WHO, UNHCR tích cực hỗ trợ y tế cho người di cư trong đại dịch Covid-19
Truyền thông - Ngày đăng : 15:36, 22/05/2020
Dịch bệnh hô hấp như Covid-19 có thể lây lan dễ dàng trong các khu vực quá đông đúc và có các điều kiện không an toàn như trại hoặc khu di cư. Các hộ gia đình trong những môi trường này sẽ dễ mắc bệnh hơn và ít có khả năng chống lại dịch bệnh này vì các dịch vụ không đầy đủ. Vì thế, bất kỳ phản ứng nào về sức khỏe cộng đồng đối với đại dịch cũng cần quan tâm đến những người dễ bị tổn thương nhất, bao gồm người tị nạn, người di cư và những người phải di dời chỗ ở trong nước.
Mục tiêu chính của thỏa thuận giữa WHO và UNHCR nhằm hỗ trợ, bảo vệ khoảng 70 triệu người bị buộc phải di cư trong đại dịch Covid-19. Khoảng 26 triệu người trong số này là người tị nạn, 80% trong số họ đang sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình có hệ thống y tế kém. 40 triệu người di cư nội địa (di cư giữa các vùng trong cùng một quốc gia) khác cũng cần hỗ trợ.
Trong hơn 20 năm qua, UNHCR và WHO đã cùng hợp tác để bảo vệ sức khỏe những người dễ bị tổn thương nhất thế giới. Hai tổ chức đã cung cấp các dịch vụ y tế cho người tị nạn ở mọi khu vực, bao gồm từ cứu trợ đến ủng hộ việc đưa người tị nạn và người không quốc tịch vào các kế hoạch y tế công cộng của các nước sở tại.
Hiện nay, hai tổ chức đang sát cánh bên nhau để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 và đảm bảo rằng những người bị buộc phải di cư có thể tiếp cận các dịch vụ y tế mà họ cần, nhằm duy trì sự an toàn trong đại dịch Covid-19 cũng như các thách thức sức khỏe khác.
TS. Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO cho biết: "Nguyên tắc đoàn kết và mục tiêu phục vụ những người dễ bị tổn thương là nền tảng cho công việc của cả hai tổ chức của chúng tôi. Chúng tôi luôn sát cánh trong cam kết bảo vệ sức khỏe cho những người bị buộc rời khỏi nhà và đảm bảo rằng họ có thể nhận được các dịch vụ y tế khi nào và nơi nào họ cần. Đại dịch diễn ra càng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa hai tổ chức nhằm có thể đạt được nhiều kết quả hơn".
Theo ký kết, UNHCR sẽ tham gia Quỹ phản ứng đoàn kết COVID-19. Được ra mắt vào ngày 13 tháng 3, đến nay quỹ đã huy động được 214 triệu USD. Mục đích của Quỹ phản ứng đoàn kết Covid-19 là hỗ trợ công tác cứu sống con người của WHO ở khắp các quốc gia, bao gồm giúp theo dõi và nâng cao hiểu biết về sự lây lan của virus, cũng như tăng cường chăm sóc bệnh nhân, bổ sung các thiết bị y tế và đẩy nhanh sự phát triển của vaccine và các liệu pháp điều trị.
Tất cả các các cá nhân, công ty và tổ chức trên toàn thế giới có thể đóng góp trực tiếp vào Quỹ để hỗ trợ các quốc gia ngăn chặn, phát hiện và phản ứng với Covid-19.
Khoản tiền 10 triệu USD từ Quỹ phản ứng đoàn kết sẽ hỗ trợ UNHCR thực hiện các nhu cầu cấp thiết như truyền thông rủi ro và sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động vệ sinh; cung cấp vật tư y tế và thành lập các đơn vị cách ly ở các quốc gia như Jordan, Kenya, Lebanon, Nam Sudan và Uganda.
"Bằng cách tham gia Quỹ phản ứng đoàn kết Covid-19, UNHCR có thể hợp tác với WHO để đảm bảo rằng các biện pháp ứng phó, phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong đại dịch Covid-19 được thực hiện và sự viện trợ cần thiết có thể đến với người tị nạn và những người bị buộc phải di dời", Ủy viên UNHCR Grandi cho biết.