 4; tạo lập hình thành bước đầu về cơ sở dữ liệu của tỉnh kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia; xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của UBND tỉnh; Hệ thống hỗ trợ thanh toán dịch vụ công trực tuyến…
Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự chung sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến địa phương, sự vào cuộc của các doanh nghiệp viễn thông - CNTT, tỉnh Lai Châu sẽ có những bước tiến nhanh trong xây dựng CQĐT. Qua đó, đặt nền móng vững chắc cho giai đoạn tiếp theo, góp phần xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh và chuyên nghiệp.