Startup Việt khai thác cơ hội từ yêu cầu chuyển đổi số sau Covid-19
Make in Viet Nam - Ngày đăng : 10:21, 20/05/2020
Bizzi, startup Việt Nam là một ví dụ như vậy. Startup này đã phát triển một công cụ tự động hóa kế toán bằng cách sử dụng tự động hóa quy trình bằng robot (RPA - Robot Process Automation) nhằm đơn giản hóa và số hóa các hoạt động tài chính của các công ty.
Ngày 19/5, startup này đã thông báo huy động một khoản đầu tư hạt giống từ quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups và các nhà đầu tư thiên thần khác nhưng chi tiết khoản đầu tư không được tiết lộ.
Bizzi hoạt động dựa vào một phần mềm kế toán hiện có để tự động hóa các quy trình tài chính như thanh toán hóa đơn, quét biên lai, tuân thủ và ghi sổ, cùng nhiều tác vụ khác.
Phần mềm này sử dụng học máy (machine learning) để hiểu rõ hơn về dữ liệu và tăng độ chính xác của nền tảng. Theo Bizzi, giải pháp có thể tiết kiệm thời gian và tiền bạc mà DN chi cho các quy trình tài chính hàng ngày tới 80%.
Nghĩa Vũ, đồng sáng lập và CEO của Bizzi chia sẻ được techniasia.com: Nguồn vốn mới này sẽ cho phép chúng tôi tăng tốc phát triển theo tầm nhìn rằng mọi kế toán viên nên dành thời gian để tư vấn và phân tích các con số thay vì làm công việc thủ công.
Theo một báo cáo, nền kinh tế số Việt Nam dự kiến sẽ đạt 30 tỷ USD vào năm 2025, tăng từ 9 tỷ USD năm 2018. Nếu thành công trong chuyển đổi số, GDP của Việt Nam có thể đạt 162 tỷ USD trong vòng 20 năm.
Bizzi cho biết hiện đang phục vụ các DN nhỏ, DN quy mô lớn và các công ty kế toán, với các khách hàng như nhà cung cấp dịch vụ mở rộng thị trường DKSH, nhà phân phối sản phẩm dinh dưỡng 3A Nutritions và chuỗi cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc GS25, cùng với các công ty khác.
Trước khi đầu tư vào Bizzi, 500 Startups cũng hỗ trợ các công ty giai đoạn đầu khác trong khu vực đang tận dụng RPA, bao gồm Talkpush có trụ sở tại Hồng Kông, tìm cách tự động hóa các quy trình tuyển dụng và Glee Plants có trụ sở tại Singapore bổ sung AI cho sản phẩm tự động hóa của họ.
Bài toán của DN hậu Covid-19
Theo Bizzi, do khủng hoảng Covid-19, những người điều hành DN phải đưa ra những giải pháp quyết liệt để giúp DN tồn tại. Khi việc tăng thu gần như bất khả thi thì phần lớn DN sẽ chọn phương án giảm chi triệt để.
Giảm lương, cắt giảm nhân sự là "từ khóa" được dùng nhiều nhất nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời để đảm bảo cân bằng về dòng tiền. Giải pháp tối ưu chi phí bền vững nằm ở việc tăng năng suất, tối ưu chi phí thông qua ứng dụng công nghệ. Ví dụ như việc áp dụng Zoom để họp trực tuyến đã giúp tăng năng suất, giảm chi phí và thời gian đi lại.
Một công nghệ cũng đang trở nên phổ biến trên thế giới là RPA. So với các công nghệ 4.0 khác, RPA được áp dụng nhanh chóng hơn cả nhờ sự dễ hiểu và dễ đánh giá tỷ suất hoàn vốn. Theo ước tính của Deloitte, chi tiêu toàn cầu dành cho công nghệ RPA sẽ tăng vọt lên gần 5 tỷ USD vào 2020 với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 60%.
Tự động hóa quy trình bằng robot là gì?
RPA là phần mềm robot nâng cao năng suất và tự động hóa các công việc bàn giấy nhờ mô phỏng các thao tác máy tính của nhân viên văn phòng.
Ví dụ, nếu muốn nhờ RPA thực hiện một thao tác trên máy tính, RPA sẽ ghi nhớ các quy tắc thực hiện được gọi là kịch bản mô tả trình tự thao tác. Những lần sau đó, RPA sẽ thực hiện công việc này dựa trên kịch bản. Có thể hình dung hoạt động này giống như việc hướng dẫn công việc cho nhân viên mới.
Khả năng ứng dụng RPA cho các DN
Không phải chỉ có những DN lớn mới có khả năng ứng dụng công nghệ RPA và thấy được hiệu quả của công nghệ này. Các DN nhỏ và vừa vẫn có thể áp dụng thành công với chi phí rất thấp nếu chọn được giải pháp phù hợp.
Bizzi cho biết đã có hơn 200 công ty nhỏ và vừa đang sử dụng giải pháp của Bizzi.vn để tự động hóa quy trình kiểm tra, quản lý và nhập liệu hóa đơn điện tử, khai báo thuế. Trong thời gian "giãn cách xã hội", nhân viên kế toán phải làm việc tại nhà nhưng năng suất xử lý hóa đơn chứng từ không bị ảnh hưởng. Các bot có thể tự động lấy các hóa đơn điện tử đầu vào. Sau đó kiểm tra tính hợp lệ của các hóa đơn theo quy định về hóa đơn và trích xuất các dữ liệu trong hóa đơn đó. Kế toán chỉ cần kiểm tra lại trước khi nhập vào phần mềm kế toán.
Thời gian xử lý hóa đơn giảmtrung bình từ 3-5 phút/hóa đơn xuống chỉ còn 1 phút. Chi phí cũng giảm hơn 50% so với việc làm thủ công. Kế toán có thể dành thời gian làm những việc quan trọng có giá trị hơn như là kiểm soát dòng tiền, công nợ... giúp công ty quản lý tài chính hiệu quả hơn.